Những trí thức tiêu biểu góp sức xây dựng quê hương

Thời gian qua, những trí thức tiêu biểu người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng, là 'cầu nối' giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn. Phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp gỡ, trao đổi với những trí thức tiêu biểu để hiểu rõ hơn những đóng góp thầm lặng của họ.

Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Hồ Phú Vinh: Nỗ lực gấp nhiều lần để giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào

Năm 1996, tôi nhập ngũ huấn luyện tại C3, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Sau đó, tôi được cấp trên cử đi học và công tác tại nhiều đơn vị với nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, có những đơn vị đóng chân ở vùng sâu vùng xa, như: Đồn Biên phòng Sa Trầm, Sen Bụt, Ba Tầng, A Vao...Từ năm 2018 đến nay, tôi đảm trách vị trí Phó Chủ nhiệm chính trị rồi Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Trong quá trình học tập, rèn luyện và công tác, tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào mình, góp sức xây dựng quê hương.

Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Hồ Phú Vinh trao đổi với phóng viên

Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Hồ Phú Vinh trao đổi với phóng viên

Giai đoạn 2004-2009, tôi công tác tại Đồn Biên phòng Sen Bụt. Thời điểm đó, người dân nơi đây gặp khó khăn trong canh tác sản xuất, tiếp cận kỹ thuật trồng cây cà phê. Là đội phó Đội Vận động quần chúng rồi sau đó làm đội trưởng, tôi cùng với các đồng chí trong đội tham mưu ban chỉ huy đồn phân công các đồng chí phụ trách địa bàn, cùng ăn cùng ở với người dân để hỗ trợ, hướng dẫn họ trồng cây cà phê và các giống lúa mới.

Cùng với đó, chúng tôi tích cực hướng dẫn người dân cách nhận biết đường biên, cột mốc; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là các quy định của khu vực biên giới. Tại đây, chúng tôi cũng thực hiện tốt công tác kết nghĩa bản -bản giữa hai bên biên giới với nước bạn Lào. Qua đó, giúp người dân khu vực hai bên biên giới thắt chặt tình hữu nghị, cùng nhau bảo vệ bình yên trên tuyến biên giới, trong khó khăn hoạn nạn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau về mọi mặt.

Trong 2 năm 2016-2018, tôi công tác tại Đồn Biên phòng A Vao, cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy với cây sắn là chủ lực. Mặc dù vậy, do phương thức canh tác lạc hậu, chủ yếu “nhờ trời” nên năng suất, sản lượng của cây sắn mang lại rất thấp.

Trước thực tế đó, tôi cùng với các đồng chí trong cấp ủy, ban chỉ huy đồn bàn bạc, tìm giải pháp để giúp người dân tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sau đó, chúng tôi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây sắn và triển khai mô hình trồng cây chuối lùn.

Trong quá trình tuần tra, bảo vệ cột mốc, đường biên dọc biên giới, chúng tôi ghi nhận có một hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống gần cột mốc biên giới. Gia đình này có 7 người con nhưng không có cháu nào được đi học. Sau khi bàn bạc, ban chỉ huy đồn thống nhất nhận đỡ đầu, đưa các cháu về đồn nuôi ăn học. Được sự chăm sóc, hỗ trợ của các chú bộ đội, các cháu hiện nay đều được đi học. Sau này, các đồn biên phòng ở biên giới đã nhân rộng mô hình này thành mô hình con nuôi của đồn.

Hiện nay, với vai trò là Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tôi vẫn tiếp tục học tập, rèn luyện để cống hiến nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông Hồ Thị Cam: Giúp phụ nữ DTTS nâng cao vị thế

Tôi từng công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Hướng Hóa; Đảng ủy xã Tà Long; Phòng Văn hóa thông tin, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và nay là Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông. Trong quá trình công tác từ cơ sở đến cấp huyện, tôi luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ và mang lại những giá trị nhất định cho cộng đồng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông Hồ Thị Cam

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông Hồ Thị Cam

Từ năm 1997-2006, khi đang công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Đakrông, tôi và đồng nghiệp rất trăn trở khi thấy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Kô có nguy cơ bị mai một. Các lễ hội truyền thống gắn kết cộng đồng dần mất đi, giới trẻ không còn mặn mà với những ca khúc, nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình, phong tục tập quán tốt đẹp không được chú trọng...Trước thực tế đó, chúng tôi đã tìm giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kô.

