Những phát hiện mới về cuộc đời, sự nghiệp của vua Lý Nam Đế

Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà nước Vạn Xuân - sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, do nguồn sử liệu ít ỏi, trải qua gần 1.500 năm, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vua Lý Nam Đế vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ.

Huyện Thái Bình ở đâu?

Tại cuộc hội thảo khoa học mới đây về dấu ấn của Lý Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân trên địa bàn huyện Hoài Đức, các nhà khoa học lịch sử đã thống nhất: Lý Bí sinh ra ở châu Dã Năng, nay thuộc thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và ở đó đến năm 13 tuổi. Sau đó, Lý Bí được một vị sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo ở Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội). Cuộc đời Lý Bí gắn bó với đất Giang Xá suốt thời niên thiếu đến lúc trưởng thành. Còn động Khuất Lão (địa danh nằm ở khu 10, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay) chính là nơi mất, nơi an nghỉ cuối cùng của Đức vua Lý Nam Đế.

Trong ba địa phương kể trên, Hoài Đức là nơi lưu giữ nhiều nhất dấu ấn liên quan đến Lý Nam Đế và các tướng lĩnh của ông. Theo đó, “làng Giang Xá luôn được coi là quê hương thứ hai của Đức Vua và là trung tâm tụ hội nhân tài, vật lực vào thế kỷ VI”.

 Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức vua Lý Nam Đế tại Lễ kỷ niệm 1480 năm thành lập Nhà nước Vạn Xuân.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức vua Lý Nam Đế tại Lễ kỷ niệm 1480 năm thành lập Nhà nước Vạn Xuân.

Cũng tại hội thảo này, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu lên một vấn đề rất đáng chú ý, đó là cần xác định rõ hai địa danh: Thái Bình và Long Biên (thời Đường) ở đâu? Theo GS. Ngọc, sử chép khá rõ ràng và thống nhất “Lý Bí quê ở huyện Thái Bình và cuộc khởi nghĩa Lý Bí cũng nổ ra ở huyện Thái Bình. Sau khi thành lập nhà nước Vạn Xuân thì đóng đô ở Long Biên”. GS. Ngọc lưu ý, đây là huyện Thái Bình thời Đường, không phải những địa danh có tên Thái Bình sau này.

Dẫn ra nghiên cứu của cố GS. Đào Duy Anh nhận định, huyện Thái Bình chính là vùng đất phía Tây Hà Nội, trải dài lên tận Sơn Tây ngày nay, GS. Ngọc nhấn mạnh, trung tâm của huyện Thái Bình chính là miền đất Giang Xá - đây cũng chính là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Còn thành Long Biên được xác định ở Hồ Khẩu, là khu vực Thụy Khuê ngày nay. Từ đó, GS. Ngọc cho rằng, có thể Giang Xá mới chính là quê hương gốc nhiều đời của Lý Nam Đế, còn Phổ Yên chỉ là nơi Lý Bí sinh ra và lớn lên đến năm 13 tuổi. Đồng thời, cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc, GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, Lý Nam Đế là người đầu tiên đưa kinh đô về vùng đất Thăng Long sau này.

“Tiền thân của kinh đô Thăng Long hay là người mở đầu, khai mở truyền thống Thăng Long bắt đầu từ Lý Nam Đế, không phải là Lý Thái Tổ. Lý Thái Tổ chỉ là người tiếp nối thôi. Như vậy, người Việt mở ra miền đất Thăng Long từ trước, sau đó chính quyền đô hộ mới lập ra Tống Bình, Đại La. Lý Nam Đế là người đi trước, mở ra truyền thống kinh đô Thăng Long” - GS. Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhận định, việc Lý Nam Đế cho đóng đô ở khu vực cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ chứng tỏ ngay từ thế kỷ thứ VI, ông đã sớm nhận ra vị trí trung tâm của vùng đất Hà Nội xưa.

