Những phiên tòa không ồn ã

Ngày càng có nhiều phiên xử ly hôn không có sự đối chất, không còn tiếng cãi nhau về lỗi lầm mà thay vào đó là sự im lặng kéo dài

Tại phòng xử án của TAND TP HCM, các phiên xét xử ly hôn vẫn diễn ra đều đặn. Hồ sơ chất đống nhưng ghế ngồi của các đương sự thì trống trơn. Từ tháng 6-2024 đến nay, trong số 8 phiên tòa ly hôn mà chúng tôi theo dõi, có đến 7 phiên vắng mặt cả nguyên đơn lẫn bị đơn và phiên còn lại chỉ có mặt bị đơn - người vợ. Những cặp vợ chồng từng gắn bó không có mặt tại tòa, họ không muốn đối diện và cũng chẳng màng đến việc giải quyết những gì từng được xem là tổ ấm của mình.

Lý do ly hôn gói gọn trong 6 chữ

Có những lá đơn ly hôn nằm trên bàn thẩm phán chỉ vỏn vẹn vài dòng lý do, gói gọn trong 6 chữ: "Mục đích hôn nhân không đạt". Lý do ấy xuất hiện nhiều đến mức trở thành công thức quen thuộc.

Trong những góc phòng xử án lặng lẽ ấy, thường chỉ có người đại diện pháp lý thay mặt đôi bên hoàn tất các thủ tục. Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút. Không có những lời cãi vã, cũng chẳng có những tiếng khóc than, oán hờn. Mọi thứ diễn ra chóng vánh như thể tất cả đã nguội lạnh từ rất lâu. Dù ẩn sâu trong đó có vô số nỗi đau, những tiếng thở dài của bao người đã chọn bước lùi khỏi cuộc sống chung.

Một thẩm phán trầm ngâm nói: "Nhiều cặp vợ chồng trẻ giờ không còn mặn mà với hôn nhân. Họ dễ dàng kết hôn nhưng cũng dễ dàng chấm dứt mối quan hệ vợ chồng khi vừa gặp phải vài vấn đề trong cuộc sống". Nhưng điều khiến ông day dứt hơn cả không chỉ là sự tan vỡ mà còn là sự thờ ơ của người trong cuộc đối với cuộc hôn nhân của chính họ.

Giữa tháng 9-2024, tại một phiên tòa ly hôn như thế, cả nguyên đơn, bị đơn đều là những người còn rất trẻ. Họ đồng thuận một cách nhẹ nhàng và rồi cuộc hôn nhân kết thúc, khép lại một hành trình tưởng như đã gắn bó mà hóa ra lại hết sức mong manh.

Nguyên đơn trong vụ tranh chấp ly hôn này là anh H.K.C (37 tuổi), bị đơn là chị P.L.T (32 tuổi). Khi anh C. và chị T. bước vào ngưỡng cửa hôn nhân năm 2019, họ đã có những hy vọng, ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng chỉ sau 2 năm, những mâu thuẫn bắt đầu len lỏi vào cuộc sống hằng ngày. Khác biệt trong quan điểm sống, những điều nhỏ nhặt dần dần tích tụ thành những khúc mắc lớn.

Trong đơn ly hôn, nguyên đơn kể rằng trong khi anh coi trọng việc xây dựng một tổ ấm ổn định thì vợ lại chú trọng sự nghiệp và phát triển cá nhân. Trong khi anh luôn muốn thảo luận để chấm dứt những mâu thuẫn của cả hai thì vợ chỉ giữ im lặng hoặc tránh né tranh luận. Trong khi anh muốn có con và sống tại Việt Nam thì vợ lại ôm ấp giấc mộng "tha hương". Đến năm 2021, họ đã không còn sống chung, mỗi người có riêng cho mình một thế giới khác.

Sau biến cố của hôn nhân, chị T. thực hiện ước mơ đến sống và làm việc tại Nhật Bản. Trong bản tự khai ngày 5-7-2024, chị trình bày rằng sau thời gian tìm hiểu, hôn nhân của họ đã không thể hàn gắn. "Dù cả hai đã cố gắng hàn gắn nhưng tình cảm vợ chồng đã phai nhạt" - chị viết ngắn gọn. Anh C. cũng không khác gì. Anh viết anh nhận ra không thể tiếp tục cuộc sống chung với chị T. nên anh khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết cho mình được ly hôn, vì: "Chúng tôi đã hết tình cảm, không còn khả năng quay lại". Lá đơn ly hôn chỉ vỏn vẹn vài dòng thừa nhận đau đớn về một cuộc hôn nhân không đích đến.

