Những sự kiện tiêu biểu của ngành tòa án

Năm 2021, ngành tòa án đẩy mạnh cải cách tư pháp, tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến, đưa ra xét xử nhiều đại án tham nhũng.

Năm 2021, TAND các cấp đã thực hiện thành công các giải pháp đột phá, tạo nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Pháp Luật TP.HCM gửi đến bạn đọc những sự kiện tiêu biểu của hệ thống TAND năm 2021.

Tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến

Ngày 12-11-2021, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Để áp dụng thống nhất nghị quyết trên toàn quốc, TAND Tối cao đã tổ chức Hội nghị Triển khai thi hành Nghị quyết 33/2021 và tổ chức lễ ký kết Thông tư liên tịch giữa TAND Tối cao với VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”.

Quảng cảnh một phiên tòa trực tuyến. Ảnh: tapchitoaan.vn

Quảng cảnh một phiên tòa trực tuyến. Ảnh: tapchitoaan.vn

Ngay sau khi Nghị quyết 33 có hiệu lực, các tòa án trên cả nước đã triển khai xét xử trực tuyến.

Ngày 8-1-2022, tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND đặt tại TAND Tối cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên trong đoàn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các phó chánh án TAND Tối cao cùng các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao đã trực tiếp theo dõi, chứng kiến ba phiên tòa trực tuyến.

Các phiên tòa diễn ra tại TAND Cấp cao tại Hà Nội kết nối với TAND tỉnh Lạng Sơn; phiên tòa tại TAND tỉnh Bắc Giang kết nối với trại tạm giam; phiên tòa tại TAND TP Hải Phòng kết nối với UBND TP Hải Phòng.

Mô hình tòa án trực tuyến đã kịp thời thích ứng với tình hình dịch bệnh, đảm bảo hoạt động xét xử. Việc xét xử trực tuyến được áp dụng để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ rõ ràng nhằm bảo đảm thời hạn xét xử đúng hạn luật định; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đang theo dõi phiên xử trực tuyến đầu tiên. Ảnh: tapchitoaan.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đang theo dõi phiên xử trực tuyến đầu tiên. Ảnh: tapchitoaan.vn

Xét xử nhiều đại án tham nhũng

Năm 2021, tòa án các địa phương đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo phạm các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Trong đó phải kể đến các đại án đã được xét xử như: Vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan; vụ án xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM và 18 bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn…

Việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế bảo đảm nghiêm minh; công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đạt hiệu quả hơn; đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

TAND TP.HCM xét xử cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cùng 18 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Ảnh: NGUYỆT NHI

TAND TP.HCM xét xử cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cùng 18 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mở rộng hợp tác quốc tế trong năm đại dịch

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng TAND Tối cao vẫn tích cực, chủ động tham gia các hiệp hội, diễn đàn trong lĩnh vực tư pháp quốc tế trên bình diện đa phương và song phương.

Trong năm 2021, TAND Tối cao đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 bằng hình thức trực tuyến được lãnh đạo và thẩm phán TAND Tối cao các nước ASEAN đánh giá là thành công tốt đẹp.

TAND Tối cao cũng chủ động tham gia các thiết chế tư pháp đa phương, song phương như: Hội đồng Chánh án châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến tại Indonesia; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế (KOICA, JICA, UNDP…) theo đúng tiến độ.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của hệ thống TAND với tòa án các nước trên thế giới. Các thiết chế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, nâng cao vị thế của Việt Nam và hệ thống TAND trên trường quốc tế.

Xây dựng cải cách tư pháp trong tòa án

Năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND Tối cao nhằm định hướng xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Chủ tịch nước đã cùng ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Cũng trong năm 2021, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND Tối cao về quản lý biên chế TAND giai đoạn 2016-2021, đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026 để nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án.

Bổ nhiệm được gần 3.000 hòa giải viên

Thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, TAND Tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thi hành.

Tòa án các cấp đã bổ nhiệm gần 3.000 hòa giải viên, bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện của đơn vị.

Trong năm 2021, ngành tòa án nhận 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện hòa giải, đối thoại. Trong đó, 28.004 vụ việc, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại; đã hòa giải, đối thoại thành 13.279 vụ việc.

Việc thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án đã phát huy tính ưu việt của chế định mới về hòa giải, đối thoại. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, tinh thần “hai bên cùng thắng”, bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực nhà nước đã góp phần giảm tải công việc và áp lực đối với tòa án; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân; đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nhung-su-kien-tieu-bieu-cua-nganh-toa-an-1042982.html
Zalo