Những thành quả ấn tượng của ngành Giáo dục Quảng Ninh

Để có được thành quả ấn tượng là cả một hành trình dài bền bỉ của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Các thí sinh Quảng Ninh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Các thí sinh Quảng Ninh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Hành trình dài bền bỉ

Theo kết quả công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, Quảng Ninh xuất sắc vươn lên vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về kết quả thi tốt nghiệp, tăng 11 bậc so với năm 2023 và tăng 27 bậc so với năm 2019.

Đây là thành quả từ quyết tâm chính trị cao của tỉnh Quảng Ninh trong việc kiên trì, nhất quán thực hiện nhiệm vụ quan tâm, chăm lo có chiều sâu cho giáo dục đào tạo, 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Sở GD&ĐT, kỳ thi năm nay, tỉnh Quảng Ninh có điểm trung bình thi tốt nghiệp là 6,67 điểm; xếp thứ 25/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2023, tăng 25 bậc so với năm 2020 và tăng 27 bậc so với năm 2019.

Trong đó, khối trường THPT có điểm trung bình là 6,84. Trung tâm Giáo dục thường xuyên là 5,58, thí sinh tự do là 6,28.

Năm nay, Trường THPT Chuyên Hạ Long đứng thứ nhất toàn tỉnh với tổng điểm trung bình đạt 7,84; Trường Tiểu học, THCS và THPT Văn Lang xếp thứ 2 với tổng điểm trung bình là 7,60; Trường THPT Hoàng Quốc Việt xếp thứ 3 với tổng điểm 7,48. Các trường THPT Hòn Gai, THPT Cẩm Phả lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5.

Đáng chú ý, so sánh điểm trung bình từng môn thi của tỉnh với cả nước trong 3 năm gần đây, kết quả điểm thi của các môn đều được cải thiện. Năm nay có 2 môn tiếp tục có điểm trung bình cao hơn điểm trung bình cả nước là Vật lý, Ngoại ngữ. Trong đó, môn Ngoại ngữ xếp thứ 11 cả nước, tăng 5 bậc so với 2023; môn Vật lý xếp thứ 15, tăng 1 bậc so với năm 2023. Số lượng bài thi có điểm từ trung bình trở lên đạt 83,65%.

Có thể khẳng định, những kết quả trên là thành tích đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, thầy và trò của Quảng Ninh trong năm vừa qua. Nhìn xa hơn có thể thấy những thành tích đáng tự hào này là kết quả của cả một hành trình dài bền bỉ của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Những chính sách thúc đẩy giáo dục phát triển

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Trong đó, ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, nghị quyết tạo động lực, thúc đẩy giáo dục phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của tỉnh, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Trong đó, có thể kể đến các nghị quyết về các chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng là giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể: Chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...

Đáng chú ý, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh. Trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023, tỉnh dành gần 600 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng quà cho học sinh các đội tuyển tham gia dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng quà cho học sinh các đội tuyển tham gia dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Các chính sách đã phần nào giúp các gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, không ổn định.

Kiên trì thực hiện các quan điểm “Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất; quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.

Từ những chính sách vượt trội, ngành Giáo dục tỉnh đã có những bước tiến không ngừng, gặt hái được nhiều trái ngọt.

Các năm học từ 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực từ bệnh dịch rất lớn, tuy nhiên ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp.

Cùng với kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024 tăng bậc so với năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, Quảng Ninh có số lượng giải cao nhất trong 6 năm gần đây, xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi, tăng 5 bậc so với năm trước.

Bình Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-thanh-qua-an-tuong-cua-nganh-giao-duc-quang-ninh-post694483.html
Zalo