Nick Út và giải Pulitzer lên tiếng về tác quyền ảnh 'Em bé Napalm'

Trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về quyền tác giả của 'The Terror of War' ('Em bé Napalm'), CNN đã đưa thêm thông tin mới từ tổ chức chấm giải Pulitzer.

Câu chuyện tác quyền ảnh Em bé Napalm nóng lên sau khi bộ phim tài liệu The Stringer được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Trong đó, bộ phim cho rằng Nguyễn Thành Nghệ, thay vì Nick Út, đã chụp bức ảnh mang tính biểu tượng về một em bé khỏa thân chạy trốn khỏi một cuộc tấn công bằng bom napalm tại Việt Nam.

Bức ảnh Em bé Napalm đã mang lại cho Huỳnh Công “Nick” Út giải Pulitzer và giải Bức ảnh của năm năm 1973 của Tổ chức Giải ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo). Tác phẩm này cũng được coi là một trong những bức ảnh biểu tượng của thế kỷ 20.

Trước những thông tin tranh cãi trên, World Press Photo ngày 16/5 đã thông báo tạm dừng việc ghi nhận Nick Út là tác giả của bức ảnh. Dựa trên các thủ tục đánh giá của riêng mình, World Press Photo cho rằng mức độ nghi ngờ là quá lớn để tiếp tục xác nhận quyền tác giả hiện tại.

Đồng thời, do thiếu bằng chứng ủng hộ một kết luận chắc chắn nghiêng về một tác giả khác, World Press Photo cũng không thể chuyển nhượng lại quyền tác giả sang cho người đó.

Thiếu thông tin từ nhà sản xuất The Stringer

Nguyễn Thành Nghệ, người được nhắc tới trong cả bộ phim The Stringer và báo cáo của World Press Photo, là một trong số khoảng hơn 10 nhiếp ảnh gia được bố trí tại một trạm kiểm soát đường cao tốc bên ngoài Trảng Bàng vào ngày 8/6/1972. Tại đây, Phan Thị Kim Phúc 9 tuổi và những người dân làng khác bị nhầm là mục tiêu quân sự và bị ném bom.

 Ông Nguyễn Thành Nghệ (trái) tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Ảnh: festival.sundance

Ông Nguyễn Thành Nghệ (trái) tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Ảnh: festival.sundance

The Stringer cho rằng Nghệ đã bán bức ảnh của mình cho AP trước khi các biên tập viên can thiệp để ghi nhận Út, người là nhiếp ảnh gia chính thức của AP tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, các tuyên bố này chưa được xác nhận độc lập do nhà sản xuất bộ phim, VII Foundation, đã không trả lời nhiều yêu cầu từ CNN về việc phổ biến bản sao của bộ phim tài liệu này. The Stringer vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Lập trường của Út và tổ chức Pulitzer

Về phần mình, Nick Út đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc. Luật sư của ông, Jim Hornstein, đã đưa ra một tuyên bố thay mặt cho Út. Trong đó, Hornstein gọi quyết định dừng ghi nhận quyền tác giả của World Press Photo là "đáng chê trách và thiếu chuyên nghiệp". Tuyên bố này nói thêm rằng tuyên bố tác quyền của Nghệ không được chứng minh bằng bất cứ bằng chứng xác thực hoặc nhân chứng nào.

Đầu tháng này, hãng tin AP cũng đã công bố một báo cáo dài 96 trang về vấn đề này. Cuộc điều tra của hãng, dựa trên các cuộc phỏng vấn nhân chứng, kiểm tra máy ảnh, mô hình 3D hiện trường và các âm bản ảnh còn sót lại, đã kết luận "không có bằng chứng xác thực" cho việc thay đổi tác quyền của bức ảnh.

 Nhiếp ảnh gia Nick Út và ''Em bé Napalm'' Phan Thị Kim Phúc. Ảnh: Vietnam+

Nhiếp ảnh gia Nick Út và ''Em bé Napalm'' Phan Thị Kim Phúc. Ảnh: Vietnam+

Nick Út cũng đã hoan nghênh những phát hiện trong báo cáo mới nhất của AP. Cho biết trong một tuyên bố, ông nói: "Báo cáo cho thấy điều mà mọi người vẫn luôn biết, rằng quyền tác giả bức ảnh của tôi... là chính xác". Ông nói thêm: "Toàn bộ sự việc hiện tại là rất khó khăn đối với tôi và gây ra nỗi đau lớn".

Xuất hiện trên các tờ báo thế giới một ngày sau khi chụp, bức Em bé Napalm đã trở thành biểu tượng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Nhiều thập kỷ sau đó, Út tiếp tục vận động cho hòa bình.

Phát biểu với CNN khi kỷ niệm 50 năm bức ảnh được chụp vào năm 2022, Út đã kể lại câu chuyện của mình, nói rằng: "Tôi thấy Kim Phúc chạy và em ấy (la lên bằng tiếng Việt) 'Nóng quá! Nóng quá!'".

“Khi tôi chụp ảnh em, tôi thấy cơ thể em bị bỏng rất nặng và tôi muốn giúp em ngay lập tức. Tôi đặt tất cả thiết bị máy ảnh của mình xuống đường cao tốc và dội nước lên người em".

Út cho biết ông đã đưa những đứa trẻ bị thương lên xe tải của mình và lái xe trong 30 phút đến một bệnh viện gần đó. “Khi tôi quay lại văn phòng, (kỹ thuật viên phòng tối) và mọi người nhìn thấy bức ảnh đều nói với tôi ngay lúc đó rằng bức ảnh gửi đi thông điệp rất mạnh mẽ và bức ảnh sẽ giành được giải Pulitzer”, ông nói thêm.

Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN, tổ chức xét Giải thưởng Pulitzer cũng cho biết họ “không chắc sẽ có hành động nào trong tương lai” liên quan đến giải thưởng của Út hay không”.

Tuy nhiên, Giải thưởng Pulitzer phụ thuộc vào việc các tổ chức tin tức gửi bài dự thi và đó là căn cứ xác định tác giả của các bài dự thi. Do đó, đánh giá sâu rộng của AP đã cho thấy không có đủ bằng chứng để tước bỏ quyền tác giả hiện tại.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nick-ut-va-giai-pulitzer-len-tieng-ve-tac-quyen-anh-em-be-napalm-post1554388.html
Zalo