Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và phát triển đô thị di sản

Sau hơn 32 năm tái lập và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đạt được nhiều kết quả phát triển nổi bật, toàn diện. Với tư duy quản trị rộng mở, quan điểm phát triển bền vững, định hướng phát triển của Đô thị di sản thiên niên kỷ đang dần hiện hữu. Tỉnh cũng đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và thực thi các kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị di sản, từ đó giúp đô thị phát triển một cách bền vững và trở nên độc đáo hơn.

Quang cảnh thành phố Hoa Lư từ trên cao.

Quang cảnh thành phố Hoa Lư từ trên cao.

Đô thị hóa là quá trình phát triển tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại như sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của cư dân được nâng cao thì việc đô thị hóa quá nhanh cũng đưa lại những mặt trái.

Đó là khi đô thị thu hút một lượng dân cư quá lớn trong khi trình độ năng lực quản trị, công tác quy hoạch chưa theo kịp sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, chất lượng sống của cư dân. Nhiều thành phố có chiều hướng mất đi bản sắc, dấu ấn thời gian, yếu tố di sản dần bị thay thế...

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, chính quyền đô thị đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và thực thi các kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị di sản phù hợp, dựa trên cách tiếp cận toàn diện về văn hóa, lấy con người làm trung tâm... để hướng tới sự phát triển bền vững. Riêng với các đô thị di sản, sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, thiên nhiên... không chỉ giúp các đô thị trở nên độc đáo và là một phần không thể thiếu trong sự đa dạng của thế giới, mà còn trở thành nguồn sống cho các cư dân, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển.

Đô thị di sản là khái niệm có thể hiểu rất rộng. Trong đô thị có di sản, nhưng chỉ di sản không thôi lại chưa thể đủ để làm nên đô thị di sản. Điểm mấu chốt ở đây là giá trị tổng hợp của đô thị trên mọi phương diện xứng đáng được coi là di sản.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nhận thức thống nhất chung về đô thị di sản; cũng chưa có quy định chung về những tiêu chí, điều kiện để xác nhận hay công nhận thành phố nào được mang danh là đô thị di sản. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chỉ công nhận di sản chung của nhân loại, chứ không đặt vấn đề công nhận đô thị di sản.

Dù vậy, có một cách hiểu không chính thức nhưng được công nhận và phổ cập chung về đô thị di sản là đô thị có sự tổng thể hài hòa những giá trị vật thể và phi vật thể, hữu hình và vô hình trên mọi phương diện của đô thị; là đô thị có truyền thống về lịch sử và văn hóa; có bản sắc riêng về điều kiện thiên nhiên và lịch sử kiến trúc đô thị; có bề dày phát triển và tiềm năng phát triển.

Xây dựng đô thị di sản là quá trình vừa khai thác di sản sẵn có trong đô thị, vừa gây dựng di sản mới cho đô thị để tạo hiệu ứng cộng hưởng cho phát triển đô thị. Thực tế trên thế giới đã chứng minh, các cường quốc trên thế giới đã sử dụng di sản cho mục đích chính trị, để khẳng định vị thế quốc gia hoặc điều hướng câu chuyện lịch sử của mình. Cho nên, xây dựng đô thị di sản có thể tạo động lực cho phát triển vùng và phát triển quốc gia.

Để bảo tồn, gìn giữ các đô thị di sản, trước hết cần phải có hệ thống văn bản pháp luật và chính sách bảo tồn hợp lý. Tháng 6/2017, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT) tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”. Thành công lớn nhất của hội thảo là việc các bên liên quan tìm được tiếng nói chung để ra Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị 2017. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ quan điểm “kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

Đô thị Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều giai đoạn thăng trầm. Trải qua gần 40 năm đổi mới, hệ thống đô thị có nhiều chuyển biến, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đô thị từng bước được nâng cao. Trên khắp dải đất Việt Nam có nhiều đô thị cổ như Hà Nội, Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế, Hội An, Đà Lạt... mang đậm dấu vết của thời gian, chứa đựng nhiều lớp lang văn hóa. Tuy nhiên, hầu hết các đô thị này đều đang phải đối mặt với thách thức từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ dần bị lấn át, thậm chí chấm dứt sự tồn tại.

Trên khắp dải đất Việt, hiếm nơi nào có giá trị đặc sắc về tự nhiên và chiều sâu lịch sử, văn hóa như Ninh Bình. Trên vùng đất này khoảng 30 nghìn năm trước người Việt cổ đã quần cư, làm cơ sở hình thành hệ thống làng xã, đô thị như ngày nay. Đặc biệt, vào thế kỷ thứ X, dựa vào thế núi, hình sông “thủ hiểm, khó công”, Hoa Lư đã trở thành Kinh đô của nước Đại Cồ Việt, gắn liền với 3 triều đại là Đinh, Tiền Lê, Lý. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất Ninh Bình cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, là một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, là di sản thế giới “kép” đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Diện mạo đô thị thành phố Hoa Lư ngày càng khang trang, hiện đại.

Diện mạo đô thị thành phố Hoa Lư ngày càng khang trang, hiện đại.

Tiếp nối truyền thống lịch sử, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đạt được nhiều kết quả phát triển nổi bật, toàn diện. 10 năm chỉ là một khoảnh khắc đối với một di sản, một nền văn hóa, chỉ là một chớp mắt của một Đô thị thiên niên kỷ, mà Ninh Bình đã có những bước tiến vượt bậc. Với tư duy quản trị rộng mở, tầm nhìn xa, tương lai của Đô thị di sản Ninh Bình đang dần hiện hữu.

Đặc biệt, sự kiện mang dấu ấn lịch sử đối với Ninh Bình là vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, trong đó thành lập thành phố Hoa Lư, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với tính chất là đô thị di sản trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Việc thành lập thành phố Hoa Lư xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố để xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh, hướng tới mục tiêu chung phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Từ đây, đặt tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt. Đòi hỏi tầm nhìn phát triển cũng như định hướng, quan điểm, mục tiêu chiến lược, không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn bao gồm việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với gần 60% diện tích của đô thị Ninh Bình-Hoa Lư là Quần thể danh thắng Tràng An (trong đó có Cố đô Hoa Lư) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì vai trò của di sản là rất quan trọng trong định hướng, định hình phát triển của đô thị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm đã được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng, vận dụng tổ chức triển khai thực hiện.

Nếu như trước đây, người ta thường chỉ tiếp cận đô thị dưới góc độ vị trí, quy mô, diện tích, dân số, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối... cũng như vai trò của đô thị đó như thế nào đối với vùng, với quốc gia, thì đối với đô thị Hoa Lư để đánh giá mức độ quan trọng của đô thị cần tiếp cận dưới góc độ di sản với những cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh chóng để từ đó xác định những yếu tố kiến trúc-quy hoạch không được thay đổi và những yếu tố kiến trúc-quy hoạch có thể thay đổi trong quá trình phát triển đô thị.

Trong quản lý, cần sự ứng xử thận trọng và có trách nhiệm với nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu đảm bảo cho sự phát triển hiện tại cũng như trong tương lai, để Ninh Bình đảm đương tốt sứ mệnh gìn giữ di sản cho dân tộc, quốc gia và nhân loại.

Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: “Tin tưởng Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới”.

Song Nguyễn-Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-van-de-dat-ra-trong-cong-tac-quan-ly-va-phat-trien-do-272104.htm
Zalo