Những trận bão lụt kinh hoàng trong lịch sử
Trong lịch sử nước ta từng ghi nhận những trận bão lụt có sức công phá khủng khiếp, gây nên hậu quả hết sức nặng nề về sinh mạng và tàn phá cơ sở hạ tầng.
Những trận bão năm Giáp Thìn
Theo ghi chép của chính sử triều Nguyễn, trận lũ năm Giáp Thìn (1844) xảy ra vào ngày 21 và 22/10 (Thiệu Trị năm thứ 4), trận bão lụt lớn ở phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị gây nên thiệt hại nặng. Theo đó, từ chập tối đêm trùng cửu (ngày 9/9 âm lịch - tức ngày 20/10), gió nổi từ phương Tây Bắc đến nửa đêm. Sáng ngày 21 gió bão dữ dội, mái ngói bị tốc, cây cối đổ ngã, mưa lụt nước ngập.
Ở kinh thành nước ngập hơn 10 thước (2,5m), cán cờ trên chòi cửa bị gãy, công sở, nhà cửa, thuyền bè bị đổ, bị chìm đắm rất nhiều. Ở phủ Thừa Thiên hơn 1.000 người chết đuối. Ở Quảng Trị nước ngập đến 16 thước (4m), 79 người bị chết đuối, 3.000 ngôi nhà dân bị đổ.
Cũng trong trận bão lụt năm Giáp Thìn (1844), cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị ảnh hưởng, tuy có nhẹ hơn.
Với sức tàn phá nặng nề, vua Thiệu Trị đã phái các quan phát ra tiền gạo tải đi chia từng hạng người để chẩn cấp. Người nghèo túng mỗi người 1 quan tiền, 10 bát gạo. Mỗi người chết đuối 3 quan tiền. Nhà cửa đổ nát thì hộ lớn 3 quan tiền; hộ vừa 2 quan; hộ nhỏ 1 quan. Thuyền bè bị đắm cũng quy định cấp như vậy.
Cùng với đó, nhà vua cho dân 6 huyện Thừa Thiên vay 23.000 phương gạo, các vùng gần thì đến kho ở kinh thành lấy, các vùng ở xa thì cử thuyền chở đến cấp phát cho người dân.
Một hoa giáp sau (60 năm), vào năm Giáp Thìn (1904) xảy ra trận lụt kèm theo bão lớn cấp 11 ở Trung Kỳ, chủ yếu trong ngày 11/9; phạm vi chịu ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Bình Định, trực tiếp là khu vực các tỉnh Quảng Bình vào đến Quảng Nam, với tâm bão nằm giữa cửa sông Quảng Trị đến mũi Chân Mây thuộc phủ Thừa Thiên.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết, theo lời kể của dân gian thì đứng tại cổng chùa Ba La Mật, nay ở phường Phú Thượng, nhìn lên thấy rõ tận chùa Thiên Mụ (cách 7km), cầu Dã Viên, không còn một cây gì chắn tầm mắt, tất cả đã trốc gốc, bổ rạp xuống mặt đất. Đình Hương Nguyện phía trước tháp Phước Duyên bị sụp đổ. Cầu Trường Tiền bị đổ xuống sông 3 vài, nóc mái Tòa Khâm bị sụp đổ. Ở phía dưới, nhà bia ven sông Phổ Lợi cũng bị sụp đổ xuống sông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cung cấp bức điện báo của ông A. Raquez đến Huế dự lễ mừng thọ ngũ tuần [50 tuổi] của hoàng thái hậu - mẹ vua Thành Thái, đúng vào thời điểm cơn bão năm Giáp Thìn (1904) đổ bộ vào Huế. Bức điện báo tường thuật: “… Chủ nhật, ngày 11/9, khoảng 11 giờ sáng, bão ập vào Huế. Bão quật đổ, tàn phá, hủy diệt những chướng ngại nó gặp phải. Những túp lều nghèo của người An Nam sụp đổ như những ngôi nhà bằng lá bài, chôn vùi những con người bất hạnh mà lẽ ra chúng phải bảo vệ. Cây cối bật gốc, đổ ầm ầm”.
