'Những tấm lòng cao cả'
Đến ngôi Nhà thiện nguyện ở Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn), Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, tôi lại nhớ đến tác phẩm 'Những tấm lòng cao cả' của nhà văn Edmondo De Amicis.
Trong ngôi Nhà thiện nguyện ấy thể hiện rõ sự đồng cảm với đồng bào còn nhiều gian khó nơi đây từ những tấm lòng hảo tâm, nhân hậu của nhiều tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc.
Trung tá Xồng Bá Mùa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Càn cho biết: “Nhà thiện nguyện được đơn vị đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 145 triệu đồng, hoàn thành vào tháng 8-2024 với diện tích hơn 350m2. Phía trong được bố trí 3 khu vực: Nhìn từ ngoài vào, gian bên trái là khu vực để áo quần, nhu yếu phẩm; gian giữa được đặt giá sách truyện với gần 200 đầu sách và 6 bộ máy vi tính có kết nối internet; gian bên phải là mô hình “Tủ thuốc biên cương” với một tủ thuốc và một giường khám bệnh. Khu vực sân phía trái bố trí nơi cắt tóc miễn phí và các dãy bàn phục vụ người dân ngồi đọc sách, báo”.

Người dân đến lựa chọn nhu yếu phẩm thiết yếu tại Nhà thiện nguyện ở Đồn Biên phòng Nậm Càn.
Thực hiện mô hình xây dựng Nhà thiện nguyện, để có nguồn lực cho ngôi nhà hoạt động, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiết kiệm chi tiêu hằng tháng, đóng góp một phần kinh phí, phần còn lại là sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà hảo tâm trên cả nước.
Hôm tôi ghé thăm Nhà thiện nguyện thì bắt gặp chị Và Y Rý, ở bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn cùng người dân trong bản đến lựa chọn cho mình những đồ dùng và nhu yếu phẩm thiết yếu. Đi một vòng quanh khu vực treo quần áo, chị lựa chọn một chiếc áo đông xuân màu vàng nhạt, được giặt là sạch sẽ, còn rất mới. Đến gian hàng các nhu yếu phẩm, chị chọn một chai dầu ăn và một gói bột ngọt. “Mình vui vì chọn được đồ dùng ưng ý. Cảm ơn tấm lòng của cán bộ biên phòng Nậm Càn và những nhà hảo tâm”, chị Và Y Rý nở nụ cười tươi tâm sự.
Tại Nhà thiện nguyện, đối với các loại đồ dùng được quyên góp, đồ đã qua sử dụng, khi tiếp nhận về đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn tiến hành kiểm tra chất lượng sử dụng và phân loại. Nếu các sản phẩm có những hư hỏng nhỏ thì đơn vị sửa chữa để sử dụng được, với quần áo cũ thì tổ chức giặt là sạch sẽ trước khi cho người dân lựa chọn.
Vào ngày thứ năm hằng tuần, đơn vị sẽ thông báo cho nhân dân hai bản trong xã là thứ bảy, chủ nhật tuần này sẽ đến lượt người dân của hai bản đến Nhà thiện nguyện lựa chọn các loại hàng hóa theo nhu cầu. Đối tượng đến nhận là các hộ nghèo, cận nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi đợt đến, một người chỉ được lựa chọn từ 2 đến 3 món đồ.
Ở xã Nậm Càn, đồng bào Mông chiếm hơn 95% dân số; đời sống người dân còn nhiều gian khó nên việc tiếp cận với máy tính có kết nối internet và hệ thống sách, báo đa dạng là niềm mong ước của nhiều em học sinh nơi đây. Hiểu được sự gian khó ấy, tại Nhà thiện nguyện, hệ thống máy vi tính có kết nối internet được mở hằng ngày từ 7 giờ đến 21 giờ để nhân dân, học sinh trên địa bàn có nhu cầu đến học thêm máy vi tính, truy cập internet để nghiên cứu tìm hiểu thông tin. Riêng đối với học sinh, đơn vị phối hợp với các nhà trường, thống nhất hướng dẫn, bổ trợ thêm vi tính, đọc sách được bố trí vào buổi chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần. Không gian bên trong khu vực để sử dụng máy vi tính, không gian bên ngoài sân được bố trí 3 dãy bàn ghế để mọi người ngồi đọc sách.
Cứ hằng tuần, vào thứ ba và thứ năm, em Và Y Xì, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Càn lại đến Nhà thiện nguyện để học vi tính và đọc thêm sách tham khảo. Và Y Xì tâm sự: “Đến đây, em được các chú Bộ đội Biên phòng hướng dẫn tra cứu lời giải những bài toán khó trên máy tính và đọc thêm được nhiều sách tham khảo phục vụ cho việc học. Em rất cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện từ các cô chú”.
Những ngày ở Đồn Biên phòng Nậm Càn, xuống các bản trong xã, tôi được nghe người dân kể nhiều về sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ ở Đồn và tính hiệu quả của ngôi Nhà thiện nguyện. Ông Và Nỏ Chá, ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn cho biết: “Có lần mình bị đau bụng, lên Nhà thiện nguyện được quân y của Đồn khám miễn phí và cấp thuốc về uống, thế là bệnh khỏi”. Mô hình “Tủ thuốc biên cương” ở Nhà thiện nguyện là nơi tiếp nhận, bảo quản các loại thuốc chữa bệnh thông thường để quân y đơn vị cấp phát miễn phí cho nhân dân khi cần; khám các bệnh thông thường, hỗ trợ ban đầu các trường hợp tai nạn, bệnh nặng đột xuất trước khi chuyển lên tuyến trên điều trị; tổ chức tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phương pháp ăn ở hợp vệ sinh; phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Đánh giá về mô hình Nhà thiện nguyện ở Đồn Biên phòng Nậm Càn, đồng chí Lầu Bá Xềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn nói: “Nhà thiện nguyện thể hiện truyền thống "hiếu với dân" của Bộ đội Cụ Hồ. Mô hình xuất phát từ trái tim của người chiến sĩ, cộng với lòng hảo tâm trong cả nước chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn trân trọng những tình cảm quý báu ấy”.