Những vật dụng hữu ích từ rác tái chế
Từ những vỏ chai nhựa, giấy báo cũ, túi ni lông... tưởng như vô ích, nhưng với ý tưởng sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích. Đó là lọ hoa, túi xách, làn, rổ, đồ trang trí... Nhiều loại rác không thể tái chế, được chị em gom lại bán gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ mồ côi, tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Tháng 9/2024, Hội LHPN huyện Vĩnh Lộc đã phát động cuộc thi “Sản phẩm thủ công làm bằng nhựa tái chế và nguyên liệu thân thiện với môi trường”. Sau phát động chỉ 10 ngày, ban tổ chức đã nhận được 130 sản phẩm dự thi từ các chi hội phụ nữ của 13/13 hội LHPN xã, thị trấn. Nhiều tác phẩm dự thi có tính sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, nguyên liệu thân thiện với môi trường thành những vật dụng hữu ích, như: hộp đựng đũa, bút, mỹ phẩm, thìa; bình hoa tươi, bình trồng hoa, bát hoa, giỏ sách; chậu trồng cây, bình hoa thông, làn nhựa... Các chị biến ý tưởng thành sản phẩm thiết thực trong cuộc sống, gắn với phong trào nói không với rác thải nhựa.
Chị Lê Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Cuộc thi nhằm tận dụng nguồn rác thải nhựa đã được phân loại, xử lý tại nguồn thành những vật dụng hữu ích để lan tỏa tính sáng tạo của hội viên, phụ nữ, đồng thời đổi mới cách tuyên truyền và hình thức thực hiện giúp hội viên, phụ nữ cơ sở không bị nhàm chán mà còn nêu cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường”.
Tại TP Thanh Hóa, phong trào “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà” vẫn được thực hiện vào dịp cuối tuần hoặc cuối tháng tùy mỗi đơn vị. Đây là việc làm thường xuyên nhiều năm nay của các cấp hội phụ nữ. Việc thu gom rác thải này được tập kết tại nhà văn hóa phố, thôn để chi hội bán gây quỹ tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo. Bình quân mỗi năm, từ nguồn “tích tiểu thành đại” này mà các cấp hội LHPN TP Thanh Hóa đã gây quỹ được hơn 200 triệu đồng/năm để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên lúc khó khăn, tặng quà trẻ em dịp năm học mới, tết thiếu nhi... Số rác có thể tái chế được các chị tạo thành những rào chắn trồng rau; chậu hoa; bình hoa; thùng rác; biển tuyên truyền bắt mắt... vừa góp phần thực hiện an sinh xã hội, vừa hạn chế rác thải ra môi trường.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng rác thải ngày càng tăng, hoạt động chống rác thải nhựa đang là một trong những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, hội LHPN các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới, tổ chức các cuộc thi... nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong XDNTM, đô thị văn minh.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thành lập và duy trì hiệu quả nhiều mô hình về bảo vệ môi trường, đặc biệt là phòng chống rác thải nhựa, tái chế rác thải thành vật dụng hữu ích. Nhiều đơn vị hội có cách làm hay, sáng tạo, như: Hội LHPN TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân... duy trì các mô hình “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà”, “Ngôi nhà phế liệu”, “Phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn”, đổi rác thải nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, bao bì, hạt giống rau, cây xanh... Đã có rất nhiều phần quà từ rác tái chế mà các hội viên, phụ nữ, con em của hội viên nhận được. Trong năm 2024, các cấp hội huy động nguồn lực trao tặng hơn 2.230 làn nhựa, 10.245 thùng đựng rác, xây dựng 3.615 hố phân loại rác thải tại hộ gia đình; duy trì hiệu quả “Ngày thứ bảy tình nguyện” tạo nên phong trào rộng lớn trong phụ nữ và Nhân dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, nơi công cộng. Các hoạt động trên đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi chống rác thải nhựa, hạn chế tác động biến đổi khí hậu, ảnh hưởng môi trường, XDNTM, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh.