Những 'thanh âm Hà Nội' mới...

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức lễ trao giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc 'Thanh âm Hà Nội', sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Nhìn vào số lượng và chất lượng các tác phẩm tham dự lại càng khẳng định Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận với nhiều tác giả trong dòng chảy âm nhạc Việt.

Như khẳng định của Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại lễ trao giải: "Hà Nội là một trong những địa phương sở hữu nhiều ca khúc hay nhất. Nhiều bài ca mãi vang vọng trong lòng công chúng yêu nhạc. Dù vậy, sáng tác về Hà Nội vẫn là niềm cảm hứng, nỗi đau đáu của nhiều nhạc sĩ, tác giả, đặc biệt là về một Hà Nội đổi mới ngày hôm nay''.

Ban tổ chức trao giải A cho các tác giả.

Ban tổ chức trao giải A cho các tác giả.

Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã nhận được số lượng lớn tác phẩm tham dự. Các tác phẩm tham gia đã bám sát chủ đề, ca từ trong sáng, giàu cảm xúc, giai điệu đẹp, nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt. Quả là như vậy, Hà Nội mến yêu với vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm, nét riêng vừa giản dị quyến rũ, lại chứa đựng trong đó hồn thiêng sông núi đã làm xao xuyến bao tâm hồn nghệ sĩ, để cùng với tài năng đã dệt nên những lời ca giai điệu đi cùng năm tháng.

Biết bao ca khúc, tuyệt phẩm âm nhạc về Hà Nội như "Hướng về Hà Nội" (Hoàng Dương), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Bài ca Hà Nội" (Vũ Thanh), "Trời Hà Nội xanh" (Văn Ký), "Nhớ về Hà Nội" (Hoàng Hiệp), "Nhớ mùa thu Hà Nội" (Trịnh Công Sơn), "Em ơi, Hà Nội phố" (Phú Quang), "Nhớ tuổi thơ tôi Hà Nội" (Nguyễn Cường), "Mùa xuân làng lúa làng hoa" (Ngọc Khuê), "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" (Trương Quý Hải)...

Cuộc thi sáng tác ca khúc "Thanh âm Hà Nội", thêm một lần nữa là cơ hội để các nhạc sĩ thể hiện tình yêu với Thủ đô và đóng góp thêm vào đời sống âm nhạc nhiều tác phẩm mới, xuất sắc. Theo ban tổ chức, được phát động từ tháng 3/2024, nhằm tìm kiếm những tác phẩm âm nhạc mới, có giá trị nghệ thuật về Thủ đô, cuộc thi đã nhận được 196 tác phẩm của 131 tác giả, nhạc sĩ thuộc 24 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.

Chung cuộc, ban tổ chức đã trao 5 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích, 10 giải Phong cách và 1 tác phẩm xuất sắc nhất cho các tác phẩm. 5 giải A thuộc về các tác phẩm "Hà Nội mùa yêu thương" (Vũ Ngọc Đảm), "Hà Nội mùa lá" (Đình Nghĩ), "Hà Nội Thủ đô em mến yêu" (NSƯT Thúy My), "Hồn thiêng Hà Nội" (Nhạc: Quang Huy, Thơ: Ngô Xuân Bính), "Hà Nội... ngày... tháng... năm" (Tạ Duy Tuấn). Trong đó, ca khúc "Hà Nội mùa yêu thương" đồng thời nhận giải thưởng "Tác phẩm xuất sắc nhất" của nhà tài trợ.

Một điều dễ nhận thấy tại cuộc thi sáng tác ca khúc "Thanh âm Hà Nội" năm 2024 là sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tác giả, nhạc sĩ. Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm nhưng có người nhận cú đúp giải thưởng như NSƯT Thúy My với tác phẩm "Hà Nội Thủ đô em mến yêu" (giải A) và "Tự hào Thủ đô mến yêu" (giải khuyến khích). Tác giả Nguyễn Tài Tuấn nhận giải C cho ca khúc "Phố xưa Hà Nội" và giải khuyến khích cho ca khúc "Bâng khuâng Hà Nội". Tương tự, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí cũng nhận giải C cho ca khúc "Động Hương Tích" (phổ thơ Hồ Xuân Hương) và giải phong cách cho ca khúc "Hà Nội vinh quang"...

Điều này cho thấy Hà Nội mãi là nguồn cảm xúc bất tận và dạt dào với mỗi tác giả. Các tác phẩm đều tập trung vào nội dung ca ngợi Thủ đô Hà Nội anh hùng - Thành phố vì hòa bình - Thành phố sáng tạo "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trên chặng đường 70 năm giải phóng, xây dựng, hội nhập và phát triển với những thành tựu to lớn, những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; ca ngợi người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh...

Một điểm đặc biệt nữa tại cuộc thi sáng tác ca khúc năm nay là hầu hết những giải thưởng cao nhất đều thuộc về những người trẻ. Điều này cho thấy ban thẩm định là các nhạc sĩ có uy tín, bề dày kinh nghiệm về học thuật, sáng tác và sản xuất âm nhạc đã rất khách quan, công tâm trong đánh giá tác phẩm. Ngoài ra, kết quả này còn mang đến cho những người yêu nhạc niềm hy vọng, tin tưởng vào sự kế cận xứng đáng của thế hệ trẻ.

