Những vụ tai nạn thương tâm do mải mê xem điện thoại

Sau những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, có lẽ nhiều người dùng phải suy nghĩ về việc 'cai nghiện' chiếc smartphone của mình.

Điện thoại thông minh đang dần trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Những chiếc smartphone giúp con người có thể dễ dàng kết nối với bạn bè, người thân và giải quyết nhiều công việc khác nhau.

Tuy nhiên, chúng cũng có tính gây nghiện. Việc lạm dụng và nghiện sử dụng smartphone có thể gây ra nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp đến người sử dụng hoặc những người xung quanh.

Thực tế cho thấy đã xảy ra những hậu quả chết người từ việc mải mê với chiếc điện thoại. Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy đã xảy ra những hậu quả chết người từ việc mải mê với chiếc điện thoại. Ảnh minh họa.

Trên thực tế, đã có rất nhiều tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong mà nguyên nhân đều xuất phát từ chiếc điện thoại thân quen hằng ngày. Cùng điểm lại những tai nạn đau lòng từ thói quen mải dùng điện thoại một cách thái quá gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Thầy giáo mải dùng điện thoại, học sinh đuối nước dưới bể bơi

Vụ tai nạn thương tâm dẫn đến chết người liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động một cách thái quá gần đây nhất là sự việc thầy giáo tắc trách khiến học sinh tử vong dưới bể bơi.

Cụ thể, ngày 23/8, Công an quận Hà Đông cho biết đang tạm giữ hình sự Trần Lâm Thắng (24 tuổi, giáo viên dạy bơi Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam) để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án cũng đã được khởi tố cùng ngày.

Thắng là giáo viên môn bơi lội của một trường phổ thông quốc tế ở khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông. Chiều 22/8, Thắng phụ trách tiết bơi lội từ 13h20 đến 14h của lớp 9A1 có 27 học sinh. Từ đầu tiết, anh cho học sinh tập trung tại khu vực trước cửa bể bơi để chuẩn bị học.

Sau chừng 10 phút khởi động, thầy giáo cho một nhóm tự hoạt động thể thao tại sân trường. Nhóm còn lại có 11 học sinh được dẫn vào bể bơi.

Thắng bị cáo buộc dẫn học sinh vào bể bơi nhưng không phổ biến, hướng dẫn mà ngồi ở ghế đầu bể, để các học sinh tự xuống nước thực hành. Suốt quá trình này, nam giáo viên "không giám sát, mà chỉ ngồi một vị trí và thường xuyên sử dụng điện thoại di động".

Nhà chức trách cho rằng vì sự thiếu trách nhiệm đó, Thắng không phát hiện một nam sinh xuống bể nhưng không bơi mà đi bộ đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1,2 m và 1,55 m thì không đi được nữa. Nam học sinh vùng vẫy liên tục trong khoảng 3 phút thì bị chìm. 20 phút sau, Thắng yêu cầu các học sinh lên bờ để giải tán tiết học. Lúc này vẫn không ai phát hiện sự việc.

Đến 14h6, nhân viên bể bơi trong lúc dọn dẹp phát hiện nam sinh bất động dưới đáy bể ở độ sâu 1,55 m. Em được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu nhưng bác sĩ xác định đã tử vong ngoại viện.

Tử vong vì vừa sạc vừa dùng điện thoại

Ngày 6/7/2019, một thanh niên ở Lạng Sơn đã thiệt mạng do bất cẩn trong khi sử dụng điện thoại di động. Nạn nhân là anh Phùng Văn Cường (sinh năm 1998, dân tộc Nùng), trú tại xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Anh này vừa sạc pin điện thoại di động vừa nhắn tin trao đổi với người thân, bỗng nhiên điện thoại phát nổ, rơi xuống ngực làm Cường bị sém một khoảng áo lớn.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình và cán bộ y tế xã tiến hành sơ cứu, tuy nhiên do vết thương khá nặng nên anh đã tử vong.

Tài xế ô tô dùng điện thoại khiến nhiều người tử vong

Người dân ở xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An vẫn không thể nào quên được cái chết đau đớn của cả gia đình anh Cao Bá T. Trước thời điểm xảy ra tai nạn, anh T. điều khiển xe máy chở phía sau là vợ và con trai 3 tuổi trên Quốc lộ 1A. Khi qua địa bàn trên, chiếc xe tải do anh Nguyễn Trung H. điều khiển đã đâm vào chiếc xe của anh T., cuốn các nạn nhân và xe máy vào gầm. Hậu quả khiến 3 nạn nhân tử vong tại chỗ. Nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm thương trên xuất phát từ việc lái xe tải vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động.