“Tòa nhà tu viện Sainte Enfance và nhà thờ của chủng viện Kim Long bị sập. Cha Dangelzer bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Tiếng chuông gióng vang đi khắp nơi” - ông A. Raquez mô tả trong bức điện.
“Cây cầu sắt lớn do công ty Creusot xây dựng [cầu Trường Tiền, lúc này mang tên cầu Thành Thái] đã chịu thua. 4 trong số các nhịp dài 70 mét của nó đã bị xé ra khỏi các trụ cầu để minh họa một cách mạnh mẽ cho sự dữ dội. Những xác sắt khổng lồ nằm dưới sông.
Không còn cây cối nào ở Huế nữa. Người ta nói có 3.000 người bản xứ thiệt mạng và 3 người châu Âu bị thương vong” - A. Raquez viết trong bức điện.
Còn tại Nam Kỳ, tờ Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8/5/1944 đã thuật lại trận bão năm Giáp Thìn 1904 như sau: Trận bão xảy ra nhằm ngày chúa nhựt [chủ nhật], ler Mai [ngày 1/5] 1904, đúng vào ngày rằm tháng 3 năm Thìn. Tính chung sự thiệt hại về tài sản có hơn 40 triệu bạc và số người chết có trên 3.000.
Tính chung có đến 9.00 cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang ở các ven đường. Những cây còn đứng được thì cũng xiêu vẹo và tuốt lá gãy nhành. Lá cây rụng lấp cả đường đi, hay vào cửa, vào nhà người ta, bay tới trên cửa sổ… nhiều nhà cửa trốc ngói đưa sườn, thấy thương hại quá.
Đến năm Giáp Thìn (1964), đầu tháng 11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gặp phải một trận bão lớn gây thiệt hại nặng về người và tài sản, trong đó Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê, toàn bộ tỉnh có hàng vạn nhà cửa bị cuốn trôi, hàng nghìn người chết, hàng nghìn héc ta ruộng đất bị bồi lấp và thiệt hại lớn về tài sản hoa màu. Cụ thể, tại huyện Đại Lộc, hơn 1.200 nhà bị trôi, 253 người chết, vô số của cải và gia súc bị ngập và cuốn trôi.
Tại huyện Quế Sơn, các thôn An Toàn (xã Hiệp Thuận), Bình Kiều (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), Thạch Bích bị trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa màu, 5.000 người chết và mất tích.
Cửa Eo 10 lần “đóng”, “mở”
Nhà báo Dương Phước Thu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế thống kê từ năm 1403 đến năm 1999, đã 10 lần cửa Eo (còn có nhiều tên gọi khác như cửa Hải Nhuyễn (Hải Noãn), cửa Thuận An cũ, cửa Hòa Duân) đóng mở, bồi lấp do thiên tai.
Ở lần thứ 7, vào tháng 10/1897, phủ Thừa Thiên bị trận lụt lớn, nước ở các sông ngòi, ao hồ đồng loạt dâng cao. Khi lụt chưa kịp rút thì lại bị một cơn bão biển rất mạnh tràn tới, sóng thần vực cả khối đất cát khổng lồ tống mạnh vào bờ, lấp kín cửa Eo (cửa Thuận An cũ). Trong thoáng chốc, nước lũ từ nguồn đổ về hạ lưu tạo thành cơn cuồng nộ dữ dội đã phá vỡ, mở ra một cửa biển để thoát nước, tại Cửa Sứt (cửa Thuận An mới). Đúng địa điểm hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang bắc cây cầu vượt biển qua cửa Thuận An…
Đến lần thứ 8, năm Giáp Thìn, 1904, phủ Thừa Thiên bị một trận bão cực mạnh, kết hợp sóng thần từ ngoài khơi đã mang cả khối đất cát khổng lồ ập vào lấp kín cửa Eo (cửa Hòa Duân). Sau trận bão trời mưa rất to, cùng lúc nước từ nguồn đổ về, mở rộng và đào sâu thêm cửa Sứt (cửa Thuận An mới ngày nay). Từ đây, cửa Thuận An mới là con đường chính ra biển, vào đầm phá của tàu thuyền.
