Những sinh vật bí ẩn dưới đáy đại dương

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những sinh vật bí ẩn dưới đáy đại dương khiến bạn vừa thích thú lại vừa sợ hết hồn.

Bạch tuộc thủy tinh

Theo Live Science, các nhà nghiên cứu từ Viện Đại dương Schmidt (SOI) đã công bố cảnh quay về một con bạch tuộc thủy tinh (Vitreledonella richardi) ngoài khơi quần đảo Phoenix xa xôi, cách thành phố Sydney của Australia 5.100 km về phía đông bắc.

Giống như những sinh vật thủy tinh khác, chẳng hạn như ếch thủy tinh và sứa lược, bạch tuộc thủy tinh gần như hoàn toàn trong suốt, chỉ có đôi mắt, dây thần kinh thị giác và ống tiêu hóa là hiện rõ.

Cá voi biến đổi hình dạng

Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) từng công bố cảnh quay cho thấy một con cá voi cái, màu cam rực rỡ đang bơi ở độ sâu khoảng 2.013m, ngoài khơi Vịnh Monterey, California, Mỹ.

Con cá thuộc bộ Cetomimiformes, là 1 trong tổng số 18 lần hiếm hoi các nhà khoa học của Viện nghiên cứu bắt gặp loài này trong suốt 34 năm thám hiểm dưới đáy biển sâu.

Lợn biển

Sứa ma khổng lồ (trái) và lợn biển.

Sứa ma khổng lồ (trái) và lợn biển.

Trang Sciencealert cho biết, lợn biển là một loài hải sâm biển sâu, cũng thuộc họ Elpidiidae. Chúng bụ bẫm, múp míp và thường có màu hồng. Chúng di chuyển bằng những đôi chân mập mạp nhỏ nhắn đáng yêu.

Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về những sinh vật kỳ lạ này, bởi sự sống dưới đáy đại dương cực kỳ đa dạng và chúng ta hầu như chưa biết gì về nơi đây.

Vùng biển Clarion-Clipperton đã từng được khai thác mỏ, một hoạt động có thể tàn phá môi trường sống của sinh vật biển sâu. Theo các nhà nghiên cứu, hiện có khoảng 30% các khu vực biển nằm trong diện bảo vệ, nhưng cần xác định thêm để biết liệu đã đủ để bảo vệ những sinh vật biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng hay chưa.

Mực ngoài hành tinh

Các nhà khoa học của NOAA vào tháng 11 đã phát hiện một con mực vây lớn quý hiếm (thuộc chi Mangapinna) trong chuyến thám hiểm biển sâu ở Vịnh Mexico.

Loài mực ma quái có một cơ thể rất kỳ lạ với những chiếc vây khổng lồ, óng ánh và những chiếc xúc tu có phần uốn cong như khuỷu tay.

Cho đến nay, chỉ có chưa đến 20 trường hợp nhìn thấy loài mực này được xác nhận kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998.

Sứa ma khổng lồ

Các nhà khoa học của MBARI đã phát hiện một con sứa ma khổng lồ ở độ sâu khoảng 975m tại Vịnh Monterey, California, Mỹ.

MBARI cho biết, con sứa ma khổng lồ đầu tiên được phát hiện vào năm 1899. Kể từ đó, các nhà khoa học chỉ nhìn thấy loài vật này khoảng 10 lần. Mặc dù hiếm khi được phát hiện, nhưng loài sứa này đã được tìm thấy ở đáy sâu của mọi đại dương trên thế giới, ngoại trừ Bắc Băng Dương.

Hạ An (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-sinh-vat-bi-an-duoi-day-dai-duong-ar913442.html
Zalo