Những nội dung nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024: Luật hóa nợ xấu, hoàn thiện cơ chế xử lý tổ chức yếu kém
Đến nay đã đề xuất ban hành 6 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024...
Sau khi Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 được thông qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc đề xuất, xây dựng danh mục văn bản quy định chi tiết Luật. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất ban hành 6 văn bản quy định chi tiết.
Việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng
Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan.
Quy định lộ trình 05 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng.
Bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí…
Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành cũng như nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân...
Bên cạnh đó, để phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 hợp nhất Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng. Việc hợp nhất các Giấy phép và thủ tục này nhằm giảm bớt thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc hiện đang được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngân hàng chính sách như: quy định về thành lập và hoạt động của ngân hàng chính sách, quy định về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước, vốn điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách … Đối với các nội dung cụ thể, Luật giao Chính phủ quy định để bảo đảm phù hợp với tính chất, mô hình hoạt động của từng ngân hàng chính sách.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật, qua đó hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật có hiệu lực.
Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng rõ ràng, minh bạch, xử lý các khó khăn, vướng mắc đồng thời tạo cơ sở để tổ chức tín dụng đổi mới hoạt động đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, luật bổ sung quy định về các hoạt động mới phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán...; sửa đổi, bổ sung, làm rõ khái niệm như: thư tín dụng, bao thanh toán, đại lý quản lý tài sản.... để đảm bảo rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ bao gồm: (i) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; (iii) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; (iv) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo hướng mở rộng một số hoạt động trên cơ sở phù hợp năng lực và an toàn hoạt động đối với các loại hình tổ chức tín dụng này.
Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử như: quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định nội bộ đối với hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ bằng phương tiện điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; có quy định riêng cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử như quy định về xét duyệt cấp tín dụng, lưu trữ hồ sơ tín dụng; quy định trách nhiệm niêm yết thông tin của tổ chức tín dụng trong trường hợp ngừng giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng giao Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng.
Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng các phương án xử lý cho các trường hợp có vấn đề phát sinh, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 1/7/2025 hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép. Định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên tinh thần từ xa, từ sớm, khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng, trong đó nêu rõ các yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng này, bao gồm cả việc xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các yếu kém phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường, việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt. Các trường hợp được can thiệp sớm cũng được rà soát, bổ sung so với Luật hiện hành.
Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng bao gồm phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản. Việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua.
Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Luật Các tổ chức tín dụng đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Đồng thời Luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng không luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng, đảm bảo quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.