Những thông tin hiếm hoi về người được coi là 'bộ não của Chủ tịch Tập'
Vị chính trị gia được coi là 'bộ não của Chủ tịch Tập Cận Bình' vừa tái cử vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc chính là Vương Hỗ Ninh.
"Bộ não của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình"
Trong 7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc khóa XX, ngoài 4 gương mặt mới là ông Lý Cường - Bí thư Thành ủy Thượng Hải (63 tuổi), ông Thái Kỳ - Bí thư Thành ủy Bắc Kinh (67 tuổi), ông Đinh Tiết Tường - chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng (60 tuổi), ông Lý Hi - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (66 tuổi), hai chính trị gia kỳ cựu được tái cử cùng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình (69 tuổi) là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIX Triệu Lạc Tế (65 tuổi) và Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh (67 tuổi).
Trong đó, ông Vương Hỗ Ninh được nhiều chuyên gia quốc tế như Tiến sĩ Willy Lam, trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định là “bộ não của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Báo Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) dự báo, ông Vương Hỗ Ninh có thể sẽ trở thành người đứng đầu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc - một diễn đàn quan trọng để huy động các nguồn lực và sự ủng hộ của bên ngoài.
Có chung đánh giá này, báo VOA của Mỹ cho biết, sự thăng cấp vị trí của ông lần này từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 4 (thứ tự trong Ban Chấp hành Bộ Chính trị) phản ánh vị thế của ông Vương Hỗ Ninh là một trong những cố vấn quan trọng nhất của Chủ tịch Tập.
Vị trí thứ 4 thường thuộc về Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan hiệp thương và cố vấn chính trị cao nhất của Trung Quốc.
Những thông tin ít ỏi về ông Vương Hỗ Ninh
Theo tờ Nikkei Asia, khởi điểm làm chính trị của ông Vương Hỗ Ninh là từ năm 1995, khi ông đang làm giáo sư tại Đại học Phúc Đán danh tiếng ở Thượng Hải thì được một phụ tá thân cận của ông Giang Trạch Dân chú ý và bổ nhiệm vào Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Là người giàu kinh nghiệm về học thuật, ông Vương Hỗ Ninh từng là hiệu trưởng trường luật thuộc Đại học Phúc Đán và có chủ trương xây dựng một nhà nước Trung Quốc tập trung, mạnh mẽ để chống lại ảnh hưởng của nước ngoài.
Sau khi được bổ nhiệm vào Văn phòng Nghiên cứu Chính sách, ông Vương Hỗ Ninh dần trở thành một cố vấn chính trị được coi trọng.
Từ năm 2017, nhà lý luận chính trị lâu năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hỗ Ninh đã là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Ông cũng là người đứng đầu nhóm tập hợp các quan chức hàng đầu ở trung ương về Cải cách sâu sắc và toàn diện, một cơ quan tương đối ít người biết đến giúp thực thi các chính sách của ông Tập Cận Bình.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, ông Vương Hỗ Ninh được cho là đã giúp xây dựng khái niệm Vành đai và Con đường và "sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc", một trong những khẩu hiệu chính trị của ông Tập Cận Bình.
Cũng theo tờ Nikkei Asia, ông Vương Hỗ Ninh còn được coi là kiến trúc sư chính trong đường lối ngoại giao cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với phương Tây.
Theo trang SMH của Australia, cho tới nay, ông Vương Hỗ Ninh đã trở thành một nhà tư tưởng chủ chốt của Trung Quốc và có nhiều kinh nghiệm chính trị dưới thời các cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hiện tại.
Theo Nikkei Asia, ông Vương Hỗ Ninh cũng được các nhà nghiên cứu nước ngoài ghi nhận là người đã phát triển các hệ tư tưởng chính thức của ba nhà lãnh đạo Trung Quốc – thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân, “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào và “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” của ông Tập Cận Bình.
Dù là người ít xuất hiện trước công chúng nhất trong nền chính trị Trung Quốc hiện tại, nhưng ông Vương Hỗ Ninh chính là kiến trúc sư của “Tư tưởng Tập Cận Bình” – hệ tư tưởng mang màu sắc của Chủ tịch Tập Cận Bình hiện được đưa vào hiến pháp Trung Quốc.
Trong hệ thống chính trị hiện tại, ông Vương Hỗ Ninh cũng được cho là người đã giúp duy trì sự cân bằng trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng và một số người cho rằng ông đã hướng tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình theo hướng thực tế hơn.
Ông cũng là tác giả của cuốn sách có tính phê phán cao về nước Mỹ America Against America - được viết sau chuyến thăm Mỹ năm 1991, trong đó chỉ ra sự bất bình đẳng kinh tế và các thách thức xã hội và chính trị khác của Mỹ.