Những vấn đề giáo dục nóng tuần đầu tháng 11
Quốc hội tiếp tục góp ý, thảo luận về Dự thảo Luật Nhà giáo; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025; Công bố 615 tân giáo sư, phó giáo sư năm 2024; Phụ huynh, học sinh lo lắng về bỏ cộng điểm thi nghề là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.
Luật Nhà giáo ra đời để giáo viên thực sự thấy được tôn vinh, tạo điều kiện làm việc
Trong tuần qua, Dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục được Đại biểu Quốc hội thảo luận tại các phiên họp tổ.
Đặc biệt, phát biểu tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) về dự án Luật Nhà giáo sáng 9.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cao vai trò của nhà giáo trong việc phát triển giáo dục của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trước hết, phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí xây dựng đất nước của những người thầy. Phải xác định vai trò quan trọng của giáo dục và đặc biệt trong giáo dục đào tạo thì người thầy là chủ thể chính. Đồng thời phải xác định người thầy là một nhà khoa học... Mà người thầy phải là nhà khoa học và phải có chuyên môn rất sâu.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, "Luật Nhà giáo phải giải quyết mối quan hệ rất quan trọng giữa thầy và trò, nói về thầy thì phải có trò; nếu không có trò thì không có thầy.
"Khi có trò rồi, thì phải chủ động có thầy. Bây giờ lại thiếu hàng trăm nghìn thầy thì các cháu đi học thế nào? Cái gì để thiếu thì phải giải quyết". Cùng với đó, có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý như thế nào mà lại bảo không có trường được. Không có trường thì chính sách phổ cập giáo dục cho các cháu đến tuổi đi học không được thực hiện.
Tổng Bí thư mong muốn, Luật Nhà giáo ra đời phải làm sao để người thầy khi đón nhận luật này phải thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự được tạo điều kiện thuận lợi.
"Đừng có khi Luật này ra, người thầy lại thấy khó khăn hơn, quy định thế này thì làm sao làm được", Tổng Bí thư lưu ý.
Cũng trong phiên họp tổ 9.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo lần này sẽ góp phần khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là vấn đề thừa, thiếu cục bộ nhà giáo; đồng thời thu hút được những người giỏi vào nghề dạy học và bảo đảm tính tính khả thi, tương thích, đồng bộ với các quy định của hệ thống pháp luật.
Tại Khoản 1 Điều 2 về đối tượng điều chỉnh là nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng lại chưa đề cập đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh... Đây là lực lượng rất quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung.
Đồng tình với quan điểm nhà giáo phải có chính sách đặc thù và phải có ưu đãi đặc biệt nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội phải có sự đồng bộ và tương thích với các luật khác.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 9.11, các Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời cho rằng, các nguyên tắc quản lý phát triển nhà giáo trong dự thảo Luật chưa phản ánh đầy đủ bản chất của quản lý và phát triển nhà giáo, do đó, cần rà soát các nội dung này.
Trong thiết kế chính sách, đại biểu cũng đề nghị lưu ý bảo đảm nguyên tắc quản lý gián tiếp, không để bất cứ cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp xuống giáo viên mà phải thông qua cơ quan trung gian đó là nhà trường, ai chịu trách nhiệm phát triển nhà trường thì người đó mới chịu trách nhiệm phát triển nhà giáo.
Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
Tiếp tục góp ý vào Dự án Luật Nhà giáo, Báo Đại biểu Nhân dân ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.
Trong đó nổi bật là bài phỏng vấn "Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo: Chính sách đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo".
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Trả lời phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo là chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo.
Việc giao thẩm quyền sẽ giúp ngành Giáo dục chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý; từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.
Nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Ủng hộ việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An nhận định: Để Bộ GD-ĐT chủ động tuyển giáo viên là phù hợp với điều kiện thực tiễn".
Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An,việc Bộ GD-ĐT không được quản lý chung về vấn đề biên chế, không được chủ động tuyển giáo viên, phải chờ phân bổ chỉ tiêu từ Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điều này dẫn đến tình trạng có nơi thừa, có nơi thiếu giáo viên; thậm chí ngay trong một trường cũng có tình trạng bộ môn này thừa giáo viên nhưng bộ môn kia lại thiếu.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nên bổ sung thêm và quy định rõ khâu “chịu trách nhiệm toàn bộ” cho Bộ GD-ĐT trong vấn đề này, bên cạnh việc “chủ trì, phối hợp”. Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu rất kỹ đề án, nhu cầu của từng địa phương, nhu cầu của từng trường và có điều chỉnh thích hợp.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị An đề nghị khi đã chuyển sang công tác quản lý thì nên tập trung toàn bộ sức lực, tận tâm, hết lòng cho quản lý giáo dục.
Không thể để xảy ra tình trạng trách nhiệm quản lý làm không hết nhưng lại đi tham gia thêm công tác giảng dạy hay những công việc khác. Chúng ta cần đội ngũ quản lý giáo dục vừa có trình độ, vừa có có tâm, vừa hết lòng và dành hết thời gian cho nhiệm vụ quản lý.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nóng lên từng ngày
Tiếp tục bám sát vào những thông tin hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - năm đầu tiên thực hiện thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Báo Đại biểu Nhân dân đã có bài viết "Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đánh giá đúng năng lực học sinh để đại học có cơ sở tuyển sinh".
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 đã đạt cả ba mục tiêu đề ra: kết quả thi chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT; phân tích, đối sánh dữ liệu kết quả thi trên toàn quốc và tại mỗi địa phương để có những giải pháp điều chỉnh công tác quản lý giáo dục của địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; kết quả thi có độ tin cậy, được hầu hết trường (kể cả các trường có sức thu hút và cạnh tranh cao) sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ quy định tại Luật Giáo dục đại học cùng với một số phương thức tuyển sinh khác”.
Bài viết cũng viện dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, yêu cầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.
Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ quy định cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT.
Theo Dự thảo thông tư, dự kiến sẽ bãi bỏ Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 từ ngày 31.12.2025.
Trong đó, Thông tư số 15 có quy định, học sinh Giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên(GDTX) trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại gửi trong Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp như sau:
Loại giỏi đối với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với Bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2,0 điểm;
Loại khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với Bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 1,5 điểm;
Loại trung bình được cộng 1,0 điểm.
Như vậy, nếu Dự thảo được phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn toàn bỏ quy định học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT từ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Công bố danh sách 615 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024
Ngày 4.11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.
Đây là kết quả xét tại Phiên họp lần thứ II của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029, diễn ra trong 2 ngày từ 2 - 3.11.
Theo danh sách này, có tổng số 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.
Danh sách trên đã bao gồm các ứng viên từ Hội đồng giáo sư ngành Khoa học An ninh và Hội đồng giáo sư ngành Khoa học Quân sự.
Năm nay nhiều tân giáo sư, phó giáo sư có tuổi đời còn rất trẻ, có người thuộc thế hệ 9x.
Cụ thể, ông Hoàng Lê Trường, 40 tuổi, ứng viên giáo sư ngành Toán học là người trẻ nhất đạt chuẩn chức danh giáo sư năm nay. Ông Trường hiện công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Diệu Thường, 44 tuổi, ứng viên giáo sư ngành Y học là nữ giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh năm nay. Bà Trịnh Thị Diệu Thường sinh ngày 2.8.1980, quê xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; hiện là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế.
Ông Lê Trung Thành, 44 tuổi, Hiệu trưởng Trường Quốc tế, ĐHQGHN là ứng viên trẻ nhất của liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2024.
3 nữ phó giáo sư thuộc thế hệ 9x gồm: Bà Trần Ngọc Mai, 33 tuổi, Phó chủ nhiệm Bộ môn Đầu tư Quốc tế, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Học viện Ngân hàng là tân phó giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh năm nay;
Bà Nguyễn Thị Hoa Hồng (sinh năm 1990) giảng viên chính Bộ môn Quản trị tài chính – phân tích thống kê, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương;
Bà Vũ Thu Trang (sinh năm 1990, quê quán Vĩnh Bảo, Hải Phòng), trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Tâm lý học