Những thử thách lớn đang chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu

Diễn ra từ ngày 14 đến 16/2/2025, Hội nghị an ninh Munich đã chứng kiến những sự kiện gây sốc trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tới mức đài truyền hình nước chủ nhà Đức phải đặt câu hỏi liệu Mỹ và EU có còn 'nói chung một ngôn ngữ' hay không?

Bài phát biểu gây sốc về dân chủ ở châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ

Hội nghị an ninh Munich 2025 diễn ra vào thời điểm quan trọng của sự thay đổi: chính quyền mới của Mỹ nhậm chức vào tháng 1, một chu kỳ mới của cơ quan lập pháp châu Âu tại Brussels và cuộc bầu cử quốc hội Đức diễn ra chỉ một tuần sau hội nghị.

 Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich. Ảnh: Munich Security Conference

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich. Ảnh: Munich Security Conference

Và bối cảnh mới cũng chứng kiến những diễn biến mới đầy bất ngờ, trong đó có thể xem bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance là cú sốc đầu tiên. Trong diễn văn tại Hội nghị, ông Vance đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu choáng váng khi đặt câu hỏi về “các giá trị chung” vốn thường được EU xem như chuẩn mực.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU, Phó Tổng Mỹ cho biết, mối đe dọa đối với châu Âu khiến ông lo ngại nhất không phải là Nga hay Trung Quốc mà là sự thoái lui khỏi các giá trị cơ bản của việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận - cũng như vấn đề nhập cư, mà ông cho rằng đang "ngoài tầm kiểm soát" ở châu Âu.

Để chứng minh cho điều này, Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống mà ông cho là hoàn toàn hợp pháp ở Romania (cuộc bầu cử này đã bị tòa án hiến pháp Romania tuyên bố là không hợp lệ vào tháng 12), lên án lệnh cấm những người phản đối phá thai biểu tình trực tiếp bên ngoài các phòng khám ở Anh và lên án việc loại trừ các đảng cực hữu khỏi tiến trình chính trị ở cựu lục địa.

“Tôi e rằng quyền tự do ngôn luận đang bị thu hẹp”, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nói. “Điều có vẻ hơi kém rõ ràng đối với tôi, và chắc chắn tôi nghĩ là đối với nhiều công dân châu Âu, chính xác thì các bạn đang tự bảo vệ mình vì điều gì? Tầm nhìn tích cực nào thúc đẩy hiệp ước an ninh chung mà tất cả chúng ta đều tin là rất quan trọng này?”, ông Vance hỏi, trong khi phần lớn các nhà lãnh đạo đồng minh châu Âu nhìn ông với vẻ kinh ngạc.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã phản bác khi đăng đàn tại Hội nghị vào cuối ngày thứ Sáu, mô tả những phát biểu của ông JD Vance là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cho rằng với diễn ngôn này, Phó Tổng thống Mỹ đã đặt ra câu hỏi về nền dân chủ không chỉ ở Đức mà còn ở toàn châu Âu.

Cuộc “đụng độ” trên diễn đàn Munich nhấn mạnh sự khác biệt về thế giới quan giữa chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu, khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm là Mỹ và EU đứng trước những thử thách mới, hứa hẹn nhiều sóng gió.

Điều này càng rõ ràng hơn khi sau bài phát biểu của mình, ông JD Vance đã gặp Alice Weidel, lãnh đạo đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), một động thái có thể sẽ gây ra những chỉ trích là sự can thiệp không mong muốn trước thềm cuộc bầu cử liên bang Đức diễn ra vào tuần tới.

Những rạn nứt giữa hai bờ đại dương

Dù cảm thấy sốc và không hài lòng với phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, nhưng châu Âu cũng đã có những động nhằm thể hiện thiện chí với Mỹ. Trong đó nổi bật là việc Ủy ban Châu Âu (EC) quyết định thay đổi các quy tắc tài chính để cho phép các quốc gia thành viên EU tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng mà không vượt quá mức thâm hụt ngân sách.

Quy định chi tiêu của EU yêu cầu các quốc gia thành viên phải giữ thâm hụt ngân sách quốc gia dưới 3% và nợ công dưới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Một số quốc gia EU trước đây đã lập luận rằng họ không có đủ khả năng để tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng bà Von der Leyen cho biết “khi nói đến an ninh châu Âu, châu Âu phải làm nhiều hơn, châu Âu phải đóng góp nhiều hơn và để đạt được điều này, chúng ta cần tăng cường chi tiêu quốc phòng”.

