Những thách thức mới với các nước đang phát triển do biến động địa chính trị

Các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn như nạn đói, biến động chính trị và khủng hoảng nợ.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Theo bà Ngaire Woods, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Blavatnik thuộc Đại học Oxford, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã làm trầm trọng thêm những vấn đề trên, sau khi các nền kinh tế phát triển áp đặt lệnh phong tỏa do COVID-19, làm giảm doanh thu du lịch và xuất khẩu quan trọng của các nước nghèo.

Hiện nay, hàng triệu người đang rơi vào cảnh đói nghèo. Do đó, các nhà hoạch định chính sách có nhiều điều phải giải quyết - bắt đầu từ việc kiềm chế giá lương thực tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine đã góp phần làm tăng giá lúa mì 67% kể từ đầu năm nay. Các lệnh cấm xuất khẩu do các nhà sản xuất lúa mì khác áp đặt cũng thúc đẩy tăng giá, cùng với đó là trạng thiếu phân bón do nguồn cung từ Belarus và Nga giảm.

Không có gì ngạc nhiên khi nạn đói đang lan rộng. Các quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng là Afghanistan, Congo, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Sudan, Nam Sudan, Syria, Venezuela và Yemen. Bên cạnh đó, các quốc gia phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu cũng đã và đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, như Djibouti, Lesotho, Mozambique, Burundi, Madagascar, El Salvador, Lebanon, Honduras, Eswatini, Guatemala và Namibia.

Giá lương thực tăng và nạn đói khiến bạo loạn và biến động chính trị dễ xảy ra hơn. Ngay cả trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Yemen, Myanmar, Syria và một số nơi khác đã chìm trong khủng hoảng. Vào tháng 3/2022, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở các nước như Cameroon, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và Tây Ban Nha.

Bà Woods cho rằng, sự thiếu hợp tác có lẽ là nguyên nhân dẫn đến nạn đói và xung đột. Đáng ngạc nhiên là dự trữ gạo, lúa mì và ngô toàn cầu - ba mặt hàng chủ lực của thế giới - dường như đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Ngay cả dự trữ lúa mì hiện nay, mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng cao hơn nhiều so với mức trong cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008.

Một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng cũng đang có nguy cơ xảy ra khi nhiều quốc gia thu nhập thấp bị phong tỏa kéo dài do COVID-19, ảnh hưởng bởi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng hơn, doanh thu du lịch giảm, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng, lượng kiều hối sụt giảm và dòng người tị nạn tăng vọt. Nợ của một số nước đang phát triển đã tăng lên mức cao nhất trong 50 năm, vào khoảng 250% doanh thu của chính phủ. Khoảng 60% các quốc gia đủ điều kiện áp dụng Sáng kiến Hoãn thanh toán Nợ của G20 liên quan đến đại dịch đang đối mặt với nguy cơ mắc nợ cao.

Hơn nữa, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng, cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các nước phát triển, đang thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các nền kinh tế đang phát triển, buộc các nước này phải phá giá tiền tệ và tăng lãi suất. Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass gần đây lưu ý: “Chưa bao giờ có nhiều quốc gia trải qua suy thoái kinh tế cùng một lúc”, nhấn mạnh rằng các chính sách kích thích của các nền kinh tế tiên tiến đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, thúc đẩy tăng giá và gia tăng bất bình đẳng trên toàn thế giới.

Những đứa trẻ Nam Phi xếp hàng chờ nhận lương thực cấp phát khi đại dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP

Những đứa trẻ Nam Phi xếp hàng chờ nhận lương thực cấp phát khi đại dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP

Do đó, tìm kiếm một giải pháp toàn cầu cho những vấn đề này hiện là điều quan trọng và cấp bách. Trong các cuộc khủng hoảng nợ trước đây, các nước giàu đã sử dụng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới gây áp lực điều chỉnh đối với các nền kinh tế đang phát triển, cho rằng họ phải tiến hành cải cách trước khi nhận được hỗ trợ. Nhưng các nền kinh tế thu nhập thấp đang mắc nợ ngày nay là mang tính toàn cầu và nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Do đó, IMF và Ngân hàng Thế giới cần phải huy động các nguồn lực cũng như hợp tác để giải quyết chúng.

Tin tốt là những cường quốc trong các tổ chức này đã cho thấy sự hợp tác. Ví dụ, vào tháng 8 năm ngoái, họ đã đồng ý phân bổ 650 tỷ USD mới cho quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tài sản dự trữ của IMF.

Tuy nhiên, vì SDR được phân phối theo hạn ngạch IMF của các quốc gia, nên phần lớn việc phân bổ được chuyển đến các nền kinh tế có quy mô lớn nhất. Tệ hơn nữa, các cổ đông lớn của IMF và Ngân hàng Thế giới đã không thể chuyển nguồn lực đến nơi họ cần nhất. Thay vào đó, để hạn chế khả năng bị tổn thất, họ tiếp tục nhấn mạnh vào các điều kiện vốn ngăn cản việc triển khai nhanh chóng.

Vì vậy, hiện nay cần phải có một cách tiếp cận chung quyết liệt hơn. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Anh phụ thuộc vào an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Họ phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn nạn đói, xung đột và cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển, vốn có nguy cơ đẩy thế giới vào suy thoái. Họ có thể ngăn chặn nạn đói bằng cách phối hợp hành động để làm dịu thị trường lúa mì toàn cầu và các thị trường ngũ cốc khác, cũng như thực hiện các biện pháp để đảm bảo cho xuất khẩu lưu thông. Họ cũng có thể giảm nguy cơ xung đột bằng cách không sử dụng sự hỗ trợ khẩn cấp của IMF và Ngân hàng Thế giới đi kèm với các điều kiện.

Có hai yếu tố cốt lõi để quản lý cuộc khủng hoảng ở các nước đang phát triển hiện nay. Các quốc gia phát triển phải kiềm chế các chính sách thương mại, tài khóa và tiền tệ gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế đang phát triển. Họ phải sử dụng các nguồn lực tổng hợp của mình trong IMF và Ngân hàng Thế giới để hành động nhanh chóng và vô điều kiện nhằm ngăn chặn thảm họa.

Bà Woods kết luận, những thách thức mà các nước nghèo hiện đang phải đối mặt là chưa từng có. Điều đó có nghĩa là phản ứng hợp tác từ các nền kinh tế phát triển cũng phải như vậy.

Công Thuận/Báo Tin tức (Project Syndicate)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-thach-thuc-moi-voi-cac-nuoc-dang-phat-trien-do-bien-dong-dia-chinh-tri-20220422205152834.htm
Zalo