Những tín hiệu tích cực đưa dự án sớm về đích
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.063km. Giai đoạn 1, từ năm 2017 – 2020 đã hoàn thành đưa vào khai thác nâng tổng số km đường bộ cao tốc thuộc tuyến Bắc – Nam phía Đông hiện tại lên 1.206km. Giai đoạn 2 từ 2021 – 2025 đang triển khai thi công 842km. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, thì đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được bố trí 119.644 tỷ đồng, trong đó 47.168 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và 72.476 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Chính phủ đã giao tổng số vốn trong kế hoạch hàng năm cho các dự án thành phần (DATP) là 94.209 tỷ đồng (năm 2022 là 9.521 tỷ đồng; năm 2023 là 47.881 tỷ đồng, năm 2024 là 36.807 tỷ đồng). Đến hết tháng 8 năm 2024, Dự án đã giải ngân được 77.105/94.209 tỷ đồng đạt khoảng 81,8% kế hoạch giao.
Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, các chủ đầu tư đang triển khai thi công 842km, trong đó có 729km thuộc Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km); quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Dự án được chia thành 12 DATP vận hành độc lập, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các DATP được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Tính đến ngày 31/ 8/2024, dự án đã hoàn thành GPMB và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%) trong đó mặt bằng có thể thi công được khoảng 716,7/721,25km (đạt 99,4%). Nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng chính tuyến như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; chỉ còn một số địa phương chưa hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị do phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, thống kê có tới 41.389 hộ dân nằm trong diện có đất phải thu hồi, trong đó khoảng 5.709 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 151 khu tái định cư (gồm 148 khu xây dựng mới và 3 khu đã có sẵn). Tuy nhiên cơ bản không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cũng không còn là rào cản
Thông tin từ Bộ GTVT, từ bước chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khảo sát kỹ lưỡng và lập hồ sơ mỏ khảo sát vật liệu với trữ lượng và chất lượng bảo đảm nhu cầu cho các DATP.
Kết quả, đối với 10 DATP đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, tổng nhu cầu vật liệu đá cho dự án cần khoảng 19,86 triệu m3, lấy từ 90 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng 186,25 triệu m3, tổng công suất khai thác hiện nay khoảng 11,48 triệu m3/năm. Về cơ bản, khả năng cung ứng của các mỏ đang khai thác đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, tiến độ dự án. Tổng nhu cầu vật liệu cát cho Dự án cần khoảng 9,93 triệu m3, trong đó 4,74 triệu m3 lấy từ 77 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 10,69 triệu m3, 5,53 triệu m3 được lấy từ 19 mỏ mới chưa khai thác với tổng trữ lượng khoảng 13,36 triệu m3. Đến nay các địa phương đã hoàn thành cấp Bản xác nhận khối lượng 19/19 mỏ, các nhà thầu đang khai thác 19/19 mỏ với tổng trữ lượng 6,06 triệu m3, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, tiến độ dự án.
Đối với 2 DATP đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đá cho các DATP cần khoảng 2,2 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực với khả năng cung ứng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả thí điểm, chủ đầu tư dự án đang tiếp tục triển khai thí điểm mở rộng trên tuyến chính của dự án từ Km81 - Km126+223 và đoạn tuyến nối từ Km6+522 đến Km16+510 tại DATP đoạn Hậu Giang – Cà Mau. Bộ GTVT đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong việc sử dụng cát biển làm nền đường; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các cấp chính quyền của địa phương tiến hành quan trắc môi trường khu vực thí điểm trước, trong, sau khi thi công.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT trên tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết, hiện nay các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công đồng loạt tại 25/25 gói thầu xây lắp tại 12 DATP thuộc Dự án. Ngày 18 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” không chỉ cổ vũ tinh thần mà còn là mệnh lệnh yêu cầu các chủ thể tăng tốc triển khai thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án vào năm 2025, đến nay giá trị sản lượng hoàn thành toàn Dự án đạt khoảng 49.217 tỷ đồng (khoảng 51% giá trị hợp đồng) dự kiến với 10 DATP từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có yếu tố thuận lợi về mặt bằng, vật liệu, đang thi công vượt tiến độ đã được chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký rút ngắn thời gian thực hiện từ 3 - 6 tháng so với hợp đồng ký kết.
Tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng
Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, xác định công tác đảm bảo chất lượng các dự án là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng, Bộ GTVT đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng các dự án; tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án; tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng…
Bên cạnh đó, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng định kỳ kiểm tra, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án, kịp thời chấn chỉnh các đơn vị có tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng và yêu cầu khắc phục kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.
Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Như vậy, đến năm 2026 sẽ cơ bản nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau (trừ cầu Cần Thơ 2 sẽ hoàn thành sau năm 2026). Việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.