Những thay đổi của châu Á trong năm 2022

Nhiều sự kiện, biến động địa chính trị, kinh tế, xã hội đã góp phần định hình lại châu Á trong năm 2022.

Trong bối cảnh chung thế giới dần mở cửa trở lại sau COVID-19, lạm phát gia tăng, thiếu năng lượng, biến đổi khí hậu, khu vực châu Á trở thành trung tâm của những chuyển dịch về cả địa chính trị lẫn kinh tế - xã hội.

Bất ổn ở Sri Lanka

Năm 2022, Sri Lanka rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới. (Ảnh: TWN)

Năm 2022, Sri Lanka rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới. (Ảnh: TWN)

Năm 2022, Sri Lanka rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới. Lạm phát lương thực có thời điểm tăng lên 90%, các trạm xăng cạn kiệt nhiên liệu và dự trữ ngoại hối khả dụng giảm xuống chỉ còn 25 triệu USD. Đồng tiền của Sri Lanka giảm 80% và nền kinh tế gần như bị đình trệ. Vào tháng 5, Sri Lanka vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng này, cùng với các cuộc biểu tình rầm rộ, đã khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức vào tháng 7.

Các nhà bình luận coi sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka như một câu chuyện cảnh báo: một minh họa về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay, những tác động không cân xứng mà các cuộc xung đột dù ở xa có thể gây ra đối với các nước nghèo và tác động của nhiều năm chính sách kinh tế sai lầm.

Ở những nơi khác ở Nam Á, Bangladesh, Nepal và Pakistan đều phải đối mặt với những khó khăn kinh tế tương tự trong năm nay—nhưng không nghiêm trọng bằng Sri Lanka.

Bầu cử lãnh đạo ở các quốc gia khu vực

Những người kiên trì đã chứng tỏ khả năng giành chiến thắng vào năm 2022 khi ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. của Philippines và ông Anwar Ibrahim của Malaysia trở thành lãnh đạo các quốc gia này. Một người đưa cái tên của gia đình quay trở lại, người kia hoàn thành mục tiêu 24 năm sau những cuộc đấu tranh pháp lý liên miên.

Ở Philippines, ông Marcos giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6, bất chấp những lo ngại đến từ việc ông là con của cố Tổng thống Ferdinand Marcos, người từng nắm quyền ở Philippines trong suốt hơn 20 năm từ 1965 đến 1986.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Marcos Jr. cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy phát triển đất nước bằng cách giải quyết những tác động trước mắt của đại dịch COVID-19, tạo ra việc làm mới, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nông nghiệp, nâng cao sức khỏe cộng đồng và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Và tại Malaysia, ông Anwar cuối cùng đã trở thành người chiến thắng vào tháng 11, rũ bỏ cái tên “thủ tướng chờ” để trở thành thủ tướng thứ 10 của quốc gia này. Điều này xảy ra sau nhiều thập kỷ sự nghiệp của ông bị đánh dấu bằng các chiến dịch bôi nhọ, bỏ tù và âm mưu hậu trường khi vị phó thủ tướng một thời thách thức các nhóm lợi ích với cam kết chống tham nhũng.

Cả hai nhà lãnh đạo hiện phải đối mặt với thách thức trong việc điều hành và đưa đất nước của mình tiến lên phía trước.

Cuộc chiến ngành công nghiệp bán dẫn

Cuộc cạnh tranh bán dẫn nóng lên trong năm 2022.

Cuộc cạnh tranh bán dẫn nóng lên trong năm 2022.

Năm 2022 chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc, và ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo này ngày càng được chú ý. Các nhà sản xuất chip Đài Loan trở nên “hot” hơn bao giờ hết.

Mỹ ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ có được công nghệ chip quan trọng của Đài Loan. Tháng 7/2022, quốc hội lưỡng đảng tại Washington thông qua đạo luật Khoa học và CHIP, trong đó phân bổ 52 tỷ USD tài trợ liên bang để thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước hơn nữa. Washington cũng công bố các hạn chế đối với chất bán dẫn cao cấp và thiết bị sản xuất chip, điều khiến Trung Quốc chỉ trích là “bá quyền khoa học công nghệ”.

Đến tháng 12, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công bố kế hoạch mở nhà máy sản xuất chip bán dẫn thứ hai ở Arizona, Mỹ, với vốn huy động lên tới 40 tỷ USD, là một trong những khoản đầu tư từ bên ngoài lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Với những con số đó, ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan kết thúc một năm với sự chuyển động đáng kể, trong khi xây dựng mối quan hệ và giành được sự hỗ trợ ngày càng tăng từ doanh nghiệp và chính phủ ở Mỹ cũng như các nơi khác.