Nghiên cứu của nhiều nhà khoa học khác cũng cho thấy, ở ngoại thành Hà Nội có rất nhiều điểm di tích liên quan đến Lý Nam Đế (69/80 điểm thờ phụng trên cả nước). Trong đó, riêng khu vực huyện Hoài Đức đã có hàng chục điểm di tích tiêu biểu về Lý Bí và các thuộc tướng của ông. Theo TS. Nguyễn Văn Bảo (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học), tại khu vực Lưu Xá (gồm 3 làng Giang Xá, Lưu Xá, Lũng Kinh hiện nay và một số làng xã phụ cận của huyện Hoài Đức) vẫn còn rất nhiều địa danh ghi dấu về cuộc kháng chiến của Lý Bí như: Gò Mũi Mác là trạm gác của đại bản doanh; Gò Cờ là nơi cắm cờ; gò Tấu Thư là nơi tiếp nhận văn thư; gò Ấn là nơi giữ con dấu; gò Lương Y là nơi để lương thực và thuốc men; chùa Đúc là nơi đúc và sản xuất các loại vũ khí; vườn Quán là khu vực nhà bếp và nhà ăn... Đặc biệt, tất cả những dấu tích đại bản doanh Lý Nam Đế ở Lưu Xá vẫn được thờ phụng tôn nghiêm cho đến ngày nay.

Những “di sản” to lớn Lý Nam Đế để lại cho hậu thế

Các nhà khoa học đều đánh giá sự nghiệp to lớn của Lý Nam Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt nêu bật lên ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo, đập tan ách đô hộ của nhà Lương năm 542. Đồng thời, việc ông sai Phạm Tu đi đánh quân Lâm Ấp ở phía Nam đã khẳng định ý thức chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, xếp đặt triều nghi hai ban văn võ, lập điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, bước đầu xác lập một mô hình nhà nước quân chủ sơ khai.

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), việc Lý Bí xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng đã nói lên sự “trưởng thành của ý thức dân tộc”, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự mình vươn lên, là sự khẳng định dứt khoát rằng nước Việt là một thực thể độc lập, “người dân Việt là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Nam Đế chính là người khởi đầu cho ý thức tự chủ của dân tộc Việt khi ông xưng là Hoàng đế, ngang hàng với triều đại phong kiến Trung Hoa. Đáng chú ý, sau sự kiện Lý Bí xưng đế, danh xưng Hoàng đế của các vị quân chủ Việt Nam tồn tại suốt các triều đại cho đến tận thời Bảo Đại. Từ đó, ông Dương Trung Quốc đề nghị, trong các văn bản chính thống, phải gọi các vị đứng đầu triều đại phong kiến Việt Nam là Hoàng đế và đây sẽ là “ngôn từ chính thống”.

Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long - mảnh đất mà sau này muôn đời là kinh sư - thì có một lý do, đó là ông tiếp nhận một “di sản” mà Lý Nam Đế để lại ở vùng đất này - đó là chọn kinh đô ở khu vực cửa sông Tô Lịch.

 Màn múa rồng đẹp mắt tại Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng để và thành lập Nhà nước Vạn Xuân.

Màn múa rồng đẹp mắt tại Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng để và thành lập Nhà nước Vạn Xuân.

Trong khi đó, GS.TS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, thành lập Nhà nước Vạn Xuân đã khiến chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc thay đổi. Từ sau khởi nghĩa Lý Bí, rõ ràng đã có sự nhượng bộ của chính quyền đô hộ. “Khởi nghĩa Lý Bí không phải là cuộc nổi dậy thông thường mà nó đánh dấu một bước ngoặt, chuyển sang một hình thế mới trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Việc nước ta giành được độc lập vào thế kỷ thứ VI đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, để làm nền tảng cho các phong trào sau đó hướng tới giành độc lập hoàn toàn” - GS.TS. Vũ Minh Giang phát biểu.

Từ những nghiên cứu, phát hiện mới về cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân, PGS.TS. Trần Đức Cường kiến nghị tiếp tục nghiên cứu để có thêm những tư liệu xác đáng, để có những chương trình bảo tồn, phát huy di sản của Đức vua Lý Nam Đế để lại. Về phía GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, ông cho rằng, sự kiện Lý Nam Đế thành lập Nhà nước Vạn Xuân là “sự kiện vô cùng quan trọng”, vì thế cần nâng tầm lễ kỷ niệm ở tầm quốc gia hoặc ít ra cũng ở cấp Thành phố.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-phat-hien-moi-ve-cuoc-doi-su-nghiep-cua-vua-ly-nam-de-post285347.html
Zalo