Những nữ nghệ nhân nghề tài hoa ở Hải Dương

Với đôi bàn tay tài hoa, chị Trần Thị Hà và Nguyễn Thị Hiển ở Công ty CP Gốm Chu Đậu đã được vinh danh nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương năm 2024.

Chị Hà thường có những ý tưởng sáng tạo để áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra những họa tiết, hoa văn, sản phẩm mới

Chị Hà thường có những ý tưởng sáng tạo để áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra những họa tiết, hoa văn, sản phẩm mới

Cơ duyên với gốm, sứ

Chị Hà và chị Hiển (cùng sinh năm 1986) là 2 nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong số 9 nghệ nhân vừa được UBND tỉnh Hải Dương phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2024. Cơ duyên đưa họ gắn bó, đam mê với nghề vẽ, trang trí trên gốm, sứ cũng thật tình cờ.

Chị Hà kể trước đây khi còn đi học, chị rất thích môn mỹ thuật. Sau khi lập gia đình, được người thân gợi mở, định hướng nên năm 2007 chị đã xin vào làm việc tại Công ty CP Gốm Chu Đậu. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian khổ luyện để học vẽ trên giấy. Không chỉ luyện vẽ ở phân xưởng, khi trở về nhà, dù bận rộn với gia đình, con nhỏ nhưng chị Hà vẫn luôn sắp xếp thời gian để miệt mài luyện từng nét vẽ.

Chị Hiển sinh ra và lớn lên ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Sau khi kết hôn, chị theo chồng về xã Thái Tân (Nam Sách) sinh sống và quyết định theo đuổi, gắn bó với nghề vẽ gốm, sứ.

Thời gian đầu, dù gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi làm quen với nghề nhưng chị Hiển, chị Hà chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Bởi lẽ từ những nét vẽ, tình yêu, niềm đam mê với gốm sứ đã trở thành động lực, thôi thúc họ vượt qua khó khăn, góp phần giữ gìn nghề truyền thống.

Nỗ lực cống hiến

Trở thành nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp là động lực giúp chị Hiển tiếp tục cống hiến, thêm yêu và gắn bó với nghề

Trở thành nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp là động lực giúp chị Hiển tiếp tục cống hiến, thêm yêu và gắn bó với nghề

Việc tạo ra những tác phẩm đẹp trên gốm, sứ đòi hỏi sự khéo léo, tập trung và sự tinh tế trong từng đường nét. Quá trình vẽ trên gốm, sứ không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ mà qua đó còn thể hiện sự tài năng, óc sáng tạo, đôi bàn tay tài hoa của người thợ. Việc vẽ trên bề mặt cong và không đều là điều không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải thích ứng với hình dạng, kết cấu của bề mặt sản phẩm để tạo ra những đường nét, chi tiết chính xác.

Chị Hiển cho biết: “Luyện vẽ trên giấy và bắt tay vẽ trên gốm thực sự khác nhau rất nhiều. Khi vẽ trên gốm, sứ, đòi hỏi người thợ phải dùng bút một cách nhẹ nhàng, chấm nét nhỏ và thanh thoát hơn. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và tập trung cao độ. Mỗi người thợ lại có nét vẽ khác nhau, mang những dấu ấn riêng. Thời gian đầu, có những khi tôi dành cả buổi để vẽ nhưng sau đó phải xóa, lau đi vì chưa đạt. Mỗi lần như thế, tôi lại càng thêm cố gắng, tự nhủ phải kiên trì, dành tâm huyết để sáng tạo ra những sản phẩm ưng ý”.

Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ thầy dạy, chị Hiển còn tích cực học hỏi, trau dồi từ những đồng nghiệp, nghệ nhân của công ty. Một số sản phẩm chị Hiển trực tiếp vẽ, trang trí đã được công nhận như: bình Giáng hương và bình Thiên nga đều là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020, bình Phú quý đắp nổi lý ngư vọng nguyệt, vẽ vàng kim là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018.

Đối với chị Hà, để trở thành một người thợ giỏi không chỉ đòi hỏi tay nghề mà còn phải thường xuyên có ý tưởng sáng tạo. Bởi thế, mỗi khi công ty tổ chức những chuyến đi trải nghiệm, tham quan, chị Hà đều cho đây là cơ hội quý để có thể quan sát, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo để áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra những họa tiết, hoa văn, sản phẩm mới.

Chị Hà từng giành nhiều giải thưởng trong các hội thi công nhân giỏi do Công ty CP Gốm Chu Đậu tổ chức. Nhiều sản phẩm chị Hà trực tiếp vẽ, trang trí đã đoạt giải, được công nhận như: bình Đại Cát là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, bình Giọt ngọc là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, bình Phượng hoàng S1 là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019…

Anh Nguyễn Văn Cương, Quản đốc xưởng sản xuất (Công ty CP Gốm Chu Đậu) cho biết: “Chị Hiển và chị Hà là những nghệ nhân trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực tốt, tay nghề cao. Đây cũng là những cá nhân thường xuyên có những đóng góp ý tưởng, có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, hình thức, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng thị hiếu của khách hàng”.

Khi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, chị Hiển và chị Hà đều rất vinh dự và tự hào. Nhưng cùng với đó, các chị càng nỗ lực hơn trong việc nâng cao trách nhiệm, sáng tạo hơn nữa, cống hiến để góp phần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-nu-nghe-nhan-nghe-tai-hoa-o-hai-duong-401836.html
Zalo