Những thú vị bất ngờ về con đuông dừa
Đuông dừa là ấu trùng của loài côn trùng có tên khoa học là 'Rhynchophorus ferrugineus', thường gọi là mọt cọ đỏ một loài côn trùng cánh cứng thuộc họ Bọ vòi voi. Đây là một trong những loại côn trùng gây hại phổ biến và khó phòng trừ trên các vườn dừa.

Trên phương diện khoa học, đuông dừa là ấu trùng của loài côn trùng có tên khoa học là "Rhynchophorus ferrugineus", thường gọi là mọt cọ đỏ. Đây là một loài côn trùng cánh cứng thuộc họ Bọ vòi voi (Curculionidae), dài 2 - 4cm, sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á.

Vào mùa sinh sản, mọt cọ đỏ cái trưởng thành bay tới các thân cây dừa một số loài cây thuộc họ cau, chà là, cọ Sago… và dùng vòi đục lỗ vào thân cây hoặc chui vào những kẽ nứt, lỗ hang có sẵn do loài khác để lại.

Khi vào bên trong, chúng đẻ từ vài chục tới vài trăm quả trứng trông giống hạt gạo. Sau khoảng 3 đến 4 ngày, trứng sẽ nở ra ấu trùng có màu trắng, dài.

Ấu trùng của mọt cọ đỏ, hay gọi là con đuông sống từ 50 - 70 ngày trong thân cây. Suốt thời gian này chúng đục khoét liên tục và trở nên béo mập, đạt chiều dài từ 40 – 50 mm.

Sau đó, đuông bắt đầu giai đoạn nhộng. Nhộng nằm trong một kén hình bầu dục được tạo thành bằng các sợi xơ có trong thân cây hoặc bẹ lá. Trong cái kén này, chúng trải qua những biến đổi lớn trong 15 - 20 ngày.

Kết thúc quá trình nhộng, mọt cọ đỏ trưởng thành chui ra khỏi kén, bay ra ngoài để tìm đối phương và bắt đầu một chu kỳ sinh sản mới…

Cây dừa khi bị đuông dừa tấn công sẽ có triệu chứng như ngọn và các tàu lá phía trên ngọn bị chết. Đây là sinh vật gây hại với cây dừa.

Đuông dừa có thể trở thành sâu hại nếu phát triển quá mức ở các vùng trồng dừa như khu vực Bến Tre của Việt Nam.