Chúng tôi đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn để tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như các lễ hội truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, bảo tồn các loại nhạc cụ và các phong tục tập quán tốt đẹp. Nhờ vậy, người Pa Kô trên địa bàn huyện đã hiểu rõ và quan tâm hơn đến việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống của đồng bào mình.

Giai đoạn 2006-2016, tôi công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đakrông. Là người Pa Kô, tôi thấu hiểu những thiệt thòi của phụ nữ vùng cao. Họ ít có điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể, suốt ngày quần quật với nương rẫy, gia đình. Vì thế, tôi cùng với chị em trong hội đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; tập huấn kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, nhận thức, trình độ của phụ nữ Pa Kô dần thay đổi, nhiều chị em có cuộc sống tốt đẹp hơn, từng bước thoát nghèo và vươn lên có của ăn của để. Khi kinh tế ổn định, tiếng nói của chị em trong gia đình cũng có vị thế hơn.

Hiện nay, ở cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, được sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành liên quan, tôi triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân trên địa bàn huyện.

Trưởng Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế Hướng Hóa, Bác sĩ CKI Hồ Thị Việt: Người dân cần nâng cao nhận thức để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình

Sau nhiều năm công tác tại Phòng khám khu vực Tà Rụt, tôi được cấp trên điều động, bổ nhiệm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông rồi sau đó chuyển về Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa. Tôi luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới để nâng cao nghiệp vụ, công tác chuyên môn nhằm khám, chữa bệnh cho người dân.

Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế Hướng Hóa, Bác sĩ CKI Hồ Thị Việt

Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế Hướng Hóa, Bác sĩ CKI Hồ Thị Việt

Còn nhớ năm 2007, khi Phòng khám khu vực Tà Rụt được cấp trên cấp một máy siêu âm-là một trong những trạm xã đầu tiên của huyện có máy siêu âm, tôi được cử đi học về siêu âm. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi trở về và áp dụng những kiến thức đã học để thăm khám cho bệnh nhân. Nhờ vậy, bệnh nhân trong vùng được khám, chữa bệnh kịp thời.

Lúc bấy giờ chưa có điện lưới, đường sá đi lại còn khó khăn, nước sinh hoạt được lấy ở sông suối. Chúng tôi phải cuốc bộ đến các thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, lối sống, thực hiện ăn chín uống sôi, không chăn thả gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn... nếu đau ốm thì phải kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám, đảm bảo sức khỏe.

Năm 2021, tôi nằm trong đoàn bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Trị tình nguyện lên đường vào Bình Dương giúp tỉnh bạn phòng, chống COVID-19. Tại đây, chúng tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3.

Hơn 1 tháng, các y, bác sĩ trong đoàn đã chăm sóc, điều trị cho 1.200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Công việc áp lực, khó khăn và nguy hiểm nhưng các thành viên trong đoàn luôn nỗ lực vượt qua. Sau khi trở về quê nhà, tôi tiếp tục tình nguyện lên thị trấn Lao Bảo để hỗ trợ đồng nghiệp phòng, chống COVID-19.

Là bác sĩ được công tác tại 2 huyện miền núi: Hướng Hóa và Đakrông, tôi thấy đa số người đồng bào dân tộc thiểu số chưa chú trọng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi trong nhà có người đau ốm, họ không đưa đến cơ sở y tế mà mời thầy đến cúng bái. Vì vậy, nhiều trường hợp khi đưa đến bệnh viện thì tình trạng của bệnh nhân đã trở nặng, thậm chí tử vong. Cho đến bây giờ, quan niệm cúng bái, dùng các loại thảo dược tự chữa bệnh ở nhà vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng. Làm việc ở Khoa Cấp cứu nên tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp rất thương tâm.

Mỗi khi thăm khám cho bệnh nhân, tôi luôn tư vấn nếu người nhà đau ốm thì nên đưa đến cơ sở y tế sớm để kịp thời chữa trị. Sau khi ra viện hoặc chuyển lên tuyến trên thì cần xin giấy ra viện để bác sĩ biết được bệnh tình, nhằm phục vụ công tác điều trị được tốt hơn. Đối với các mẹ có con nhỏ, tôi tư vấn sinh đẻ có kế hoạch, cách chăm sóc con, chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Tuy vậy, việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Trần Tuyền (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhung-tri-thuc-tieu-bieu-gop-suc-xay-dung-que-huong-189773.htm
Zalo