Tuy nhiên, đứng trước cạnh tranh địa chính trị và thiếu năng lượng toàn cầu, ngành bán dẫn của hòn đảo cũng gặp nhiều thách thức. Một trong số đó được chỉ ra là việc lưới điện cũ kỹ có thể không đủ ổn định để các trung tâm công nghệ của hòn đảo tiếp tục mở rộng.

Nằm chung trong cuộc đua bán dẫn, Nhật Bản có kế hoạch chi ngân sách 350 tỷ yên (2,38 tỷ USD) cho việc hợp tác nghiên cứu với Mỹ để phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thông báo rằng 3 nghìn tỷ yên sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực mới thế hệ tiếp theo, bao gồm cả chất bán dẫn. Dự kiến, khoảng gần 1 nghìn tỷ yên sẽ được đầu tư vào pin và robot.

Bản thân Trung Quốc cũng được cho là có kế hoạch thực hiện bước đi quan trọng hướng tới "tự cung tự cấp" chip và đối phó với các động thái của Mỹ, với việc dự kiến triển khai gói hỗ trợ tài chính lớn nhất trong 5 năm, trị giá hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD) phát triển chip nội địa.

Có thể thấy Trung Quốc nói riêng và các nước châu Á nói chung thể hiện việc hướng tới ngày càng làm chủ các công nghệ cốt yếu, tự chủ sản xuất thay vì sản xuất theo dây chuyền của nước ngoài. Điều này nằm trong xu thế chung của thế giới, nhằm ứng phó với nguy cơ những biến động chính trị-xã hội (chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai) có thể làm gián đoạn hoạt động của các chuỗi cung ứng và khiến các nền kinh tế dễ bị tác động.

Ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, từng phát biểu cuối năm 2021 rằng chất bán dẫn là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược công nghiệp và khu vực địa chiến lược của chất bán dẫn không phải ở Mỹ hay ở châu Âu, mà là ở châu Á. EU cũng đang nỗ lực “bắt tay” với các đối tác châu Á, trong đó Hàn Quốc là đối tác chủ chốt, để đẩy mạnh công nghiệp chip của khu vực mình.

Chuyển dịch chuỗi cung ứng năng lượng

Với tác động của đại dịch và chiến sự Nga – Ukraine, châu Á chứng kiến sự chuyển dịch năng lượng và các chuỗi cung ứng khi các nước tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đồng thời kết nối với những khách hàng mới.

Sau hàng loạt lệnh trừng phạt và hạn chế kinh tế của EU đối với năng lượng Nga cũng như cả các cuộc tấn công vật lý vào hệ thống đường ống vận chuyển năng lượng dưới biển, “sợi dây năng lượng” giữa Nga và châu Âu bị kéo giãn. Moskva tăng cường xuất khẩu năng lượng với các đối tác châu Á, trong đó nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi đó châu Âu mở rộng nguồn cung năng lượng ở các khu vực như châu Phi và Mỹ La-tinh.

Theo RT, Trung Quốc đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga ở mức kỷ lục vào tháng 11 (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 852.000 tấn với giá trị 815,6 triệu USD), trong khi lượng nhập khẩu dầu (tăng 17% trong tháng 11 so với năm trước lên 7,81 triệu tấn) và than (tăng 41% lên 7,2 triệu tấn) đều tăng mạnh, theo báo cáo của cơ quan hải quan nước này.

Còn lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 10, theo Press Trust of India. Xét trên số thùng dầu được nhập khẩu mỗi ngày, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ.

Vấn đề an ninh năng lượng cũng thúc đẩy châu Âu tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường các khoản đầu tư vào thị trường năng lượng xanh ở châu Á, khi nhu cầu của thị trường này tăng dần nhằm đáp ứng các cam kết chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu. Theo Financial Times, nhiều công ty điện gió xa bờ châu Âu đổ xô đến châu Á nhằm tận dụng lợi thế công nghệ thiết lập “chỗ đứng” trong khu vực, với điển hình là sự bắt tay của các đối tác Đan Mạch, Pháp với Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong cuộc gặp giữa Liên minh châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 12, EU cam kết một gói đầu tư “Cổng toàn cầu” trị giá 10 tỷ euro cho các quốc gia ASEAN, nhằm giúp các quốc gia thành viên thúc đẩy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng xanh trong khi hướng tới đạt được các mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Bởi vì sự hợp tác về năng lượng và thương mại của chúng ta sẽ chỉ phát huy hết tiềm năng nếu có cơ sở hạ tầng phù hợp củng cố”.

