Những 'trái ngọt' từ EVFTA

'Con đường cao tốc' nối Việt Nam với EU - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã chính thức bước sang năm thứ 4. Nhiều hàng hóa đặc sản trong nước đến châu Âu và Việt Nam cũng đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ nước ngoài.

Nhiều loại rau củ quả tươi của Việt Nam đã có mặt tại thị trường EU. Nguồn: Báo Nhân Dân.

Nhiều loại rau củ quả tươi của Việt Nam đã có mặt tại thị trường EU. Nguồn: Báo Nhân Dân.

Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà EU (với 27 nền kinh tế phát triển) đã ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam. Hiệp định này xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Có 2/3 (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực (năm 2020). Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới.

EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ưu đãi về thuế này sẽ giúp doanh nghiệp hai bên đưa hàng hóa vào thị trường dễ dàng hơn, cạnh tranh hơn.

Khảo sát tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 4 năm thực thi do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 31/7 cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Còn mức xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ hai là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt trên 634,96 triệu USD, tăng 7,73% so với tháng 5/2024 và tăng 7,13% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ ba là thị trường Italy đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 385,97 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024 và tăng 4,27% so với tháng 6/2023.

Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 308,19 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng 5/2024 và tăng 3,38% so với tháng 6/2023.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định, trong số những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì EVFTA là Hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất.

Theo ông Thái, một trong những điểm sáng được đánh giá cao chính là quá trình Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế để có thể tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn và từ đó có thể thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ các nước EU.

Bên cạnh đó, thông qua việc thiết lập hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, chúng ta đã tạo được kết nối về chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng này chỉ có thể được hình thành nếu như có sự đầu tư mạnh mẽ từ EU vào Việt Nam.

Cho đến nay EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ euro và đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư. Con số này được kỳ vọng sẽ còn gia tăng hơn nữa khi Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) hoàn tất phê chuẩn và đưa vào thực thi, đem lại lợi ích hơn nữa cho mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thẳng thắn chia sẻ, dư địa để khai thác EVFTA còn nhiều. Trong đó tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường của EU, cần phải đẩy mạnh khai thác hơn nữa.

EU hiện có xu hướng chuyển đổi mạnh với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống chặt phá rừng và những quy định tương tự. Vì thế, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn này thì chúng ta sẽ có lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ khác khi chưa đáp ứng quy định này.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tích cực theo xu hướng của thế giới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), không chỉ thúc đẩy xuất khẩu sang EU, Việt Nam cũng cần nhập khẩu những sản phẩm công nghệ nguồn, những thiết bị tiêu chuẩn cao và thu hút đầu tư từ EU để có thể đan xen lợi ích hài hòa giữa hai bên.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-trai-ngot-tu-evfta-10287274.html
Zalo