Nhường nhau

Thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng và các phường, xã của TP Bắc Giang đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều thiết chế thể thao như: Các sân bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, pickleball…; lắp đặt các thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) ngoài trời ở nhiều khuôn viên, công viên, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện của người dân.

Theo đó, ở những nơi được đầu tư thiết chế thể thao đã thu hút đông đảo người dân đến luyện tập. Vào sáng sớm, cuối giờ chiều, ở các công viên, khuôn viên trên địa bàn TP Bắc Giang như: Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự, Nguyễn Du, Á Lữ… rất nhiều người dân với đủ thành phần, lứa tuổi (trẻ em, thanh niên, trung niên, người cao tuổi) sử dụng bộ tập luyện TDTT ngoài trời do các đơn vị của TP trang bị.

Quan sát tại công viên Hoàng Hoa Thám-công viên lớn nhất của TP Bắc Giang, nhiều người cảm thấy không vui khi họ muốn tập một số thiết bị (khởi động khớp chân tay, đu xà kép, vặn mình…) song những người đến trước cứ "giữ khư khư" vài chục phút thiết bị, không rời khỏi vị trí để nhường người khác. Nhiều gia đình cho con chơi trò xích đu, bập bênh rất lâu không để ý đến những em nhỏ xung quanh đang đứng chờ. Do đợi mãi không đến lượt, các trẻ đành ngậm ngùi bỏ đi nơi khác trong sự luyến tiếc.

Ở một số khuôn viên, sân nhà văn hóa, nhiều sân bóng chuyền, cầu lông, pickleball... được thiết kế song số người "sở hữu" chủ yếu là những gương mặt quen thuộc của các nhóm, câu lạc bộ. Nhiều người chia sẻ, sau khi rời công sở, công ty, họ muốn về khu dân cư nơi mình sinh sống để chơi thể thao nhưng rất khó có cơ hội vào sân bởi các câu lạc bộ, đội, nhóm đã "xí chỗ" trước đó. Thông thường, mỗi séc bóng, trận cầu lông kéo dài 25-40 phút (tùy từng trận đấu). Sau khi hết séc, họ lại chơi tiếp không rời sân để nhường người đến sau, trong khi đó, trời mùa này lại nhanh tối.

Không ít các bác cao tuổi phàn nàn, mặc dù nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố có sân cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn… nhưng hiếm khi họ có cơ hội được tham gia bởi số lượng người chơi đông. Chẳng thế mà đã từng có những vụ cãi cọ, đôi co nhau xảy ra từ việc tranh nhau sân bãi, dụng cụ tập ở nơi công cộng. Ở các trung tâm thể hình, nhiều người mua vé tháng đến tập nhưng cũng cảm thấy khó chịu bởi tình trạng này. Không ít thanh niên ngồi sử dụng hàng tiếng đồng hồ các máy tập mà không biết rằng vô số người cũng đang muốn tập những thiết bị đó.

Vẫn biết rằng nhu cầu, thời gian tập luyện, lựa chọn dụng cụ tập là quyền, sở thích của mỗi người, nhất là ở nơi công cộng. Tuy nhiên, nếu mỗi người chịu khó quan sát, biết đặt mình vào vị trí của người khác, biết nhường nhau, có hành động đẹp sẽ khiến người tham gia tập luyện TDTT cảm thấy vui hơn. Từ đó, hạn chế nảy sinh những mâu thuẫn, cảm xúc bực bội không đáng có. Đó cũng là nét ứng xử văn hóa, văn minh của người dân TP.

Phương Ngân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhuong-nhau-140748.bbg
Zalo