Những yêu cầu để doanh nghiệp xuất khẩu mở cửa thị trường Hồi giáo

Chiếm 1/4 dân số thế giới, thị trường Halal được đánh giá là thị trường mới nhưng quan trọng của Việt Nam, nhưng để xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu liên quan.

Với quy mô lên tới 2 tỷ người tiêu dùng trên thế giới, thị trường Halal ngày càng cho thấy những tiềm năng hấp dẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ thực phẩm, dệt may đến dược phẩm, mỹ phẩm... Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó chứng nhận Halal là bước đầu tiên để doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Thành Hải Sang – chuyên gia Halal của GHC (tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam) cho biết, để chứng thực là sản phẩm Halal thì nguyên liệu sản xuất sản phẩm đó bắt buộc phải không có thành phần cấm theo luật Shari’ah của người Hồi giáo và đảm bảo sự “tinh khiết” trong quá trình sản xuất.

Nguyên liệu sử dụng không có nguồn gốc từ động vật bị cấm như lợn hoặc động vật giết mổ không theo nghi thức đạo Hồi; điều kiện về nhà xưởng và vệ sinh an toàn phải được đảm bảo; không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm...

Đơn cử, đối với nhà xưởng, cơ sở này phải được tách biệt hoàn toàn và cách ly thực sự khỏi các nông trại chăn nuôi lợn hoặc các hoạt động chế biến thịt lợn nhằm ngăn chặn sự gây bẩn của trung gian là người và thiết bị. Thiết bị, máy móc, dụng cụ và các phương tiện hỗ trợ chế biến thực phẩm Halal phải được chế tạo không chứa bất cứ nguyên vật liệu được coi là chất dơ (najs) theo luật Shari’ah và chỉ được sử dụng cho chế biến thực phẩm Halal.

Hay trong vấn đề đóng gói và dán nhãn, thiết kế, ký hiệu và biểu tượng logo, tên và hình ảnh sử dụng cho mục đích đóng gói không được gây hiểu nhầm hoặc trái luật Shari’ah...

Ông Thành Hải Sang cũng lưu ý, một số nước GCC (Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh) áp dụng cấm nhập khẩu một số mặt hàng đặc biệt như đồ uống có cồn, thịt lợn, sản phẩm có hình ảnh nhạy cảm...

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Halal thì cần xác định rõ thị trường xuất khẩu hướng tới là gì để lựa chọn chương trình chứng nhận tương ứng như GAC, JAKIM, BPJPH..., để đạt đúng mục đích và giảm thiếu chi phí chứng nhận...

Hiện nay, chứng nhận Halal MS 1500:2019 của JAKIM sử dụng cho tất cả các nước Hồi giáo ngoại trừ Indonesia, GCC (Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh) và Thổ Nhĩ Kỳ. Chứng nhận GSO 2055-1: 2015 của GAC sử dụng cho tất các nước Hồi giáo trừ Malaysia, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ (riêng Saudi Arabia và UAE sẽ yêu cầu thêm giấy chứng nhận từ cơ quan của các nước này). Chứng nhận HAS 23000-1: 2012 của BPJPH dành cho tất cả các nước Hồi giáo ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và GCC.

Một gian hàng sản phẩm Halal giới thiệu tại Hội nghị Halal toàn quốc diễn ra trong tháng 10/2024. Ảnh: HTX Hà Nội Xanh

Một gian hàng sản phẩm Halal giới thiệu tại Hội nghị Halal toàn quốc diễn ra trong tháng 10/2024. Ảnh: HTX Hà Nội Xanh

Thị trường Halal không đơn thuần là "thị trường ngách"

Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), dự kiến người Hồi giáo có thể chi 2.800 tỷ USD trong năm 2025 cho chi tiêu thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm... Trong khi đó, báo cáo của Pew Research Center cho biết, dân số Hồi giáo có mức tăng trung bình 1,5%/năm và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.

Tại Indonesia - thị trường có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, quốc gia này có tới 87% dân số (trong tổng 278 triệu người) thuộc Hồi giáo. Tuy nhiên, hiện Indonesia chỉ xếp thứ 10 thế giới về sản xuất sản phẩm Halal, do đó vẫn cần phải nhập khẩu đến 12,6% tổng giá trị ngành thực phẩm Halal.

Năm 2023, Indonesia chi tới 14 tỷ USD để nhập khẩu sản phẩm Halal. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào Indonesia chỉ đạt khoảng 30 triệu USD, còn rất nhỏ với con số 14 tỷ USD nhập khẩu của quốc gia này.

Nhìn sang thị trường nước bạn – Thái Lan – quốc gia Đông Nam Á này đã thu về 7,24 tỷ USD từ xuất khẩu sản phẩm Halal trong năm 2023, đứng thứ 8 thế giới. Đến hiện tại, Thái Lan sở hữu hơn 180.000 sản phẩm có chứng nhận Halal.

Với những tiềm năng của thị trường, Halal rõ ràng không đơn thuần là thị trường ngách (phân khúc thị trường nhỏ) của Việt Nam. Đây là thị trường mới nhưng được xác định có vai trò quan trọng, tiềm năng có thể trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong tương lai.

Tại Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” diễn ra cuối tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến trong bản đồ Halal toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal.

Trong bức tranh dài hạn, để đưa sản phẩm Halal Việt Nam ghi danh vào bản đồ thế giới, Việt Nam sẽ cần phải đi nhanh hơn, phát triển đồng bộ hơn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt khi ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam đang chậm nhịp so với thế giới.

Trong định hướng hợp tác, tại Hội nghị Halal toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam sẽ cần tập trung vào "5 đẩy mạnh".

Cụ thể, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, hỗ trợ Việt Nam, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia, hỗ trợ đào tại nhân lực, đáp ứng nhu cầu của ngành Halal, phục vụ xuất khẩu sản phẩm Halal.

Thứ hai, đàm phán ký kết thỏa thuận, hiệp định ghi nhớ hợp tác, thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, từ đó đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Halal toàn cầu.

Thứ ba, đẩy mạnh đối tác quốc tế đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp liên quan đến Halal như nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, mỹ phẩm.

Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, mở cửa các thị trường cho sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam, xây dựng thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trao đổi hợp tác văn hóa, bao gồm văn hóa ẩm thực, từ đó đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-yeu-cau-de-doanh-nghiep-xuat-khau-mo-cua-thi-truong-hoi-giao-36139.html
Zalo