Những tiếng rì rầm từ Comala đến Macondo
Mùa đông năm nay, người theo dõi điện ảnh và mê văn chương đã thực sự có một đại tiệc khi hai bộ phim chuyển thể từ danh tác văn chương của hai đại thụ văn học Mỹ Latinh được trình chiếu: Pedro Páramo của đạo diễn Rodrigo Prieto (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Juan Rulfo) và Trăm năm cô đơn của đạo diễn Alex García López và Laura Mora (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Gabriel García Márquez).
Từ kiệt tác văn chương
“Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở đây. Chính mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã hứa với bà rằng khi nào bà qua đời tôi sẽ đến thăm ông ta”.
Juan Rulfo đã bắt đầu cuốn tiểu thuyết khai mở trường phái hiện thực huyền ảo hiện đại kiểu Mỹ Latinh bằng những câu văn tựa hồ một phép thôi miên. Những bước chân dò tìm người cha và lai lịch bản thân trong ngôi làng rệu rã của Juan Preciado lần giở những bí mật tăm tối. Hành trình đó, trên một con đường vào làng được mô tả là “như thể trườn xuống” (“trườn xuống”: ẩn mật bên dưới hiện thực, hay nói đúng là bóng ma của hiện thực). Tất thảy được chậm chạm thuật lại qua những lời kể rì rầm vọng lên từ một thế giới đã bị nhấn chìm, đã chết. Ban đầu Juan Rulfo từng đặt tên cuốn tiểu thuyết này là Los Murmullos, tức Những lời rì rầm. Nhân vật đi vào cõi chết đó, liệu có thể nói với ta bằng giọng kể của kẻ sống, hay chỉ là tiếng rì rầm của một vong hồn?
Sự nghiệp văn học của Juan Rulfo (nhà văn Mexico, 1917-1986) gói gọn vào hai cuốn sách: Pedro Páramo và tập truyện ngắn Bình nguyên trong lửa, nhưng ông được những đại thụ của văn học Mỹ Latinh như Jorge Luis Borges, Gabriel García Márquez và Carlos Fuentes dành cho một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Thậm chí, Gabriel García Márquez không ngần ngại nói rằng: “Nếu viết được một cuốn tiểu thuyết như cuốn Pedro Páramo của Juan Rulfo thì tôi sẽ bẻ bút thôi viết”.
Và từ Pedro Páramo, “sợi chỉ dẫn đường tới tiểu thuyết Mỹ Latinh” (theo cách nói của Carlos Fuentes), ngôi làng Comala đã có một nhịp dẫn để trong chưa đầy 15 năm sau, ngôi làng Macondo trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez được “sáng lập” bằng ngôn ngữ văn chương đầy phong nhiêu. Cuốn tiểu thuyết của Márquez, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương năm 1982, đã trình bày một bản sơ đồ bảy thế hệ bắt đầu từ một cuộc hôn phối cận huyết trong một ngôi làng cô lập có tên Macondo. José Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán là anh em họ; đã cùng nhau tìm cách vượt qua lời nguyền tai ương (rằng những cặp hôn nhân cận huyết như thế sẽ sinh ra những đứa trẻ nếu không mọc đuôi lợn thì cũng chết trong cô độc) để kiếm tìm một thế giới mới, tạo lập một tương lai mà họ tin ở đó sẽ giải được lời nguyền. Nhưng trong một xã hội mới mà họ kiến tạo, cái chết, thù hận, loạn luân và bạo lực vẫn không ngừng diễn ra. Nỗi cô đơn vẫn đeo đẳng như định mệnh mỗi con người.
Nếu Rulfo tạo nên ngôi làng Comala chết trong cõi sống thì Márquez tạo ra một Macondo sống trong cõi chết.
Hiện thực huyền ảo trên màn ảnh
Những hình ảnh siêu thực, âm u và ngun ngún thoát lên màn hình qua cách thể hiện của đạo diễn Rodrigo Prieto nhẹ như làn khói ám. Sức ám ảnh của bộ phim Pedro Páramo với tiết tấu chậm và ngấm ngầm những nhịp chuyển hư huyễn, vừa đủ tạo ra sự ám ảnh và vừa đủ cho những liên tưởng địa ngục nơi trần gian. Comala, nơi lời kể sống động của người mẹ và “thực tại” của những nấm nhà hoang tàn không chỉ là một sự tương phản, mà còn là sự chuyển hóa âm thầm, khiến ta nghĩ cái khốc liệt của hiện thực tự thân nó đắm xuống trong quá trình tàn rữa và vỡ vụn theo thời gian. Những tiếng rì rầm đó được “thuật” trên màn ảnh trọn vẹn, bằng ngôn ngữ cô đọng và mơ hồ mà trước đó, văn chương của Rulfo đã thiết lập.
