Những nuối tiếc bỏ ngỏ của đệ tử 'nàng tiên nâu' tại cơ sở cai nghiện
Bị bạn bè rủ rê, không làm chủ được mình rồi sa chân vào con đường nghiện ngập khiến họ mất đi công việc, người yêu và hiện đang phải cai nghiện để mong làm lại cuộc đời.
Cai nghiện ma túy mong làm lại cuộc đời
Anh Nguyễn Ngọc H. (SN 1994), trú tại phường Hải Thượng, Tx.Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang cai nghiện cùng hơn 500 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa.
H. kể, năm 2017, khi mới 20 tuổi, trong một lần đi chơi, được bạn bè rủ rê, thanh niên này đã thử và dính vào ma túy. Lần đầu, H. nghĩ chỉ chơi cho vui, lâu dần trở thành con nghiện.
Khi mới dính vào ma túy, sức khỏe chưa bị ảnh hưởng nhiều, H. vẫn đi làm thuê để lấy tiền hút chích. Rồi càng chơi càng nghiện, sức khỏe suy giảm, H. đã bỏ việc ở nhà.
Mỗi khi lên cơn, H. lại xin gia đình tiền để thỏa cơn nghiện. Khi gia đình không đáp ứng được yêu cầu nữa, H. sa vào con đường trộm cắp. Trong một lần trộm điện thoại, H. bị bắt và bị tuyên án hình phạt tù.
Năm 2017, H. bị đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa. Sau 2 năm cai nghiện, H. đã cắt được cơn, không còn thèm thuốc và được trở về với gia đình.
Một thời gian sau, do tụ tập với bạn bè xấu, bị rủ rê, H. lại tiếp tục tái nghiện. Và đây là lần thứ hai, nam thanh niên này buộc phải quay lại đây để cai nghiện.
"Em thấy mình đã làm khổ gia đình, bản thân mất mát nhiều thứ, mất tuổi trẻ và tất cả. Khi chơi ma túy, bị mọi người biết nên em sống khép kín, xa lánh mọi người", anh H. chia sẻ.
Theo anh H., sau khi ra cơ sở cai nghiện, do không có việc làm, bị bạn bè rủ rê, dù rất quyết tâm nhưng bản thân lại tái nghiện. Dù đã lần thứ hai vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng H. cũng chưa dám chắc sau khi trở về cộng đồng mình có từ bỏ được ma túy hay không (!?).
Cũng giống như H., Nguyễn Văn T. (SN 1993), trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang phải cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa.
T. là con út trong gia đình có 4 anh chị em, bố đã mất, chỉ còn mẹ già. Trước khi dính vào ma túy, T. đã từng làm nhân viên văn phòng tại công ty may, có người yêu như bao bạn bè trang lứa.
T. kể, trong một lần cách đây 3 năm, bị bạn bè rủ rê nên dính vào ma túy đá. Khi mới chơi, T. cảm thấy tinh thần phấn khích. Càng dính sâu vào ma túy, sức khỏe của T. ngày càng suy kiệt, mất việc làm và mất luôn cả người yêu.
Không còn việc làm, không có tiền, để thỏa cơn nghiện, T. lại đi trộm cắp tài sản để lấy tiền chơi ma túy.
Theo T., khi chơi ma túy đá vào thì người không muốn ăn uống, thức thâu đêm, không có cảm giác buồn ngủ, cả ngày chỉ uống nước ngọt. Từ đó, sức khỏe càng suy kiệt và hoang tưởng và ảnh hưởng tới nhu cầu tình dục.
"Khi họ biết mình dính vào ma túy, bị mặc cảm nên một thời gian sau, bạn gái em đã chia tay", T. nói.
Trong một lần trộm cắp tivi, T. bị bắt và phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn về tội Trộm cắp tài sản. Ngày mới vào cơ sở cai nghiện, mỗi lần lên cơn, T. lại vật vã suốt đêm. Được sự giúp đỡ, điều trị của cán bộ cơ sở, hiện T. đã cắt được cơn, không còn thèm thuốc, sức khỏe và tình thần đã ổn định lại.
"Khi dính vào ma túy em đã mất đi công việc, bạn bè và người yêu. Ngoài ra, sức khỏe ngày càng suy kiệt, tinh thần hoảng loạn, ảo giác", T. chia sẻ.
Kéo giảm người nghiện ma túy
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng phòng dạy nghề Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết, hiện cơ sở đang tổ chức cai nghiện, đào tạo nghề cho hơn 500 học viên.
Theo ông Loan, khoảng 70-80% người nghiện ma túy là các đối tượng cộm cán, có tiền án, tiền sự ngoài xã hội. Người nghiện là đối tượng đặc biệt, việc tổ chức cắt cơn, cai nghiện là công việc rất khó khăn.
Nghiện ma túy được xác định là một căn bệnh mãn tính. Việc để một người nghiện rời xa, bỏ vĩnh viễn được ma túy là không dễ dàng. Khi một học viên đã hoàn thành việc cắt cơn, cai nghiện và trở về cộng đồng có tái nghiện hay không ngoài quyết tâm của bản thân thì còn có vai trò rất lớn của gia đình, người thân và xã hội.
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2.966 người nghiện, 259 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý đang sinh sống tại cộng đồng.
So với thời điểm trước ngày 01/01/2022 (khi Luật Phòng, chống ma túy chính thức có hiệu lực thi hành), số người nghiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm 3.076 người, số người sử dụng trái phép chất ma túy giảm hơn 1.000 người.
Toàn tỉnh không còn tồn tại điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; 88/558 xã, phường, thị trấn không có tội phạm về ma túy.
Thực trạng người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, nhất là giới trẻ và nữ giới. Bên cạnh đó sự xuất hiện đa dạng của các loại ma túy mới như "bánh lười", "trà sữa", "nước vui", "nước khoái"… nhắm đến các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đây là nguy cơ tiềm ẩn phức tạp tình hình kiểm soát, quản lý người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa