Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 30/9 - 5/10

Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ đạt mức cao nhất trong hai năm rưỡi; Nhật bản đặt mục tiêu khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:

1. Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi do mùa bảo trì ở Châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu từ các nguồn khác.

Xuất khẩu các loại nhiên liệu như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực của Ấn Độ trong tháng 9 đã tăng 39% so với một năm trước đó.

2. Bahlil Lahadalia, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, cho biết Indonesia đã yêu cầu tập đoàn ExxonMobil của Mỹ nâng sản lượng dầu thô tại nước này lên 150.000 thùng/ngày vào năm 2026, tăng từ mức 125.000 thùng/ngày.

Lahadalia, người đã đến thăm Lô Cepu ở Đông Java – dự án thượng nguồn hàng đầu của Exxon – đã kêu gọi ông lớn năng lượng Mỹ tăng sản lượng để giúp nước này giảm thâm hụt ngân sách và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

3. Nhật Bản đặt mục tiêu tiếp tục khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và tăng cường công suất năng lượng tái tạo, tân Bộ trưởng công nghiệp của nước này cho biết Chính phủ mới sẽ không có thay đổi đáng kể chính sách năng lượng hiện nay của nước này.

Trước đó, tân Thủ tướng Shigeru Ishiba, người đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đã phản đối việc khôi phục hạt nhân trong giai đoạn đầu chiến dịch tranh cử của mình.

4. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng dầu tháng 9 của OPEC giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, ở mức 26,14 triệu thùng/ngày, giảm gần 400.000 thùng/ngày so với tháng trước, chủ yếu do khủng hoảng ở Libya.

Theo khảo sát của Reuters, trong tháng 8, OPEC đã khai thác nhiều hơn 390.000 thùng/ngày so với tháng 9, trong đó Libya chiếm khoảng 300.000 thùng/ngày và Nigeria chịu trách nhiệm khai thác 40.000 thùng/ngày. Iraq tiếp tục khai thác vượt hạn ngạch ở mức 90.000 thùng/ngày.

5. Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Nga mới được công bố, ngân sách Nga thu được từ việc bán dầu và khí đốt đã giảm 0,9% trong tháng 9 so với tháng trước.

Ngân sách Nga nhận được 8,13 tỷ USD (771,9 tỷ ruble) từ việc bán dầu và khí đốt vào tháng trước, theo dữ liệu mà hãng Reuters có được.

6. Sau một năm đàm phán, công ty dầu mỏ ADNOC của Abu Dhabi đã đồng ý mua lại công ty hóa chất khổng lồ Covestro của Đức trong một thỏa thuận trị giá 16,3 tỷ USD (14,7 tỷ euro) bao gồm cả nợ.

ADNOC đưa ra lời đề nghị mua lại với giá 68,86 USD (62,00 euro) cho mỗi cổ phiếu Covestro, mức giá này đã được công ty hóa chất chấp nhận.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-309-510-718586.html
Zalo