Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 9/9 - 14/9
Tổng thống Putin yêu cầu Moscow xem xét hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô cho phương Tây; OPEC+ sẽ bắt đầu bổ sung nguồn cung cho thị trường vào năm 2025... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng quốc tế tuần qua.
Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:
1. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Moscow xem xét hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng như uranium, niken và titan để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bloomberg đưa tin.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng, bao gồm niken, palađi và uranium, không bị hạn chế và tiếp tục chảy sang các quốc gia phương Tây.
2. Giá khí đốt tự nhiên chuẩn tại Mỹ có thể tăng vọt vào năm tới, theo đường cong tương lai của hợp đồng Henry Hub.
Theo dữ liệu của LSEG do chuyên gia Gavin Maguire của Reuters đưa tin, giá khí đốt tự nhiên chuẩn của Mỹ có thể đạt mức trung bình là 3,20 USD cho một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào năm tới.
3. Iraq đã bác bỏ cáo buộc của các Nghị sĩ Quốc hội Mỹ rằng họ đang giúp Iran trốn lệnh trừng phạt bằng cách chuyển một số doanh thu từ dầu mỏ của mình cho các thực thể của Iran.
Tuần trước, năm Nghị sĩ Quốc hội đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden cấm Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq tham dự các sự kiện tại Mỹ vì bị cáo buộc có liên quan đến việc trốn tránh lệnh trừng phạt của Iran.
4. Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ tăng nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc vào tháng 10 sau khi quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này giảm giá dầu bán ra tại Châu Á, các nguồn tin thương mại cho biết.
Vương quốc này dự kiến sẽ vận chuyển tổng cộng 46 triệu thùng dầu thô của mình đến Trung Quốc vào tháng tới, tăng so với ước tính 43 triệu thùng dự kiến sẽ cập cảng quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
5. Xuất khẩu dầu thô của Libya dự kiến sẽ giảm ít nhất 300.000 thùng/ngày vào tháng 9, mặc dù sản lượng có sự phục hồi khiêm tốn.
Các nhà phân tích tại FGE đã báo cáo rằng sản lượng dầu thô của Libya đã tăng khoảng 200.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng, hiện ở mức từ 650.000 đến 700.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu từ miền tây Libya dự kiến sẽ vẫn ở mức tối thiểu do bất khả kháng tại hai mỏ dầu lớn của nước này là El Sharara và mỏ El Feel.
6. Nhóm OPEC+ sẽ bắt đầu bổ sung nguồn cung cho thị trường vào năm 2025, lần đầu tiên kể từ năm 2022, Jim Burkhard, phó chủ tịch nghiên cứu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết tại Hội nghị Dầu mỏ Châu Á - Thái Bình Dương (APPEC).
Tuần trước, liên minh OPEC+ do Ả Rập Xê-út và Nga dẫn đầu đã quyết định hoãn việc nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng dự kiến bắt đầu vào tháng 10.
7. Tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc đã chậm lại do hiệu suất kinh tế yếu hơn và sự chuyển dịch sang xe điện và xe tải chạy bằng nhiên liệu LNG, các giám đốc điều hành ngành dầu mỏ cho biết tại hội nghị APPEC ở Singapore.
Hiện tại, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc đã chậm lại còn khoảng 200.000 thùng mỗi ngày, so với mức tăng trưởng 500.000 - 600.000 thùng/ngày trong năm trước COVID, Daan Struyven, giám đốc nghiên cứu dầu mỏ của Goldman Sachs, cho biết.