Những vấn đề cần lưu ý về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29
Dạy thêm, học thêm (DTHT) từ lâu đã là chủ đề được quan tâm trong giáo dục, đặc biệt khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa được ban hành với nhiều quy định mới. Những điều chỉnh này sẽ có nhiều tác động đến giáo viên, học sinh và phụ huynh. Để hiểu rõ hơn một số quy định quan trọng của Thông tư 29, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Tiền Giang về vấn đề này.
* Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ, những trường hợp không được DT, tổ chức DT?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Tại Điều 4 của Thông tư 29 quy định các trường hợp không được DT, tổ chức DT: Thứ nhất, không tổ chức DTHT đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Thứ hai, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được DT ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ ba, là giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc DT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_454_51437418/f7e440df7b9192cfcb80.jpg)
* PV: Thông tư 29 sắp có hiệu lực vào giữa tháng 2 tới đây, nhiều giáo viên quan tâm liệu có được thực hiện việc DT hay không và phải tuân thủ theo quy định nào?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Để được DT theo đúng quy định ngoài nhà trường, giáo viên không được tổ chức DT mà chỉ được tham gia làm giáo viên đứng lớp dạy và đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư 29 gồm: Thứ nhất, phải có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn phù hợp với môn học DT. Thứ hai, phải báo cáo với hiệu trưởng, giám đốc, người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia DT.
Và tại Điều 6, việc DTHT ngoài nhà trường cũng quy định: Cá nhân, tổ chức khi mở cơ sở DT phải đảm bảo các điều kiện trên và các điều kiện sau đây: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai về các môn học; thời lượng với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức DTHT; danh sách người DT và mức thu tiền HT trước khi tuyển sinh các lớp DTHT trên cổng thông tin điện tử/niêm yết tại nơi cơ sở DT đặt trụ sở.
* PV: Như vậy, khi tham gia DTHT, giáo viên và học sinh cần tuân thủ theo nguyên tắc nào, thưa Tiến sĩ?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Căn cứ Điều 3 Thông tư 29, nguyên tắc DT giáo viên cần phải nhớ gồm: DT chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu, tự nguyện và được cha mẹ/người giám hộ đồng ý. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh HT.
Nội dung DT không trái luật Việt Nam, không mang định kiến sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội; không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục để đưa vào DT.
Phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không ảnh hưởng tổ chức chương trình giáo dục của nhà trường, thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thời lượng, thời gian, địa điểm, hình thức DT phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe, phòng cháy, chữa cháy tại nơi tổ chức lớp DT.
* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
ĐỖ PHI (thực hiện)