Tháng 11/1999, Thừa Thiên Huế bị một trận lụt lớn chưa từng có trong lịch sử. Trận lụt này được dân chúng và báo chí ví như “cơn đại hồng thủy thế kỷ XX” đã khiến 358 người bị chết và mất tích, 94 người bị thương nặng. 25.015 ngôi nhà bị xô đổ, cuốn trôi và phá hỏng. 12.007 phòng học, trường học bị trốc mái và xiêu đổ. Kênh mương bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 412 km. 160.537 gia súc bị chết… Cuộc sống lâu dài của 30 vạn dân ven biển bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại lên tới 1.800 tỷ đồng.
“Trận lũ năm 1999 đã cuồng nộ phá vỡ Eo Bầu tại làng Hòa Duân, mở lại cửa Eo (tức cửa Thuận An cũ) đã bị lấp hoàn toàn vào năm 1904. Ngoài ra, cơn lũ năm 1999 còn mở thêm hai cửa biển mới tại địa phận xã Hải Dương thuộc huyện Hương Trà, rộng chừng 300 mét, sâu từ 1 mét đến 5 mét và một cửa mở tại thôn 6, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, rộng chừng 500 mét, sâu tới 7 mét” - nhà báo Dương Phước Thu thông tin.
Đến cuối năm 2000, cửa Hòa Duân được hàn khẩu, người ta cho xây một con đập bê tông khá vững chắc, thân đập cao 3m, mặt đập rộng 9m, chân đập rộng 74m đã nối lại con đường liên huyện 49B từ Thuận An đi Vinh Hiền, Linh Thái…
Các biện pháp cứu trợ của triều Nguyễn
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế, vua Minh Mạng đã đề ra các biện pháp khẩn cấp bao gồm cứu trợ nhân dân, mở kho chẩn tế, cứu nạn, cứu đói, hỗ trợ việc chôn cất mai táng người chết… Đồng thời lệnh cho các địa phương lập sổ Nhật ký phong vũ để ghi chép báo cáo tình hình thiên tai kịp thời.
Bên cạnh đó, khi giá lúa gạo lên cao, đời sống Nhân dân khó khăn thì triều đình mở kho cứu trợ, cho dân vay không tính lãi, khi nào được mùa thì nộp bù lại.
Vua Minh Mạng cũng cho nghiêm trị những kẻ lợi dụng thiên tai dịch bệnh để trục lợi; răn đe, cấm trộm cướp, tội phạm lợi dụng khó khăn để làm loạn; miễn thuế, giảm thuế để giảm nhẹ gánh nặng cho Nhân dân, khoan sức dân…
Ngoài ra, về các giải pháp căn cơ lâu dài, vua Minh Mạng sai quan lại khảo sát các địa phương thường xuyên xảy ra lụt lội ngập úng, triều cường… để tiến hành đắp đê, khơi thông dòng chảy các con sông, suối, kênh rạch, cửa biển và cao hơn là cho đào sông để giải quyết vấn đề thủy lợi và phòng chống ngập úng.
Dẫu biết rằng, bão lụt là một hiện tượng thiên nhiên xảy ra dưới những tác động của địa hình, thời tiết, khí hậu của từng khu vực, từng thời điểm khác nhau, và thời tiết không tuân theo một quy luật nào cả, nhưng bằng những kinh nghiệm đúc kết của dân gian về cách phòng, chống trong lịch sử cũng cần đặt ra những dự báo, kịch bản để đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường hơn.