Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề 'Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp' vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều bất cập
Theo báo cáo, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại khu vực nông thôn đang dần được coi trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTRSH nông thôn. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom CTRSH nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Theo thống kê, có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản.
Theo thống kê dựa trên báo cáo công tác bảo vệ môi trường của các địa phương năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn cả nước đạt khoảng 77,69%. Tuy nhiên, một số khu vực có tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý còn thấp và cách xa mục tiêu đặt ra tại tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như trung du và miền núi phía Bắc (dưới 50%, với mục tiêu đến 2025 là 70%) hay Tây Nguyên (dưới 30%, với mục tiêu đến 2025 là 70%).
Đối với công tác xử lý CTRSH nông thôn, tỷ lệ CTRSH được chôn lấp trực tiếp còn cao; công nghệ xử lý CTRSH của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều cơ sở xử lý chất thải có quy mô nhỏ, công suất xử lý thấp, khó chuyển đổi công nghệ hiện đại. Công suất xử lý CTRSH của các cơ sở hiện hữu không đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh, trong khi việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án còn thiếu nguồn lực tài chính, đất đai.
Báo cáo cho biết, trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt CTR với công suất nhỏ, phục vụ việc xử lý CTRSH cho địa bàn cấp xã, huyện. Tuy nhiên, vấn đề về hiệu quả xử lý cũng như việc đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Việc quy hoạch, xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải thường gặp khó khăn do người dân phản đối; việc tổ chức triển khai quy hoạch tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện. Việc bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển, lưu giữ CTRSH nông thôn nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu địa điểm, hạ tầng kỹ thuật thu gom, phân loại, tập kết, vận chuyển đảm bảo yêu cầu về mỹ quan, vệ sinh môi trường cũng như chuẩn bị cho công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính; chậm triển khai thu hút đầu tư các cơ sở xử lý chất thải theo quy định về đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định về bảo vệ môi trường.
Ở các khu vực nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất xả trực tiếp ra hệ thống kênh, mương, hồ, ao, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều kênh, mương, hồ, ao bị san, lấp để xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất nên mất đi tính hệ thống dẫn đến không còn sự liên thông dòng chảy, gây ra tình trạng ứ đọng nguồn nước làm gia tăng mức độ ô nhiễm
Quản lý chất thải nông nghiệp, đặc biệt là bao bì hóa chấtảo vệ thực vật còn gặp nhiều khó khăn
Việc thu gom, xử lý CTR từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật… còn rất hạn chế. Tuy đây là nhóm chất thải nguy hại cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng thực tế, sau khi được sử dụng, người nông dân thường xả thải ngay tại bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt. Số lượng bể chứa bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ở các địa phương hiện nay chưa đáp ứng được khối lượng phát sinh. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp năm 2023, công tác thu gom và tiêu hủy bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.
Công tác xử lý các loại bao bì hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay hầu như chưa an toàn, hợp vệ sinh. Bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau khi thu gom cùng với bao bì phân bón hóa học thường được đem đốt hoặc chôn lấp ở xa khu dân cư. Ở một số địa phương, các loại chất thải này còn được thu gom chung với CTRSH. Xử lý bằng phương pháp đốt ở các lò tiêu chuẩn có khả năng xử lý triệt để ô nhiễm nhưng chi phí xây dựng và vận hành cao, xa các cụm dân cư…
“Nếu địa phương có thu gom tập trung thì cũng phải thu gom một lượng đủ lớn mới có thể tổ chức tiêu hủy; trong khi đó số lò đủ tiêu chuẩn còn ít, chi phí vận chuyển tới nơi tiêu hủy khá cao. Nhìn chung, mặc dù tỷ lệ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ thực vật đến nay đã đạt khoảng 40%, nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu 100% của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025” báo cáo cho hay.
Ô nhiễm môi trường từ các làng nghề vẫn chưa được giải quyết triệt để
Về vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề báo cáo cho biết, vấn đề này vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm và chưa được giải quyết triệt để từ nhiều năm qua. Ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn tồn tại những ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao (như tái chế nhựa, kim loại, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy…) không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa có giải pháp xử lý triệt để, mặc dù đã có những quy định về di dời và xử lý ô nhiễm đối với các loại hình làng nghề này. Đến nay, vẫn còn 36/47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng cần tiếp tục được xử lý.
Thêm vào đó, trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý môi trường làng nghề cũng chưa thực sự cao, kinh phí và nguồn lực phục vụ cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu nên khu vực này vẫn tiếp tục là điểm nóng về ô nhiễm môi trường
Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn chưa được đảm bảo
Nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cơ bản về bảo vệ môi trường, báo cáo cho rằng còn thiếu (như hoàn thiện hệ thống thoát nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải cụm dân cư nông thôn, đầu tư hạ tầng BVMT cho các làng nghề, CCN, công trình xử lý CTR tập trung…). Sự lúng túng về công nghệ (công nghệ xử lý CTRSH nông thôn; xử lý nước thải cụm dân cư, hộ gia đình; xử lý nước thải làng nghề và CCN…) dẫn đến lãng phí về đầu tư nguồn lực.
Việc áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc xử lý ô nhiễm” trong công tác bả vệ môi trường nông thôn còn rất hạn chế; người dân, hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ, các hoạt động phát triển KT-XH khu vực nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước để xử lý ô nhiễm, xử lý các nguồn thải do đối tượng này phát sinh ra (mặc dù các hoạt động này hầu như không đóng góp nguồn thu vào ngân sách), gây mất cân bằng thu - chi cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn. Công tác xã hội hóa cần cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường nông thôn.
Ý thức trách nhiệm đối vớibảo vệ môi trường nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn cần tiếp tục được nâng cao
Theo báo cáo, nhận thức và ý thức trách nhiệm, dẫn đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, người dân trong công tác bảo vệ môi trường tại nhiều nơi còn hạn chế. Bên cạnh nhiều địa phương rất nỗ lực thì còn nhiều địa phương lơ là, thiếu quan tâm, chưa xác định được rằng công tác bảo vệ môi trường phải xuất phát từ cộng đồng dân cư, chính quyền chỉ tạo động lực và chỉ ra cách làm, hỗ trợ người dân thực hiện, ở đâu chính quyền làm thay thì phong trào sẽ sớm bị đi xuống.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường ở nhiều nơi vẫn còn chưa có nhiều chuyển biến. Sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức xã hội ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa quyết liệt, thường xuyên và chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, vốn đòi hỏi sự vận động nâng cao ý thức và tham gia người dân.