Những thách thức mới của Nga trong xung đột tại Ukraine

Các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow của Ukraine đã đặt Nga vào thế khó.

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi bị Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công, Nga không tỏ ra tìm kiếm cơ hội ngừng bắn mà thay vào đó đang gia tăng áp lực quân sự.

Vào ngày 17/11, Moskva thực hiện một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro nhằm đáp trả việc hành động của Ukraine.

Trong bối cảnh này, các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow của Ukraine đã đặt Nga vào thế khó. Ukraine hiện có thể sử dụng pháo một cách hiệu quả để nhắm vào kho đạn và trung tâm chỉ huy của Nga tại Kursk, đồng thời được Mỹ hỗ trợ mìn chống bộ binh, khiến Nga khó tái chiếm khu vực này.

Trong số các phương án leo thang, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật được xem là đáng lo ngại nhất. Một số nhà phân tích cho rằng, Nga có thể cân nhắc sử dụng hạt nhân không phải khi ở thế yếu, mà khi cảm thấy đang tiến gần đến chiến thắng nhưng bị cản trở bởi các yếu tố bên ngoài như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng hỗ trợ Ukraine.

Dưới đây là video về một tên lửa của Nga bị Ukraine đánh chặn trên bầu trời Kiev ngày 17/11 (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/11, phiên bản sửa đổi học thuyết hạt nhân được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký đã nêu rõ các tình huống cho phép Nga sử dụng kho vũ khí nguyên tử vốn lớn nhất thế giới.

Phiên bản mới này hạ thấp tiêu chuẩn, cho phép Nga có thể đáp trả ngay cả một cuộc tấn công thông thường được hỗ trợ bởi cường quốc hạt nhân. Điều này có thể bao gồm tình huống Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Mặc dù vậy, việc lựa chọn mục tiêu để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân cũng là bài toán khó với Moskva.

Một phương án khác là thực hiện các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hơn vào các thành phố của Ukraine. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các nước phương Tây hỗ trợ quân sự thêm cho Ukraine, như khả năng Đức có thể dỡ bỏ hạn chế đối với tên lửa Taurus – một loại tên lửa có tầm bắn vượt xa ATACMS và Storm Shadow.

Trong bối cảnh không có cơ hội rõ ràng để thay đổi cục diện chiến trường, cũng như khó đạt được đồng thuận về một đường ranh giới ngừng bắn, viễn cảnh cuộc chiến kéo dài không hồi kết được coi là kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong những tháng tới.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo nationalinterest)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-thach-thuc-moi-cua-nga-trong-xung-dot-tai-ukraine-20241125143255175.htm
Zalo