Những nông dân trẻ 'bám đất, bám ruộng' làm giàu
">
">
" hideimage="null" src="https://baonamdinh.vn/file/e7837c02816d130b0181a995d7ad7e96/012025/a1_20250125174907.jpg">
Sinh ra trong gia đình thuần nông, gia đình anh Lương Văn Trường trước đây chỉ có hơn 2.000m2 ruộng nhưng lại chia thành những ô nhỏ xa nhau, trồng cấy rất vất vả, mọi công đoạn đều làm thủ công. Trường từng khát khao sau này lớn lên sẽ trồng lúa trên cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay, tất cả quá trình sản xuất sẽ được dùng máy. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tình nguyện lên xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai (một trong 600 xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của cả nước), cùng nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã, anh đã tích cực hỗ trợ bà con phát huy lợi thế bản địa để phát triển kinh tế. Cái duyên làm việc với nông dân và gắn bó với nghề nông có lẽ cũng xuất phát từ thời gian này.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhận thấy quê hương Nghĩa Trung còn nhiều diện tích ruộng bỏ hoang do người dân đã chuyển vào làm việc trong các nhà máy, anh quyết tâm về quê lập nghiệp. Năm 2018, anh bắt tay thực hiện với vùng sản xuất đầu tiên rộng 7ha, áp dụng gần như hoàn toàn máy móc vào sản xuất. Nhờ có kinh nghiệm làm việc ở nơi công tác cũ, anh đã thuyết phục bà con nông dân cho thuê đất, tham gia làm việc cùng, hỗ trợ nhau sản xuất. Vụ thu hoạch đầu tiên thắng lợi, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sang tới vụ thứ 2, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, toàn bộ vốn liếng và lãi của vụ trước mất sạch chỉ sau một tháng.
Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa có rất nhiều rủi ro, anh tập trung vừa sản xuất, vừa nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp để cải tiến quy trình, kỹ thuật sản xuất với mục tiêu: giảm chi phí - giảm rủi ro - nâng cao lợi nhuận - sản xuất bền vững. Qua 6 năm phát triển, anh đã thành công trong việc triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, tiêu biểu như: “Công nghệ nảy mầm hạt giống trong 30 phút”, “Kỹ thuật trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ”, “Bả diệt ốc bươu vàng từ phụ phẩm nông nghiệp”, “Gạo mầm tươi”, “Kỹ thuật sử dụng nước để xử lý lúa ma, cỏ trong ruộng lúa nước”. Trong đó, sáng kiến “Kỹ thuật sử dụng nước để xử lý lúa ma, cỏ trong ruộng lúa nước” đã được nhận giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh năm 2023 và có quyết định chấp nhận đơn đăng ký sáng chế hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Sáng kiến này đã được áp dụng và triển khai thử nghiệm tại xã Tân Thịnh (Nam Trực), xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); sau đó được áp dụng và triển khai ổn định, đại trà tại các xã Đồng Sơn, Nam Thái, Tân Thịnh (Nam Trực); Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); Hải Giang (Hải Hậu). Qua đó giúp người nông dân có thêm phương án xử lý lúa ma, cỏ dại trên ruộng lúa với chi phí thấp, an toàn và có thể xử lý trên mọi quy mô sản xuất; giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; giảm giá thành, rủi ro về sức khỏe, ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, anh Trường đã tích cực tham gia hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật các sản phẩm, giải pháp mà bản thân sáng chế cho nông dân trong và ngoài tỉnh áp dụng. Đặc biệt, công nghệ hạt giống nảy mầm trong 30 phút không chỉ được sử dụng rộng rãi tại Nam Định và một số địa phương khác trong cả nước mà đã được chuyển giao và áp dụng trồng thử nghiệm tại tỉnh Guma, Nhật Bản. Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Niên Nam Đại Dương, anh đã chủ động phát triển mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo... Anh Lương Văn Trường đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021, được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế mô hình HTX. Năm 2024, anh là một trong 56 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5 vì đã có nghiên cứu, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho nông dân; đồng thời đoạt giải Nhì lĩnh vực trồng trọt - sinh học - môi trường trong Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ X với giải pháp “Kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa nảy mầm sẵn”.
">
Anh Đinh Văn Thuận, hội viên nông dân xã Hải Đông nhiều năm qua đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (nuôi chim yến, nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng lợi thế của vùng quê ven biển đất đai màu mỡ, nhiều sông ngòi, ao hồ, trước đây, anh Thuận đã năng động phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng đinh lăng, nuôi thủy sản. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy sự xuất hiện của chim yến kiếm ăn quanh vùng biển Hải Hậu ngày càng nhiều, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2018, anh quyết định thực hiện ý tưởng nuôi chim yến lấy tổ. Trên diện tích vườn của gia đình, anh xây nhà nuôi yến theo công nghệ Malaysia với tổng diện tích sàn khoảng 200m2, được đầu tư thiết bị âm thanh thu hút chim; đồng thời thiết kế đặc biệt giúp yến dễ dàng trú ngụ, làm tổ. Sau một năm dẫn dụ, nhà yến đã thu hút được hơn 3.000 chim yến về cư trú, làm tổ. Do khí hậu miền Bắc khắc nghiệt, thất thường nên những năm đầu sản lượng yến của gia đình chỉ đạt từ 30-40kg/năm. Trước nhu cầu của thị trường về tổ yến ngày càng cao, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu tập tính, độ ẩm, nhiệt độ thích hợp, từ đó có những điều chỉnh tại nhà yến, nhờ đó thu hút lượng đàn về ngày càng nhiều. Nhà yến của anh hiện có khoảng 7.000 con về làm tổ. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 220kg tổ yến, cho thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Năm 2023, gia đình anh có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao gồm yến thô và yến tinh chế. Ngoài ra, cơ sở sản xuất yến sào Đinh Thuận của anh còn tập trung phát triển các dòng sản phẩm tiện lợi như yến chưng sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với nhà yến tại Hải Hậu, anh Thuận đã phát triển xây dựng 4 nhà yến khác ở trong và ngoài nước; đồng thời hỗ trợ trên 30 hộ nuôi yến trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tổ yến.
Ngoài nuôi chim yến sử dụng công nghệ nhà thông minh, hiện tại anh Thuận vẫn đang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên diện tích 1,5ha, đạt sản lượng 30 tấn/năm; đồng thời trồng cây dược liệu tổng hợp trên diện tích 4ha, sản lượng 15 tấn/năm. Tổng doanh thu đạt khoảng 9 tỷ đồng/năm. Cơ sở của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng và 13 lao động thời vụ… Không chỉ năng động làm giàu, những năm qua, anh Thuận còn tích cực ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi, các phong trào của địa phương, với số tiền 670 triệu đồng. Anh Đinh Văn Thuận đã được nhận nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành; Giải thưởng “Sao Thần Nông”, Lương Định Của (dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc) và được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân. Họ đã và đang góp phần xứng đáng vào thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bài và ảnh: Lam Hồng