Động thái từ EU cho thấy nỗ lực đáng kể của châu Âu trong việc đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Từ trước khi chính thức trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã nhiều lần nói rằng các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên chi 5% GDP cho ngân sách quốc phòng, thay vì 2% như hiện nay. Ông thậm chí còn đe dọa sẽ đưa Mỹ rời khỏi NATO nếu các nước EU không tăng chi tiêu.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp sau động thái thiện chí của châu Âu lại là một cú sốc nữa. Hãng tin Euronews cho biết, trong một phát biểu về viễn cảnh Tổng thống Donald Trump sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy để bàn về việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, Theo đặc phái viên của Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg, châu Âu sẽ không được mời tham dự các cuộc đàm phán này.

Càng đáng nói hơn khi sau đó một số hãng thông tấn lớn tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga đang chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin có thể diễn ra tại Saudi Arabia vào cuối tháng này.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và cố vấn ngoại giao của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov đã lên đường đến thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Trong khi đó, 3 quan chức hàng đầu bên phía Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff cũng sẽ tới đây để gặp phái đoàn Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Tammy Bruce cho biết, đại diện Ukraine sẽ không tham gia cuộc gặp này.

Phản ứng của EU và hệ lụy của những rạn nứt

Dù Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio sau đó đã xoa dịu lo ngại của những đồng minh bên kia Đại Tây Dương khi nói với đài CBS rằng quá trình đàm phán thực chất vẫn chưa bắt đầu và người Ukraine cũng như các đại diện EU đều sẽ được mời tham dự nếu tình hình tiến triển, thì người châu Âu vẫn cảm thấy “nóng mặt”.

 Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nhóm họp khẩn cấp ở Paris để tìm cách ứng phó với những động thái mới nhất từ phía Mỹ. Ảnh: SBS

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nhóm họp khẩn cấp ở Paris để tìm cách ứng phó với những động thái mới nhất từ phía Mỹ. Ảnh: SBS

Theo hãng tin Euronews, các lãnh đạo châu Âu đã quyết định thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nhằm nhắc nhở phía Mỹ rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cho Ukraine cũng cần có sự tham gia của châu Âu. “Nếu có một thỏa thuận được thực hiện sau lưng chúng ta, nó sẽ đơn giản là không hiệu quả. Bởi vì đối với bất kỳ loại thỏa thuận nào, bạn cần người châu Âu thực hiện, bạn cần người Ukraine thực hiện”, bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của EU, phát biểu.

Ông António Costa, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự tới Nhà Trắng, khi cho rằng hòa bình ở Ukraine và an ninh ở châu Âu là “không thể tách rời”, đồng thời nhấn mạnh “sẽ không có cuộc đàm phán đáng tin cậy và thành công, không có hòa bình lâu dài, nếu không có Ukraine và không có EU”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời một nhóm các nhà lãnh đạo châu Âu đến Paris vào ngày 17/2 để thảo luận về tình hình và củng cố lập trường chung của EU trước các diễn biến mới liên quan đến vấn đề Ukraine.

Tham dự cuộc họp có Thủ tướng các nước Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch cùng chủ tịch Ủy ban châu Âu, chủ tịch Hội đồng châu Âu và tổng thư ký NATO. Tại đây, tất cả các bên đều có chung quan điểm rằng đây là thời điểm EU cần thúc đẩy đoàn kết, thể hiện một mặt trận thống nhất.

Trở lại với Hội nghị an ninh Munich, sự ủng hộ dành cho các đồng minh châu Âu của ông Trump đến từ một phía khá bất ngờ. Ngay sau bài phát biểu gây tranh cãi của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên sân khấu.

Trong bài phát biểu của mình, ông Vương nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi châu Âu là “đối tác không phải đối thủ”, rằng Bắc Kinh “luôn coi châu Âu là một cực quan trọng trong thế giới đa cực” và khẳng định châu Âu có “vai trò quan trọng” trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Rõ ràng, những diễn biến Munich cũng như trên các diễn đàn ngoại giao tại châu Âu những ngày qua có thể xem như chỉ dấu cho mối quan hệ giữa EU và Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Tương lai của của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới mới, và tương lai ấy, như tất cả đều thấy, đang đứng trước rất nhiều thử thách.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-thu-thach-lon-dang-chia-re-moi-quan-he-giua-my-va-lien-minh-chau-au-post334929.html
Zalo