NSƯT Thúy My - tác giả nhận 2 giải thưởng cho 2 ca khúc tại cuộc thi năm nay xúc động chia sẻ về ý nghĩa của giải thưởng với một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội như chị. Điều mà NSƯT Thúy My cũng như nhiều nhạc sĩ có mặt tại lễ trao giải mong muốn là làm thế nào để các ca khúc lan tỏa và được phổ biến trong đời sống, để người dân có cơ hội thưởng thức những tác phẩm mới về Hà Nội.

Từ mong muốn ấy, cùng với lễ trao giải, ban tổ chức đã ra mắt tuyển tập "Thanh âm Hà Nội" năm 2024, tuyển chọn 70 tác phẩm tiêu biểu, đạt chất lượng nghệ thuật. Mỗi ca khúc đều có mã QR để công chúng có thể thưởng thức trực tuyến. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh cho rằng, điều này cho thấy sự nhanh nhạy của ban tổ chức, góp phần hữu hiệu trong việc lan tỏa những ca khúc mới tới công chúng. Tuyển tập ca khúc "Thanh âm Hà Nội" thực sự là món quà tinh thần ý nghĩa, thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội): "Hà Nội luôn là đề tài khiến tôi khao khát"

Là một người con của Thủ đô Hà Nội, tôi vui mừng, xúc động xen lẫn tự hào khi là một trong 5 tác giả có tác phẩm được trao giải A tại cuộc thi sáng tác ca khúc "Thanh âm Hà Nội" vào thời điểm Thủ đô tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng. Với ca khúc "Hà Nội, ngày... tháng... năm...", tôi đã kể lại câu chuyện tình yêu của cha mẹ mình.

Ý tưởng về ca khúc đến với tôi vào một buổi chiều, khi bố ngồi trầm ngâm và chia sẻ với tôi kỷ niệm của hai người thuở thanh xuân. Mẹ tôi đã đi xa cách đây mấy năm nhưng những kỷ niệm vẫn đầy ắp trong ông. Mối tình của hai người giữa thời bao cấp khó khăn nhưng đẹp giản dị, trong sáng. Đó là kỷ niệm đạp xe quanh hồ Gươm, qua Hà Nội 36 phố phường... Tôi đặt bút viết những giai điệu, lời ca đầu tiên khi Hà Nội đón cơn gió heo may đầu mùa.

Gắn bó với Hà Nội nên Hà Nội luôn là một miền đề tài khiến tôi khao khát được sáng tạo và bày tỏ tình cảm thông qua âm nhạc. Trong đời sống âm nhạc, đã có nhiều ca khúc hay về Hà Nội của các thế hệ nhạc sĩ đi trước, nhưng tôi tin khi mình viết về Hà Nội bằng tình cảm chân thành, rung động sâu sắc của trái tim thì sẽ được khán giả đón nhận. Với "Hà Nội ngày... tháng... năm...", tôi cảm thấy hạnh phúc khi góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển văn hóa của Hà Nội.

Điều thuận lợi với những nhạc sĩ trẻ như chúng tôi là được sống và tự do sáng tác trong hòa bình, cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Vì thế, khó khăn hay áp lực nếu có là làm thế nào để tận dụng được những thế mạnh thời đại đó để mỗi người không ngừng sáng tạo, tự tìm được chất riêng cho âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm: "Góp phần tô đẹp thêm bức tranh Hà Nội bằng âm nhạc"

Dù không sinh ra tại Hà Nội nhưng hơn 20 năm gắn bó với nơi đây đã đủ để Hà Nội thân thương yêu dấu như quê hương thứ hai trong trái tim tôi. Tôi viết ca khúc "Hà Nội mùa yêu thương" với niềm xúc động trước vẻ đẹp 4 mùa của Hà Nội, đặc biệt là mùa thu. Viết về Hà Nội không dễ vì trước đó đã có nhiều tác phẩm hay, ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Vì thế, trước khi bắt tay vào viết ca khúc, tôi đã lên ý tưởng khai thác Hà Nội ở những khía cạnh nào. Chắt lọc hình ảnh nào để khắc họa được vẻ đẹp đặc trưng riêng có của Hà Nội trong 4 mùa...

Bên cạnh sự chau chuốt về ca từ, tôi chọn giai điệu theo phong cách blue - jazz vì muốn mang hơi thở trẻ trung vào ca khúc. Qua tác phẩm, tôi hy vọng cùng các nhạc sĩ trên khắp cả nước góp phần nhỏ bé tô đẹp thêm bức tranh Hà Nội bằng âm nhạc. Rất vui là ca khúc vừa nhận giải A, vừa là tác phẩm xuất sắc do nhà tài trợ trao tặng. Giải thưởng thực sự là nguồn động viên khuyến khích với những người trẻ chúng tôi thêm tự tin để không ngừng nỗ lực trên con đường nghệ thuật, tiếp bước các nhạc sĩ đi trước, viết nên giai điệu đẹp, ca ngợi Thủ đô hòa bình.

Thảo Duyên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-thanh-am-ha-noi-moi--i746035/
Zalo