Phim Pedro Páramo của Rodrigo Prieto có màu sắc âm u (ít nhiều khiến ta liên tưởng tới phim của Lars von Trier), như một tác phẩm điện ảnh độc lập, ở đó, sáng tạo điện ảnh đã hài hòa vào không khí văn chương.
Điều này ta cũng có thể gặp được trong 8 tập của mùa đầu bộ phim Trăm năm cô đơn (dự kiến có 16 tập, chia ra hai mùa). Dù xét về hạng mức đầu tư, Trăm năm cô đơn là một dự án phim truyền hình tầm mức kỷ lục quốc gia. Phim được quay ở Colombia, quê hương của nhà văn Gabriel García Márquez, thực hiện trong sáu năm, mang lại việc làm cho hơn 1.100 người (phục vụ hậu cần đoàn phim). Netflix đã công bố một con số gây kinh ngạc: quá trình quay, quảng bá, phát hành phim Trăm năm cô đơn mang lại khoản lợi nhuận gần 225 tỉ peso (51,8 triệu đô la) cho Colombia (theo Deadline).
Có thể nhận ra, so với phim Pedro Páramo, thì Trăm năm cô đơn có vẻ “hiện đại” hơn, và với sắc thái phim truyền hình, có thể nhận thấy thiếu tính “cô đặc” của “chất điện ảnh”. Nhưng bộ phim lại cho thấy một điều thú vị khác (mà có lẽ lúc sinh thời, chính Gabriel García Márquez không hình dung được), đó là điện ảnh vẫn có cách “giải nguyền”. Gabriel García Márquez từng không đồng tình cho việc chuyển thể này lúc ông còn sống, dù ông là cây bút phê bình phim sắc sảo và uyên bác. Nhưng với bộ phim đang công chiếu, thì có lẽ nếu văn nhân còn sống, ông sẽ thấy hài lòng và thay đổi “định kiến” về ngôn ngữ thể loại.
Ngôi làng Macondo vừa có màu sắc mới, như một sự “dàn dựng”. Ta thấy dấu ấn “dàn dựng” và “biểu diễn” trải dài trong phim. Nhưng chẳng phải nó được kiến tạo từ sự “dàn dựng” của con người về một thế giới mới đó sao? Và chẳng phải những gì đang diễn ra trong nó, từ sự đăm chiêu thông thái của José Arcadio Buendía trong phòng thí nghiệm cho đến gốc cây nơi ông biết mình bị trói vào vì bệnh điên, từ cơn mất ngủ tập thể, từ sự trượt dài của Aureliano hay José Arcadio... Qua ngôn ngữ điện ảnh, các mối quan hệ chằng chịt được thể hiện có vẻ mạch lạc hơn (trong khi với tiểu thuyết, nhà văn đã phải dùng tới một bảng sơ đồ để diễn tả nhằm giúp độc giả không... bị lạc lối). Vẻ mơ hồ sương khói và những hấp lực nội tại trong câu chuyện về một ngôi làng lưu đày hiện lên.
Ở mùa đầu, chưa thấy nhiều chi tiết thăng hoa của nghệ thuật hiện thực huyền ảo nhưng gần như với sự mô tả khung cảnh (và các chi tiết “dị thường một cách tự nhiên” như: dòng máu tươi trôi từ nhà này sang nhà khác hay trận mưa hoa...) đã thực sự mang lại cảm giác hài lòng, chờ đợi những bùng nổ lớn lao hơn về các hiện tượng không gian nơi chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Điều thú vị nhất đó là, đến một ngày, chúng ta được thấy ngôi làng Macondo không từ các phóng chiếu tưởng tượng của riêng mình, mà từ những trình hiện của một lăng kính khác.
Cả phim Pedro Páramo và Trăm năm cô đơn đều đang được đánh giá cao trên các diễn đàn phim. Với người mê văn học, đây là một dịp để có trải nghiệm khác, một bữa tiệc của những kiệt tác quay trở lại trong tâm trí ta theo một con đường khó ngờ.