Những virus nguy hiểm nhất từng khiến thế giới chao đảo
Marburg, Ebola, SAR-CoV-2 hay Hanta là một số loại virus nguy hiểm và có tỷ lệ sống sót rất thấp khi đã nhiễm bệnh.

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus Ebola. Ảnh: Shutterstock.
Dù có hàng triệu loại virus tồn tại quanh ta mỗi ngày và phần lớn chỉ gây ra những bệnh nhẹ như cảm cúm hay viêm đường hô hấp thông thường, một số virus lại đặc biệt nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng và hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Những chủng virus này thường tấn công trực tiếp các cơ quan quan trọng như não, phổi hoặc hệ tuần hoàn, gây xuất huyết, suy đa tạng và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ có độc lực mạnh, nhiều loại còn dễ lây qua tiếp xúc người - người hoặc từ động vật sang người, khiến nguy cơ bùng phát thành dịch luôn hiện hữu.
Virus Ebola
Ebola là một trong những loại virus nguy hiểm nhất trên thế giới. Nó gây ra bệnh do virus Ebola (EVD), dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, suy nội tạng và thường khó sống sót. Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
Tỷ lệ sống sót của Ebola thay đổi tùy thuộc vào đợt bùng phát, nhưng thường chỉ thấp tới 25-50%. Điều này có nghĩa là có tới một nửa số người bị nhiễm bệnh không thể sống sót.
Virus gây Covid-19
Theo Live Science, Covid-19, căn bệnh do SARS-CoV-2 gây ra, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Theo nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Nature, virus có thể có nguồn gốc từ dơi và truyền qua động vật trung gian trước khi lây nhiễm sang người.
Các triệu chứng điển hình của Covid-19 bao gồm sốt, ho, mất vị giác, mất khứu giác, khó thở, đau ngực và mất khả năng vận động. Covid-19 là căn bệnh lây lan cao, ngay cả khi một người không có triệu chứng, họ có thể truyền virus cho người khác.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 13/4/2024, toàn cầu có hơn 704 triệu trường hợp được xác nhận mắc Covid-19. Hơn 7 triệu trong số đó đã không qua khỏi. Theo WHO, khoảng 80% người mắc Covid-19 hồi phục mà không cần điều trị tại bệnh viện. Khoảng 20% bị bệnh nặng và khoảng 5% cần được chăm sóc đặc biệt.

SARS-CoV-2 là tác nhân hàng đầu gây ra đại dịch nguy hiểm Covid-19. Ảnh: Newsweek.
Virus Hanta
Hanta thuộc họ Bunyaviridea là loại virus hiếm gặp nhưng gây nguy hiểm tính mạng lây lan qua loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột. Mọi người bị nhiễm bệnh do hít phải bụi bị nhiễm nước tiểu hoặc phân của loài gặm nhấm. Loại virus này gây ra Hội chứng phổi do virus Hanta (HPS), dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về phổi và có thể gây thiệt mạng.
Tỷ lệ sống sót sau khi nhiễm HPS là khoảng 38%, có nghĩa là hơn một nửa số người bị nhiễm bệnh có thể đe dọa tính mạng. Không có cách chữa trị cụ thể khi bị nhiễm virus Hanta.
Virus Marburg
Virus Marburg cùng họ với Ebola và gây ra bệnh Marburg - một loại sốt xuất huyết nặng. Nó lây lan qua tiếp xúc với dịch cơ thể bị nhiễm bệnh và có tỷ lệ thiệt mạng rất cao, dao động từ 24% đến 88%.
Virus Marburg lần đầu được ghi nhận vào năm 1967, trong các đợt bùng phát tại Đức và Nam Tư (nay là Serbia), có liên quan đến loài khỉ xanh nhập khẩu từ châu Phi.
Tương tự Ebola, virus này gây ra tình trạng sốt cao, xuất huyết nghiêm trọng và suy đa cơ quan, với tỷ lệ sống sót rất thấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
Virus sốt Lassa
Sốt Lassa là do loại virus arenavirus được tìm thấy chủ yếu ở Tây Phi. Nó lây lan qua tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân chuột bị nhiễm bệnh hoặc thông qua tiếp xúc từ người với người. Bệnh gây sốt, yếu và chảy máu.
Tỷ lệ sống khác nhau nhưng khoảng 1 trong 5 người bị bệnh có thể nguy hiểm tính mạng. Sốt Lassa là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở một số nước châu Phi, đặc biệt là trong mùa khô.