Trước khi mở phiên tòa, cả nguyên đơn và bị đơn đều có văn bản đề nghị tòa án xét xử vắng mặt. Sự thờ ơ này như thể càng khẳng định cả hai đã quá mệt mỏi với những ràng buộc mà hôn nhân mang lại. Nhìn vào những dòng chữ tự khai trên 2 tờ giấy vô hồn, tòa án ghi nhận đôi vợ chồng trẻ đã thuận tình ly hôn.

Trong phiên tòa ly hôn diễn ra lặng lẽ ấy, phán quyết của tòa cũng được đưa ra một cách dễ dàng vì cả hai không có con chung, không có tài sản để tranh chấp; không có căng thẳng, cũng không có những giọt nước mắt. Nhưng giữa không gian tĩnh lặng ấy, một nỗi niềm sâu thẳm vẫn hiện hữu, như một dư âm khó quên: Những người từng theo đuổi nhau với bao kỳ vọng khi bắt đầu, giờ đây lại chọn cách quay lưng, lẩn tránh nhau khi đến đoạn cuối. Phiên tòa tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại đầy ám ảnh về những điều đã mất.

Ảnh minh họa AI: Ý LINH

Ảnh minh họa AI: Ý LINH

Không đích đến

Đọc hồ sơ của những vụ kiện như thế càng thấy rõ hơn nỗi cô đơn trong những cuộc hôn nhân hiện đại. Có những người nộp đơn chỉ sau vài tháng sống chung, vì không thể tìm thấy tiếng nói chung hay vì những bất đồng nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày. Có những vụ ly hôn khi đứa trẻ mới ra đời, kéo theo đó là tranh chấp quyền nuôi con và những khoản tiền trợ cấp nhưng cha mẹ chúng lại hoàn toàn phó mặc cho tòa án.

Ở một phiên xử như thế, người phụ nữ trẻ đã đến tòa một mình. Chồng cô không có mặt, lý do là "không còn gì để nói". Vậy mà chỉ vài năm trước, họ đã tay trong tay rạng rỡ bước vào lễ đường. Cô ngồi im lặng, không rơi giọt nước mắt nào. Tòa hỏi những câu quen thuộc, cô trả lời đơn giản, gói gọn trong 6 chữ: "Mục đích hôn nhân không đạt". Sau khi phiên xử kết thúc, cô đứng dậy, ký vào biên bản rồi rời đi. Bóng dáng nhỏ nhắn ấy biến mất nhanh chóng giữa dòng người đông đúc bên ngoài tòa án.

Những phiên xử ly hôn không có sự đối chất, không còn tiếng cãi nhau về lỗi lầm mà thay vào đó là sự im lặng kéo dài. Mỗi lần nhìn vào những bộ hồ sơ như vậy, có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi liệu điều gì đã khiến những người từng yêu nhau lại chọn cách chia xa một cách lạnh lùng đến thế? Phải chăng họ đã quá mệt mỏi, để đến cuối cùng, cả sự xuất hiện tại phiên tòa cũng trở nên không cần thiết?

Kết thúc mỗi phiên xử, hồ sơ vụ kiện được đóng lại. Những cuộc hôn nhân không đích đến, chỉ còn là ký ức nhạt nhòa trong những căn phòng lạnh lẽo. Họ từng là gì của nhau? Điều đó có lẽ chỉ còn lại trong ký ức của mỗi người, còn cuộc sống phía trước lại tiếp tục trôi, không đợi chờ ai cả.

Người ta nói rằng hôn nhân là một hành trình dài, cần nhiều cố gắng và vun đắp từ cả hai phía. Nhưng có những cuộc ly hôn chóng vánh, không đến đích. Nhiều người đã dừng lại giữa chừng vì chẳng còn muốn cố gắng nữa hay vì họ đã quên mất tại sao mối quan hệ giữa cả hai bắt đầu (!?).

TRẦN THÁI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-phien-toa-khong-on-a-196241004213526587.htm
Zalo