ASEAN và Myanmar

Thủ tướng Campuchia Hunsen. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Campuchia)

Thủ tướng Campuchia Hunsen. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Campuchia)

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào ngày 10-13/11, dưới sự chủ trì của Campuchia và ông Hun Sen, các nước thành viên đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, từ tính toàn vẹn khu vực đến các động lực toàn cầu nhằm phục hồi sau COVID-19, chiến tranh Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, lạm phát gia tăng, v.v. Tuy nhiên, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất của hội nghị thượng đỉnh và được đưa lên “đầu chương trình nghị sự” là cuộc khủng hoảng Myanmar.

Mặc dù vấn đề Myanmar “chiếm sóng”, nhưng ghế đại diện quốc gia này tại các cuộc họp bị bỏ trống.

Có nhiều quan điểm xung quanh việc ASEAN nên giải quyết vấn đề Myanmar như thế nào. Trong khi một bộ phận đồng tình tăng áp lực lên chính quyền quân sự để thúc đẩy hòa bình ở Myanmar, theo Kế hoạch 15 điểm mới được đề xuất, một số khác lo ngại về việc gia tăng các biện pháp gây sức ép với Myanmar cũng như việc tư cách thành viên của nước này trong khối bị gián đoạn. ASEAN được cho là cũng đang phải xem xét mối quan hệ với NUG (Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar), được coi là nhóm kế thừa của NLD (Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ), tổ chức tự xưng là chính phủ hợp pháp của Myanmar.

Trung Quốc thay đổi chính sách COVID-19

Việc điều chỉnh các biện pháp chống dịch COVID-19 là bước ngoặt quan trọng tại Trung Quốc trong năm 2023. Điều này cho thấy Trung Quốc đang dần tiến tới đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và vực dậy nền kinh tế đang chịu những tác động giảm sút.

Trung Quốc thay đổi chính sách COVID-19 sau gần 3 năm áp dụng "Không COVID". (Ảnh minh họa: CNN)

Trung Quốc thay đổi chính sách COVID-19 sau gần 3 năm áp dụng "Không COVID". (Ảnh minh họa: CNN)

Một trong những lý do quốc gia châu Á thực hiện nới lỏng chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt chậm hơn các nước khác, được cho là vì quốc gia đông dân nhất thế giới và đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, và các đợt bùng phát trên diện rộng có thể đe dọa tính mạng người dân.

Tác động của việc Trung Quốc thay đổi chính sách chống dịch lên nền kinh tế có thể tích cực. Giới doanh nghiệp và đặc biệt các nhà đầu tư vui mừng trước những thay đổi của Trung Quốc, xem đây có thể là khởi đầu cho quá trình phục hồi của kinh tế nước này, sau thời gian các hoạt động bị chững lại. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng nếu tiến trình tái mở cửa không diễn ra suôn sẻ, các tác động khác nhau có thể lại ảnh hưởng đến không chỉ kinh tế Trung Quốc mà còn kinh tế thế giới .

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng

Bán đảo Triều Tiên năm 2022 đặc trưng bởi xu hướng thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên, với các cuộc thử nghiệm dày đặc chưa từng có từ năm 2017. Theo kênh CNN, Triều Tiên đã bắn ít nhất 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong năm nay.

UAV Triều Tiên trong một sự cố năm 2017. (Ảnh: Yonhap)

UAV Triều Tiên trong một sự cố năm 2017. (Ảnh: Yonhap)

Từ đầu năm, Mỹ và các nhà quan sát quốc tế cũng cảnh báo rằng Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân.

Bên cạnh đó, Mỹ và Hàn Quốc liên tục tập trận chung trong khu vực. Gần nhất, Hàn Quốc và Triều Tiên “lùm xùm” vụ máy bay Hàn Quốc rơi khi đánh chặn UAV Triều Tiên vào không phận, với phát biểu của các bên ngày càng mạnh mẽ và thể hiện khả năng “sẵn sàng đáp trả” ngày càng cao.

Trong khi đó, tiến trình đàm phán ngoại giao chưa có gì khởi sắc, bất chấp nỗ lực của các bên từng mang đến những cuộc gặp lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cũng như liên Triều. Tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, mục tiêu tối cao của Triều Tiên là sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh mẽ nhất thế giới, nhằm bảo vệ giá trị và chủ quyền quốc gia cũng như người dân Triều Tiên.

Phương Anh(Nguồn: CNBC, Foreign Policy )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-thay-doi-cua-chau-a-trong-nam-2022-ar723899.html
Zalo