Vào năm 2017, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng xảy ra 1 vụ TNGT kinh hoàng khiến 3 người tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Chiếc xe buýt chở học sinh mang BKS 81B-011.00 do lái xe Trần Ngọc T. điều khiển đang lưu thông trên Quốc lộ 19 khi qua xã Hra đã xảy ra va chạm với xe tải BKS 77B - 004.08 đang lùi ra đường. Cú va chạm với lực rất mạnh đã khiến chiếc xe bị hất vào lề đường, đâm vào nhà dân.

Hậu quả vụ tai nạn đã khiến 3 người chết và nhiều học sinh bị thương. Quá trình điều khiển phương tiện, lái xe buýt này cũng thường xuyên sử dụng điện thoại và việc mất tập trung là nguyên nhân chính dẫn tới vụ TNGT nghiêm trọng này.

Vừa chạy xe máy vừa nghe điện thoại, người đàn ông đâm chết người

Theo Báo An ninh Thủ đô, vào tháng 2/2018 tại thị xã Cai Lậy hướng Mỹ Thuận đi Mỹ Tho đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy và xe đạp đi cùng chiều, nguyên nhân cũng đến từ thói quen sử dụng điện thoại không đúng thời điểm.

Cụ thể, người điều khiển phương tiện là anh Bùi Quang Lực vừa điều khiển xe mô tô vừa nghe điện thoại di động nên không để ý tới các phương tiện khác đang lưu thông trên đường do đó đã vô tình đụng phải đuôi xe đạp của bà Đặng Thị S. (sinh năm 1977) chạy cùng chiều. Vụ tai nạn xảy ra khiến bà S. bị chấn thương sọ não và tử vong ngay sau khi đưa vào viện cấp cứu.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Lực thuộc trường hợp nghiêm trọng, áp dụng khoản 23 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008, HĐXX tuyên phạt bị báo Lực với 12 tháng tù.

Cháu tử vong trong chậu tắm vì ông đi nghe điện thoại

Vào năm 2015, tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) từng xảy ra một vụ việc đau lòng cũng vì liên quan đến chiếc điện thoại. Cụ thể, khi đang tắm cho đứa cháu tầm 9 tháng tuổi, thấy điện thoại reo, ông T. nghĩ cháu đã ngồi vững, hai tay bám chắc vào chậu nên để cháu ngồi trong chậu quay vào nghe điện thoại. Khoảng 2 phút sau quay ra, ông T. thấy cháu đã úp mặt xuống nước, tắt thở.

Cảnh báo từ thói quen xấu

Theo báo cáo của Tổ chức We are social, thời lượng sử dụng mạng xã hội bình quân của người Việt là 2 giờ 32 phút/ngày (thế giới trung bình là 2 giờ 16 phút/ngày). Việt Nam cũng xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Đối với YouTube, Việt Nam nằm trong 10 nước đứng đầu thế giới về lượng người dùng.

Theo báo cáo này, tính năng được người Việt sử dụng nhiều nhất trên smartphone là lên mạng xã hội. Trong một ngày, tính năng lên mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất với 89%, trong một tuần là 78%, vượt xa việc sử dụng vào các tính năng khác.

Trong số 8 ứng dụng đang được người Việt dùng nhiều hằng ngày thì chủ yếu là ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng mạng xã hội cũng chiếm hàng đầu trong số các ứng dụng mới được cài đặt của người Việt. Có tới 75% người Việt chào ngày mới bằng cách vớ lấy điện thoại di động trong vòng 15 phút ngay sau khi thức dậy.

Khoa học đã chỉ ra những hậu quả khôn lường của việc nghiện Facebook và các mạng xã hội. Về mặt sức khỏe, sử dụng mạng xã hội trong một thời gian dài dẫn đến suy giảm các hoạt động sống bình thường của cơ thể do việc sử dụng thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ...

Như vậy có thể thấy, bên cạnh mặt tích cực thì việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức cùng với việc chìm đắm trong các trang mạng xã hội đã để lại không ít những hệ quả khôn lường cho chính người sử dụng cũng như người xung quanh.

Tú Diệp (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-vu-tai-nan-thuong-tam-do-mai-me-xem-dien-thoai-169230825144556601.htm
Zalo