Những quy định mới về phòng thủ dân sự

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, Bộ Quốc phòng đề xuất xử phạt đến 75 triệu đồng đối với vi phạm về phòng thủ dân sự.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025) đã quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm và 3 nhóm nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng thủ dân sự, tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Tại dự thảo nghị định, Bộ Quốc phòng đề xuất quy định xử phạt vi phạm về phòng thủ dân sự, cụ thể như sau:

Vi phạm quy định về điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản tham gia hoạt động phòng thủ dân sự bị phạt đến 15 triệu đồng

 Quân đội huy động lực lượng ứng phó với bão số 3 ở miền Bắc, tháng 9-2024. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quân đội huy động lực lượng ứng phó với bão số 3 ở miền Bắc, tháng 9-2024. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo dự thảo, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi trốn tránh, không chấp hành quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị tài sản tham gia hoạt động phòng thủ dân sự của cấp có thẩm quyền; Phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng đối với hành vi cản trở thực hiện quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị tài sản tham gia hoạt động phòng thủ dân sự của cấp có thẩm quyền. Hành vi chống đối thực hiện quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị tài sản tham gia hoạt động phòng thủ dân sự của cấp có thẩm quyền bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Vi phạm quy định về tập trung huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự bị phạt 3 - 15 triệu đồng

Theo dự thảo, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định huy động tham gia huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng; Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thời gian cho người được huy động tham gia huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền.

Vi phạm quy định về hoạt động phòng thủ dân sự bị phạt đến 75 triệu đồng

Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Đưa thông tin sai sự thật về sự cố, thảm họa; không chấp hành sự chỉ đạo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự; Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở, cố ý trì hoãn thực hiện sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự.

Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

1- Không chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự.

2- Chống đối thực hiện sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự.

3- Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phạt đến 50 triệu đồng vi phạm quy định về quản lý trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự

Theo dự thảo, phạt tiền từ 8-10 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng.

Vi phạm quy định về sử dụng trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự bị phạt đến 10 triệu đồng

Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng. Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với hành vi cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự.

Luật Phòng thủ dân sự nêu rõ: Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.

BAN CTBĐ - CTXH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-quy-dinh-moi-ve-phong-thu-dan-su-post767160.html
Zalo