Những ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào sáng ngày 12/2, dự kiến sẽ thông qua 15 luật, nghị quyết, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, Báo Sóc Trăng trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Phạm Thị Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng về dự thảo luật này. Đây cũng chính là ý kiến phát biểu góp ý của đồng chí trong phiên thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 13/2/2025.

VIỆC BÃI BỎ HOẶC ĐÌNH CHỈ VIỆC THI HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật đã quy định rõ văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật nêu: “hoặc bị đình chỉ việc thi hành bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền”, tương tự tại khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật nêu: “Văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền”.

Vấn đề đặt ra việc sử dụng cụm từ “bằng văn bản” tại quy định nêu trên chưa rõ văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành bằng văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính hay bằng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính đều được.

Do đó, để dự thảo Luật rõ ràng, không bị tồn tại, vướng mắc khi dự thảo Luật được thông qua, cơ quan soạn thảo làm rõ, quy định cho thống nhất.

CÁC TRƯỜNG HỢP XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN

Đối với các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được nêu tại khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật, có thể nhận thấy dự thảo Luật đã kế thừa một số quy định tại khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trong đó có quy định “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn” và “trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn”.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), nhiều địa phương còn lúng túng để xác định trường hợp hay vấn đề “cấp bách” trong hai trường hợp nêu trên, dẫn đến vướng mắc, ngại đề xuất áp dụng các trường hợp trên trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, để có thể dễ áp dụng và áp dụng thống nhất khi dự thảo Luật được thông qua, vấn đề này cần quy định rõ trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định rõ trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tại điểm b khoản 1 Điều 50 dự thảo và “những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn” tại điểm e khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ phát biểu tại hội trường. Ảnh do tác giả bài viết cung cấp

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ phát biểu tại hội trường. Ảnh do tác giả bài viết cung cấp

VỀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN

Tại khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật quy định các trường hợp xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn, không loại trừ văn bản quy phạm pháp luật không được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Như vậy có thể hiểu tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nêu tại Điều 4 dự thảo đều có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn vẫn chưa quy định đầy đủ thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch, cụ thể:

Dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành thông tư liên tịch theo trình tự, thủ tục rút gọn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước tại điểm d khoản 2 Điều 50 dự thảo. Tuy nhiên, nhận thấy tại khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật chưa quy định thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, khoản 6, khoản 7 Điều 51 dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn cũng không quy định đối với văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.

Do đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu đối với việc xây các nghị quyết liên tịch nêu trên có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn hay không? Trường hợp không có, đề nghị quy định loại trừ; trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đề nghị nghiên cứu quy định thẩm quyền quyết định việc xây dựng nghị quyết liên tịch theo trình tự thủ tục rút gọn và bổ sung quy định đối với văn bản quy phạm pháp luật liên tịch tại khoản 6, khoản 7 Điều 51 để dự thảo Luật đầy đủ, rõ ràng.

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN

Tại điểm b khoản 4 Điều 51 dự thảo Luật nêu: “Cơ quan chủ trì có thể đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình;có thể lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện truyền thông nội dung dự thảo. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến tối thiểu 3 ngày kể từ ngày lấy ý kiến”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nội dung trên, cụ thể:

Thứ nhất, cần xem xét việc đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử trong trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn vì việc đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử nhằm mục đích công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người dân dễ tiếp cận, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản, do đó cần phải có thời gian nhất định để thực hiện việc này. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy trình thực hiện thường ngắn, việc đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử sẽ không được đảm bảo đạt được mục đích, bên cạnh đó, việc quy định “có thể” đăng tải sẽ tạo tâm lý không đăng tải cũng được. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với quy định nêu trên.

Thứ hai, với quy định thời hạn lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng văn bản tối thiểu 3 ngày kể từ ngày lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị xem xét không sử dụng từ “có thể” tại điểm b khoản 4 Điều 51 dự thảo Luật, theo đó dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể, khẳng định việc “lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” để tránh trường hợp áp dụng tùy nghi, tổ chức lấy ý kiến hay không cũng được, mặt khác tránh trường hợp các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các đối tượng liên quan không nắm, bị động khi dự thảo được ban hành và có hiệu lực.

PHẠM THỊ MINH HUỆ

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng,Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202502/nhung-y-kien-ong-gop-ve-du-thao-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-sua-oi-tai-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-e881af8/
Zalo