Những quyết định lịch sử làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975

Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo Đảng, quân và dân ta thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ đây, đất nước được độc lập, non sông nối liền một dải, cả nước cùng bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Góp phần làm nên thắng lợi “thần tốc” đó chính là những quyết định mang tính lịch sử vào những thời khắc quyết định.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy quân Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy quân Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu

Từ hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm và cuối cùng là ngay trong tháng 4/1975

Nửa cuối năm 1974, khi chiến trường có những chuyển biến mau lẹ, Đảng ta triệu tập hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên cần có thêm thời gian đánh giá kỹ lưỡng tình hình, để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ, khoa học, bảo đảm chắc thắng. Bộ Chính trị quyết định, ngay đầu mùa khô 1974 - 1975, ta phải đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên toàn chiến trường miền Nam. Trong đó, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm nhiều mục đích, trong đó có thăm dò khả năng can thiệp của Mỹ, khả năng ứng phó của quân đội Sài Gòn. Chiến dịch diễn ra từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975 thì giành thắng lợi, ta giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Chính quyền Sài Gòn bất lực, chấp nhận “bỏ rơi” Phước Long, còn Chính phủ Mỹ chỉ tuyên bố đe dọa ngoại giao. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam. Ngày 8/1/1975, Hội nghị nhận định: Tình thế cách mạng đang chín muồi. Một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu sẽ diễn ra và sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền miền Nam là không thể tránh khỏi. Hội nghị “khẳng định quyết tâm chiến lược hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, xác định nhiệm vụ, mục tiêu và các bước thực hiện” (1). Và dự kiến: “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975” (2).

Nắm vững thời cơ cách mạng đang đến, Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở chiến dịch Tây Nguyên. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội. Đến đầu tháng 3/1975 mọi yêu cầu của chiến dịch đã được đảm bảo, ta “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột (10/3/1975), gây phản ứng dây chuyền về quân sự, chính trị trong quân đội và bộ máy chính quyền Sài Gòn, khiến lực lượng quân sự địch “triệt thoái” khỏi Tây Nguyên và sau đó là Thừa Thiên - Huế. Quân ngụy có ý định thực hiện rút lui chiến lược lớn trên các địa bàn để về giữ Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 24/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, đặt ra yêu cầu cao hơn, giải phóng Sài Gòn sớm hơn dự kiến trước đây. Đến ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”, thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn chín muồi, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành toàn thắng trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều… Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm (3).

Quyết tâm trong Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tầm nhìn chiến lược chủ quyền biển đảo

Hiện thực hóa chủ trương giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, ngày 8/4/1975 ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm các tướng lĩnh: Văn Tiến Dũng (Tư lệnh); Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn (Phó Tư lệnh); Phạm Hùng (Chính ủy); Lê Ngọc Hiển (Tham mưu trưởng).

Sau đó, có nhiều ý kiến đề nghị nên lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch tiến công vào Sài Gòn. Bộ Tư lệnh Chiến dịch thấy ý kiến này rất hợp với tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã nhất trí điện ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Chính trị. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị trên. Cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ chiến sĩ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi “lời hịch” của Bác Hồ: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Trước sức mạnh tiến công như vũ bão, từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975 trên 5 hướng quân ta ào ạt tiến về Sài Gòn, nhanh chóng chiếm được Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, tiến vào Dinh Độc lập bắt toàn bộ nội các chính quyền tay sai. 11 giờ 30 phút, Cờ Giải phóng tung bay trên Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!

Cùng với giải phóng trên đất liền, tại cuộc họp ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị đã đồng ý với kiến nghị của Quân ủy Trung ương và được ghi vào nghị quyết: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”(4). Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức “mật điện” số 990B/TK “chỉ cán bộ có trách nhiệm biết”, sau đó cấp tốc chuyển đến đồng chí Võ Chí Công - Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân - Tư Lệnh Quân khu 5: giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng Quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng. Mệnh lệnh được thi hành ngay tức khắc. Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai kế hoạch tác chiến. Từ sáng 11/4/1975, lực lượng ta bí mật rời quân cảng Đà Nẵng ra đánh chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa với phương châm tác chiến “bí mật, bất ngờ tấn công”. Đến ngày 28/4/1975, Sau gần 20 ngày chuẩn bị và chiến đấu, phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo, lực lượng được cử đi giải phóng đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể khẳng định Đại thắng mùa Xuân 1975 bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng giữ vai trò quan trọng đó chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta kịp thời đưa ra những quyết định lịch sử phù hợp với thế và lực của cách mạng, chúng ta đã biết tạo và chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi trọn vẹn. Những bài học kinh nghiệm này, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.187

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội 2006, tr.1215

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.96

(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 295

Nguyễn Ngọc Toán

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-quyet-dinh-lich-su-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-10302661.html
Zalo