Những suất cơm thắm đượm tình người gửi vùng lũ

Giữa mênh mông nước lũ, khi bữa cơm thường ngày bỗng trở thành điều xa xỉ, thì những suất cơm nóng hổi, được nấu vội bằng cả tấm lòng lại trở thành điểm tựa tinh thần cho bao gia đình vùng lũ. Ở đó, trong gian khó, tình người vẫn kịp lên tiếng - giản dị mà ấm áp đến nghẹn lòng.

 Chị em phụ nữ xã Nhân Hòa với những suất cơm ấm nóng tiếp sức cho người dân vùng lũ

Chị em phụ nữ xã Nhân Hòa với những suất cơm ấm nóng tiếp sức cho người dân vùng lũ

Khi bữa cơm trở thành điều xa xỉ

Giữa những ngày mưa lũ dồn dập, khi nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn theo dòng xả lũ của thủy điện, nhiều xóm làng miền Tây Nghệ An rơi vào cảnh ngập sâu, chia cắt. Bếp lửa tắt ngấm, thực phẩm cạn kiệt, bữa ăn thường nhật bỗng trở thành điều xa xỉ đối với hàng trăm hộ dân. Nhưng cũng chính trong thời khắc khốn khó ấy, những bếp ăn nghĩa tình đã âm thầm nhóm lửa - không chỉ để nấu những suất cơm nóng hổi, mà còn để thắp lên niềm tin và hy vọng giữa cơn hoạn nạn.

Tại xã Nhân Hòa, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Cường, chị Thảo ở xóm Cây Chanh những ngày qua chưa lúc nào ngơi tay. Chứng kiến bà con xóm giềng bị cô lập, nhiều gia đình trắng tay vì nước lũ, họ quyết định tự lập bếp ăn tại nhà, bắt đầu từ vài chục suất cơm đầu tiên. "Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là giúp xóm giềng phần nào. Nhưng khi chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người biết tin đã góp gạo, góp rau, gửi tiền từ xa. Tình thương cứ thế lan tỏa, bếp ăn nhỏ của gia đình trở thành điểm hẹn yêu thương của cả cộng đồng", chị Đậu Thị Thảo xúc động kể.

Buổi trưa hôm ấy, ngôi nhà nhỏ bỗng rộn ràng như một ngày hội. 15 người phụ nữ tất bật người rửa rau, nhóm bếp; người đóng hộp, gói ghém cẩn thận từng suất ăn. Khi đồng hồ vừa điểm 12 giờ, 165 suất cơm nóng hổi đã sẵn sàng. Chúng được chuyển lên thuyền, vượt qua dòng nước đục ngầu và len lỏi đến từng hộ dân đang bị cô lập. "Chúng tôi chưa kịp ăn trưa, nhưng chỉ mong bà con không phải chịu đói. Mỗi hộp cơm là một lời nhắn gửi: Mọi người không cô đơn đâu!", chị Thảo bộc bạch.

Một cộng đồng không ai bị bỏ lại

Không chỉ bếp nhà anh chị Thảo Cường, tinh thần tương thân tương ái ấy nhanh chóng lan tỏa khắp xã Nhân Hòa. Hàng loạt bếp ăn tự phát của các chị Hoa Lan, Ngọc Mai, cô Phạm Thị Thùy Linh, bà Hương, chị Huyền Sỹ, anh Nguyễn Hữu Hồng… lần lượt đỏ lửa. Họ không đợi chỉ đạo, không kêu gọi lớn lao - chỉ đơn giản là bắt tay vào làm, nấu cơm bằng cả trái tim.

Trong một ngày, hơn 1.000 suất ăn nghĩa tình được chuyển đến từng cụ già, từng em nhỏ, từng người mẹ đơn thân đang co mình trong mái nhà ngập nước. Những hộp cơm đủ đầy thịt cá, canh rau ấy không chỉ cứu đói - mà còn cứu lấy tinh thần của cả một cộng đồng đang oằn mình chống lũ.

