Những toan tính đằng sau việc hàng vạn cửa hàng ngành F&B đóng cửa

Trong làn sóng đóng cửa 30.000 cửa hàng F&B, chiếm 4% tổng số cửa hàng trên toàn quốc, phần lớn là những doanh nghiệp năng lực vận hành yếu, không có chiến lược dài hạn nên khó trụ vững trước cuộc thanh lọc của thị trường. Trái lại, có những thương hiệu lớn như Highlands Coffee, Starbucks, iPOS.vn… lại toan tính và chủ đích đóng cửa các mặt bằng nhằm tối ưu hóa mô hình, tinh gọn bộ máy để ứng phó với biến động.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về đợt thanh lọc vừa qua của thị trường kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực và ăn uống (F&B), ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director cho biết, các cửa hàng đóng cửa trong nửa đầu năm nay được phân thành ba nhóm chính.

Đằng sau việc ồ ạt đóng hàng vạn cửa hàng F&B

Theo ông Đỗ Duy Thanh, đầu tiên, chiếm tỷ trọng lớn nhất 52% là các cửa hàng mới kinh doanh chưa đầy 01 năm. Những cửa hàng này thường không có kế hoạch kinh doanh đầy đủ, năng lực vận hành yếu kém và không đủ khả năng vượt qua những áp lực từ thị trường.

Nhóm thứ hai, chiếm 35% là các cửa hàng có tuổi đời từ 2-3 năm. Đây là các cửa hàng không thể duy trì lợi nhuận dài hạn, gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng cũng như kiểm soát chi phí vận hành.

Cuối cùng, 13% số cửa hàng đóng cửa thuộc nhóm đã hoạt động từ 4 năm. Các cửa hàng này đối mặt với hai lý do chính, đó là không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng sau khi hết thời hạn, hoặc mô hình kinh doanh lỗi thời do vòng đời phổ biến của nhiều mô hình chỉ kéo dài từ 3-5 năm.

Những toan tính đằng sau việc hàng vạn cửa hàng ngành F&B đóng cửa.

Những toan tính đằng sau việc hàng vạn cửa hàng ngành F&B đóng cửa.

Trong số đó, các cửa hàng F&B chạy theo mô hình mới hoặc xu hướng ngắn hạn lại “sớm nở chóng tàn” như: trà chanh giã tay hay lạp xưởng nướng đá…, chiếm khoảng 23% trong tổng số 30.000 cửa hàng đóng cửa nửa đầu năm 2024. Đây là một tỷ trọng đáng kể, phản ánh những rủi ro tiềm ẩn của các mô hình kinh doanh chưa ổn định và dễ bị tác động bởi thị trường.

“Điều này cho thấy sự mong manh của những doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn hoặc thiếu khả năng ứng phó trước biến động của thị trường. Đây là bài học lớn cho những đơn vị muốn tham gia vào ngành F&B với các mô hình chưa được kiểm chứng” - ông Thanh bày tỏ.

Trái lại, các chuỗi F&B lớn hoạt động theo một lộ trình và kịch bản tài chính rõ ràng, khác biệt hoàn toàn so với các mô hình chạy theo xu hướng ngắn hạn. Thay vì tập trung vào việc tạo xu hướng tức thời, các chuỗi lớn thường phân nhóm hoạt động của mình thành các mô hình khác nhau.

Chẳng hạn, họ có thể triển khai các mô hình như: kiosk hoặc mini phục vụ hình thức mang đi tiện lợi (takeaway), mô hình tiêu chuẩn phục vụ cả tại chỗ và mang đi, mô hình cao cấp để hướng đến trải nghiệm khách hàng, mô hình những cửa hàng mang tính biểu tượng ở các vị trí đắc địa (flagship store). Mỗi mô hình đều có tiêu chuẩn lựa chọn mặt bằng và chiến lược vận hành riêng biệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Chiến lược tái tạo doanh nghiệp, ứng phó với biến động

Nhằm tăng sức hút với khách hàng, các chuỗi lớn tại Việt Nam gần đây áp dụng chiến lược tương tự Starbucks tại Nhật Bản và Trung Quốc. Chẳng hạn, Highlands Coffee, Starbucks… đóng cửa các chi nhánh đắc địa trên các mặt phố để đầu tư vào các cửa hàng mang tính biểu tượng tại các điểm đến du lịch, biến chúng thành một phần trong hành trình của du khách.

