Những thay đổi vào phút chót trước khi ông Trump công bố chính sách thuế mới

Nhiều chi tiết quan trọng về cấu trúc thuế quan chỉ được đưa ra vào giờ chót, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố những con số chấn động ở Vườn Hồng.

Kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Tuy nhiên, những chi tiết quan trọng chỉ được hoàn thiện vào giờ chót.

Ngay trước khi chính sách thuế mới được công bố ngày 2/4, ngày mà ông Trump gọi là “Ngày Giải phóng”, các trợ lý của ông vẫn gấp rút hoàn thiện các nội dung quan trọng, bao gồm quy mô và phạm vi của kế hoạch, cũng như cách thức để thuyết phục công chúng Mỹ hiểu về kế hoạch và truyền đạt một số mục tiêu chính.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp khi thông báo chính sách thuế quan mới tại Vườn Hồng, ngày 2/4/2025. Ảnh: EPA

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp khi thông báo chính sách thuế quan mới tại Vườn Hồng, ngày 2/4/2025. Ảnh: EPA

Theo các nguồn tin am hiểu về các cuộc thảo luận nội bộ, ông Trump muốn những biện pháp thuế quan mới không chỉ tạo ra nguồn thu đáng kể cho chính phủ mà còn là một tín hiệu bền vững cho các công ty đầu tư vào Mỹ. Một chính sách áp thuế toàn diện và đồng đều sẽ phù hợp với mục tiêu của Tổng thống. Phương pháp như vậy cũng sẽ giúp ngăn chặn các công ty “né thuế” bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn.

Tuy nhiên, Tổng thống cũng thích ý tưởng áp thuế đối ứng, tức là áp mức thuế với mỗi nước như những gì họ đang áp dụng với Mỹ. Điều này dẫn đến việc phải có một biểu thuế riêng biệt cho từng quốc gia, được điều chỉnh tùy theo mức thuế và các chính sách kinh tế khác của quốc gia đó.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền mô tả tình trạng như “chơi bóng bàn” giữa lựa chọn áp thuế toàn diện và biện pháp đối ứng.

Một mặt, ông Trump coi việc áp thuế quan toàn diện là đơn giản và dễ giải thích. Mặt khác, các cố vấn như Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho rằng công chúng Mỹ sẽ hiểu được nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” nếu áp thuế đối ứng.

Trong cuộc họp chiều 31/3 với các cố vấn thương mại, ông Trump đã yêu cầu cung cấp số liệu của từng quốc gia, chuẩn bị cho biểu đồ thuế quan mà ông sẽ trình bày tại Vườn Hồng vào ngày 2/4. Biểu thuế này không nhất thiết trùng khớp với mức thuế mà các quốc gia đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Cho đến tận chiều 1/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vẫn còn đang làm việc về những phương án ít quyết liệt hơn. Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục chiều ngày hôm đó, ông Trump vẫn muốn chọn phương án áp thuế đối ứng.

Cuối cùng, họ quyết định thực hiện cả hai phương án áp thuế: cả thuế đối ứng và thuế cơ bản 10% đối với tất cả các quốc gia và nền kinh tế không bị áp thuế đối ứng.

Chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump công bố ngày 2/4 tương tự như những gì ông đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.

Theo Bloomberg, chính sách mới chủ yếu do một nhóm nhỏ thân cận, sẵn sàng làm theo những quyết định của ông Trump, lập ra. Nhóm nhỏ này bao gồm những cái tên như Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và cố vấn cấp cao Peter Navarro. Các quan chức kỳ cựu ủng hộ thương mại tự do, những người từng có ảnh hưởng lớn đối với các quyết định của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã không đóng góp cho kế hoạch mới.

Dù ông Trump đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia như Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để giúp triển khai chính sách của mình, căn cứ mà chính quyền Mỹ áp dụng để xác định các mức thuế đối ứng dựa vào thặng dư thương mại đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên và hoài nghi về độ chính xác.

Một số quan chức đã khuyên ông Trump lựa chọn giải pháp bớt cứng rắn hơn. Vào sáng 1/4 và ngay trước khi ông Trump thông báo về thuế quan vào ngày hôm sau, Nhà Trắng đã nhận các cuộc gọi từ các quan chức trong ngành công nghiệp cảnh báo không nên theo đuổi một chiến lược quá mạnh tay. Các nhà lập pháp và chiến lược gia đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại về việc giá cả có thể tăng cao do thuế quan.

Mặc dù chính sách thuế quan tổng thể rất quyết liệt, nhưng Nhà Trắng dường như đã lắng nghe, ít nhất là một phần. Mức thuế cơ bản cuối cùng chỉ ở mức 10%, thay vì 20% như đã được thảo luận ban đầu. Các mức thuế mới cũng sẽ không cộng dồn lên thuế đặc thù đã áp với một số ngành, như ô tô và thép nhập khẩu. Chính sách miễn thuế cho hàng hóa trong Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada sẽ vẫn được duy trì.

Thông báo mới về mức áp thuế là một bất ngờ đối với nhiều người. Các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng không được mời đến buổi thông báo ở Vườn Hồng cũng không được cung cấp trước thông tin về những gì sẽ xảy ra.

Ông Barry Zekelman, Giám đốc điều hành của Zekelman Industries, một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp được mời tới Vườn Hồng, nói rằng, cho đến khi lên máy bay tới Washington, ông vẫn chưa biết chi tiết của buổi thông báo mà ông sắp tham dự.

Bên trong Nhà Trắng, nhiều trợ lý đã sẵn sàng để kết thúc những tuần lễ bất ổn về thuế quan. Nhưng kể từ lúc thông báo được đưa ra, Nhà Trắng liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi bày tỏ lo ngại.

Thị trường Phố Wall mất trắng 2.500 tỷ USD. Giá cổ phiếu tại nhiều trung tâm tài chính lớn trên thế giới cũng lao dốc theo. Một số cố vấn lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo WSJ, Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-thay-doi-vao-phut-chot-truoc-khi-ong-trump-cong-bo-chinh-sach-thue-moi-post1189626.vov
Zalo