Những tình nguyện viên bên người cao tuổi

Nhiều năm nay, những tình nguyện viên trong câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Hải Dương đã trở thành điểm tựa của nhiều người cao tuổi, giúp họ vượt qua khó khăn để sống vui, sống khỏe.

Các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau khu Lê Bình chăm sóc, giúp ông Thi tập đi lại để phục hồi sức khỏe sau tai nạn

Các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau khu Lê Bình chăm sóc, giúp ông Thi tập đi lại để phục hồi sức khỏe sau tai nạn

Người bạn tâm giao

Đầu giờ sáng, sau khi đã xong những công việc thường ngày, ông Nguyễn Ngọc Nhuần ở tổ 1, khu Lê Bình, thị trấn Thanh Miện lại ghé thăm ông Vương Đình Thi ngay sát nhà. Đây đã trở thành công việc thường xuyên của ông Nhuần khi là tình nguyện viên của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Năm 2023, ông Thi bị tai nạn giao thông. Kể từ đó, ông đi lại rất khó khăn. Các con đều đi làm xa, vợ chồng ông đã ngoài 70 tuổi, sức yếu, mọi sinh hoạt đều hạn chế. Biết được hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng ông Thi, các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau khu Lê Bình đã đến hỗ trợ. Sau khi được giúp đỡ, ông Thi đã có thể đi lại nhẹ nhàng và tâm trạng cũng vui hơn.

Ông Nhuần cho biết: "Trước đó, chúng tôi cũng hỗ trợ chăm sóc ông Nguyễn Công Nhung bị mất trí nhớ và trầm cảm. Với sự chăm sóc tích cực của bác sĩ, gia đình, người thân cùng sự trợ giúp của các tình nguyện viên trong câu lạc bộ, ông Nhung lạc quan, vui vẻ hơn trước".

Các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ khu Lê Bình họp bàn phương án chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi khó khăn trong cộng đồng

Các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ khu Lê Bình họp bàn phương án chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi khó khăn trong cộng đồng

Cũng từng gặp tai nạn nghiêm trọng, phải điều trị dài ngày nhưng ông Đặng Văn Băng (68 tuổi) ở thôn Thượng Dương, xã An Phú (Nam Sách) may mắn đã hồi phục sức khỏe. "Trong thời gian điều trị sức khỏe ở nhà, tôi nhận được sự chăm sóc tích cực của những tình nguyện viên trong câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Hằng ngày, ngoài trò chuyện cùng các tình nguyện viên, tôi còn được tập các bài vật lý trị liệu đơn giản. Tôi mong muốn được tham gia câu lạc bộ để có cơ hội trở thành tình nguyện viên giúp đỡ những người cao tuổi khác", ông Băng nói.

Ông Đặng Văn Thùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Thượng Dương cho biết, câu lạc bộ hiện có 67 thành viên. Trong đó, có 10 tình nguyện viên chuyên chăm sóc những người cao tuổi trong cộng đồng. Kể từ khi thành lập, đã có nhiều người cao tuổi được hỗ trợ.

"Nhiều người cao tuổi bị hụt hẫng khi về già, nhất là với những trường hợp bị đột quỵ hoặc tai nạn. Đa số những người này cần giúp đỡ thường xuyên do con cái đi làm xa hoặc sống neo đơn. Chúng tôi hỗ trợ họ về tâm lý, giúp làm những công việc vặt trong gia đình. Việc trợ giúp chỉ đơn giản vậy nhưng là niềm vui, nguồn động viên để người cao tuổi sống vui, sống khỏe", ông Thùng nói thêm.

Điểm tựa ở tuổi già

Tình nguyện viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn La Ngoại (bên trái) thăm hỏi, động viên bà Lảnh và

Tình nguyện viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn La Ngoại (bên trái) thăm hỏi, động viên bà Lảnh và

Những tình nguyện viên không chỉ là người bạn tâm giao mà còn trở thành nơi nương tựa của nhiều người cao tuổi. Bà Nguyễn Thị Lảnh (92 tuổi) ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) là một trong những trường hợp như vậy. Tuổi cao, sức yếu, con cháu lại thường xuyên làm ăn xa nhà, mọi sinh hoạt của bà Lảnh chỉ phụ thuộc vào người em gái là bà Nguyễn Thị Tám (70 tuổi). Mặc dù bận rộn việc riêng nhưng các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn La Ngoại vẫn thu xếp công việc để hỗ trợ bà Lảnh.

Bà Tám cho biết: "Sức khỏe yếu lại thêm hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng tôi thường xuyên nhận được sự trợ giúp của các tình nguyện viên trong câu lạc bộ liên thế hệ của thôn. Khi tôi bận việc, các tình nguyện viên qua lại trông nom chị gái, hỏi thăm bà chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, có lúc còn tặng hộp sữa, gói bánh”.

Hải Dương hiện có 149 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Chăm sóc người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng là một trong những mục tiêu hoạt động của các câu lạc bộ. Để giúp đỡ "đúng người, đúng việc", các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên gặp mặt, nắm bắt và rà soát những người cao tuổi cần giúp đỡ. Ngoài hỗ trợ tâm lý cho người cao tuổi, các tình nguyện viên cũng được tham gia các lớp tập huấn y tế để có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho họ.

Trò chuyện, bầu bạn... cùng người cao tuổi là hoạt động chủ yếu của các tình nguyện viên trong các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

Trò chuyện, bầu bạn... cùng người cao tuổi là hoạt động chủ yếu của các tình nguyện viên trong các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau

Mới đây, theo khảo sát của Tổ chức HelpAge International (Tổ chức HAI) tại Hải Dương, có tới 100% số thành viên hài lòng về các câu lạc bộ liên thế hệ đang tham gia. Tất cả các thành viên cho biết sức khỏe được cải thiện, tăng mức độ hiểu biết về quyền lợi và chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi, chất lượng cuộc sống, tinh thần đoàn kết và chia sẻ trong cộng đồng người cao tuổi được tăng lên.

Ông Phạm Quang Sản, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương cho biết mỗi câu lạc bộ có ít nhất 10 tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà với mức tối thiểu 2 lần/tuần. Các tình nguyện viên này cũng là những người cao tuổi có đủ sức khỏe và kỹ năng để chăm sóc người khó khăn. Các câu lạc bộ liên thế hệ đã trở thành nòng cốt trong các hoạt động của Hội Người cao tuổi về thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-tinh-nguyen-vien-ben-nguoi-cao-tuoi-404583.html
Zalo