Đồng thời, việc tích hợp văn hóa kiến trúc địa phương vào thiết kế không gian giúp họ xây dựng sự gần gũi và độc đáo trong mắt khách hàng. Các chuỗi lớn còn tập trung khai thác thương mại điện tử, đặc biệt qua các ứng dụng đặt hàng trực tuyến và gần đây là các chiến dịch bán hàng trực tuyến, giúp duy trì mối liên kết với người tiêu dùng hiện đại.

Chiến lược tối ưu hóa chi phí khi bước sang giai đoạn tăng trưởng

“Trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, các chuỗi lớn thường chọn các địa điểm đắt đỏ để xây dựng nhận diện thương hiệu và tăng cường độ phủ. Khi bước sang giai đoạn tăng trưởng, họ sẽ tìm kiếm các vị trí có ngân sách phù hợp hơn hoặc đóng cửa những cửa hàng không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đây là chiến lược tối ưu hóa chi phí mà các chuỗi lớn áp dụng để duy trì sức mạnh tài chính trong dài hạn” - ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director

Trong bối cảnh đại thanh lọc thị trường F&B, các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành F&B cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Theo ông Trương Văn Trực - Phó Tổng Giám đốc iPOS.vn, việc đóng cửa một vài văn phòng nằm trong chiến lược của đơn vị này từ năm 2023, nhằm tối ưu chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của ngành F&B. Tuy vậy, các nhân sự tại các văn phòng đóng cửa vẫn được giữ lại nếu có nguyện vọng và có phúc lợi tương đương với các nhân sự khác trên toàn quốc.

“Điều này giúp đảm bảo quyền lợi cho các thương hiệu F&B đang sử dụng giải pháp của iPOS.vn tại khu vực đó không bị ảnh hưởng. Chúng tôi đồng thời cũng có kế hoạch mở lại các văn phòng trong năm 2025, khi nền kinh tế có phần ổn định" - ông Trực khẳng định.

Dưới góc nhìn của chuyên gia ngành F&B, theo ông Đỗ Duy Thanh, việc một doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý cho nhà hàng, quán cafe đóng cửa vài văn phòng như iPOS.vn gây ra nhiều ý kiến khác nhau song nhìn từ góc độ dài hạn, đây có thể là một phần trong chiến lược tái tạo doanh nghiệp nhằm thích nghi với bối cảnh kinh doanh mới.

“Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần sớm chuyển trạng thái để tối ưu hóa mô hình vận hành, tinh gọn bộ máy và tăng năng suất lao động. Ngay cả Chính phủ cũng tiên phong hành động, tạo động lực cho các doanh nghiệp bắt nhịp với xu hướng này. Điều quan trọng nhất trong thời đại mới là khả năng thích ứng và việc tái cấu trúc không gian hoạt động có thể giúp các doanh nghiệp như iPOS.vn chuẩn bị tốt hơn cho tương lai” - lãnh đạo FnB Director nêu quan điểm.

Việc các doanh nghiệp F&B đóng cửa văn phòng, chi nhánh trong thời kỳ kinh tế khó khăn đang là một chiến lược cụ thể. Trên hết, việc tối ưu giúp đảm bảo được vận hành doanh nghiệp, vượt qua khó khăn./.

Theo dữ liệu của IPOS.vn, tính đến hết tháng 7/2024, doanh thu ngành F&B Việt Nam đạt 403,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu cả năm 2023.

Dù mây mù bủa vây ngành F&B nửa đầu năm 2024, song theo ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, phần lớn khó khăn hiện nay đến từ tâm lý e ngại rủi ro, hơn là thiếu cơ hội thị trường. Nhìn về triển vọng sắp tới lại thấy những tín hiệu tích cực khi tại các doanh nghiệp có tư duy chuyên nghiệp, việc triển khai các cửa hàng mới với kế hoạch bài bản vẫn đang diễn ra và ghi nhận doanh thu khả quan.

Trên quy mô toàn quốc, nhiều mô hình F&B vẫn đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm trà đậm vị, ẩm thực đề cao nghệ thuật chế biến (gastronomy), ẩm thực giải trí, ẩm thực Thái bình dân, ẩm thực Nhật bình dân và ẩm thực đặc sản địa phương. Các quán ăn chuyên đề tập trung vào một nhóm món nhất định cũng ghi nhận sức hút lớn, không chỉ tại các đô thị lớn mà còn ở các tỉnh thành nhỏ hơn. Với một chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng tốt, các doanh nghiệp F&B vẫn có thể vượt qua thách thức để duy trì sự phát triển bền vững./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhung-toan-tinh-dang-sau-viec-hang-van-cua-hang-nganh-fb-dong-cua-166651.html
Zalo