"Sáng nay, bà con xóm Đỉnh Hợp đã nhận được cơm nóng. Tối lại có người đưa tiếp. Ai cũng mong nước rút nhanh để còn dọn dẹp, nhưng giờ đây có cơm ăn là quý lắm rồi. Cảm động lắm, biết ơn lắm những tấm lòng của bà con", chị Hoàng Loan - một người dân vùng lũ nghẹn ngào.

Những suất cơm ấy không chỉ là cơm dẻo, canh nóng mà còn là tình nghĩa xóm làng trong cơn hoạn nạn.

Những suất cơm ấy không chỉ là cơm dẻo, canh nóng mà còn là tình nghĩa xóm làng trong cơn hoạn nạn.

Sự sẻ chia không dừng lại ở những bữa cơm. Tại xã Tương Dương, Hội Nông dân xã nhanh chóng huy động hội viên ra quân hỗ trợ người dân vùng ngập sâu. Hàng chục người không quản mưa gió, đội bùn đi dọn từng căn nhà, dựng lại từng mái tường xiêu vẹo. Đêm xuống, những nồi bánh chưng nghĩa tình lại được nhóm lên, gói vội trong ánh đèn pin, để kịp mang tới sáng hôm sau cho những gia đình chưa có chỗ ở, chưa có bếp để nấu ăn.

Anh Vi Đức Tuấn - Chi hội trưởng Nông dân bản Mon - kể: "Mỗi điểm nấu từ 5-6 người, chủ yếu là các gia đình không bị ảnh hưởng. Ai nấu xong thì chở đến điểm tập trung cho mọi người ăn. Nhìn cảnh đó mới thấy, trong hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm là ngọn lửa không bao giờ tắt".

Chính những việc làm nghĩa tình này đã thắp lên niềm tin, khơi dậy sức mạnh để bà con vùng lũ thêm vững vàng trước thiên tai, tiếp tục dựng xây cuộc sống.

Chính những việc làm nghĩa tình này đã thắp lên niềm tin, khơi dậy sức mạnh để bà con vùng lũ thêm vững vàng trước thiên tai, tiếp tục dựng xây cuộc sống.

Tại xã Lương Sơn (huyện Đô Lương cũ), khi hay tin nước sắp tràn về, Hội Nông dân xã kịp thời huy động lực lượng ra đồng giúp bà con thu hoạch gần 4ha ngô vùng bãi. Chỉ trong một buổi sáng, hàng chục người xắn tay vác từng bao ngô ra khỏi vùng nguy hiểm, cứu vớt thành quả mồ hôi suốt nhiều tháng trời.

Còn tại Nhân Hòa, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương đã giúp hàng trăm hộ dân kịp thời nhận nhu yếu phẩm và áo phao. Trong vòng một ngày, 202 thùng mì tôm, 64 chiếc áo phao đã được chuyển tận tay những gia đình đang kêu cứu giữa biển nước.

Các suất ăn được đóng gói cẩn thận, dùng thuyền vận chuyển đến các điểm ngập lụt.

Các suất ăn được đóng gói cẩn thận, dùng thuyền vận chuyển đến các điểm ngập lụt.

Những bữa ăn giữa ngày đói rét, những cánh tay nối dài, những nụ cười động viên… đã trở thành biểu tượng sống động cho tinh thần đoàn kết và nghĩa tình của người dân miền Trung. Và có lẽ, sau khi nước rút, sau khi bùn đất được dọn sạch, ký ức đọng lại rõ ràng nhất trong tâm trí bà con sẽ không chỉ là cơn lũ - mà là những gương mặt lấm lem, những đôi tay gầy guộc nhưng ấm áp, đã kịp chìa ra giữa những ngày gian khó.

Đình Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-suat-com-tham-duom-tinh-nguoi-gui-vung-lu-20250726120609058.htm
Zalo