Những nỗ lực bền bỉ vượt qua thăng trầm đã tạo nên giá trị và tương lai bền vững cho ASEAN
Đối với ASEAN, sự bền vững thể hiện ở những nỗ lực bền bỉ vượt qua thăng trầm, bảo vệ tên tuổi, vị thế mà Hiệp hội có được hôm nay. Tuy nhiên, một tương lai bền vững không phải là điều hiển nhiên.

Các đại biểu tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2025 tại Langkawi, Malaysia. (Ảnh: Quang Hòa)
ASEAN: Tầm nhìn hướng ra bên ngoài
Trong suốt hành trình gần sáu thập kỷ, ASEAN xác định và hiện thực hóa tương lai của mình bằng cách tiếp cận vừa mang tính tầm nhìn vừa mang tính định hướng hành động.
Định hướng phát triển của ASEAN cho từng giai đoạn đã được xác định rõ với Tầm nhìn ASEAN 2020 (1997), Thỏa thuận ASEAN (Bali) I, II & III (1976, 2003 và 2011), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (2015) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sắp tới.
Tầm nhìn của ASEAN cũng được cụ thể hóa thành nhiều kế hoạch như Kế hoạch hành động Hà Nội 1998, Chương trình hành động Vientiane 2014, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 (2015) và sắp tới là các kế hoạch chiến lược nhằm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, được hỗ trợ bởi các kế hoạch liên trụ cột như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN và các Kế hoạch triển khai Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI).
Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 đã được định hình ngay khi ASEAN đang triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN (ACV) 2025. Các nhà lãnh đạo ASEAN định hướng quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (2020), Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 (2022), Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Sự phát triển của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (2023) và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về xây dựng các kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 (2024).
Với khung thời gian 20 năm, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ là định hướng chiến lược dài hạn cho ASEAN nhằm tăng cường khả năng tự cường, duy trì tăng trưởng cao, đồng thời đổi mới và ứng phó trước những cơ hội và thách thức mới nổi, với người dân là trung tâm của Cộng đồng ASEAN.
Những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và những nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, kể cả những bài học kinh nghiệm từ quá trình đó, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Trong bối cảnh ASEAN sắp kỷ niệm 60 năm thành lập, việc xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn đòi hỏi Hiệp hội phải chủ động ứng phó với những bất ổn ngày càng tăng và những thách thức đa chiều trong môi trường khu vực và toàn cầu nhiều biến động.

Cuộc họp đầu tiên trong năm 2025 của Ủy ban điều phối kết nối ASEAN (ACCC) diễn ra vào ngày 17/2 tại trụ sở Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: asean.org)
Hướng tới một tương lai bền vững của ASEAN
Đối với bất cứ quốc gia hay tổ chức nào cũng vậy, bền vững là chìa khóa định hình tương lai. Đối với ASEAN, sự bền vững thể hiện ở những nỗ lực bền bỉ vượt qua thăng trầm, bảo vệ tên tuổi, vị thế mà Hiệp hội có được hôm nay. Tuy nhiên, một tương lai bền vững không phải là điều hiển nhiên.
Tương tự như các văn kiện mang tính tầm nhìn trước đây của ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ định hình tương lai của ASEAN và người dân trong khu vực.
Năm 2023, các nhà lãnh đạo ASEAN đã xác định những nội dung chính trong dự thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, hình dung tương lai của ASEAN dựa trên khả năng của Hiệp hội với tư cách là động lực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu và những bất ổn về địa chính trị, kinh tế - xã hội trong và ngoài khu vực; đảm bảo người dân có quyền tiếp cận toàn diện và công bằng đối với các cơ hội kinh tế. Bằng cách đó, ASEAN có thể đạt được sự bền vững trên mọi phương diện.
Để đạt được tăng trưởng bền vững, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 nhấn mạnh cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên; ổn định kinh tế và khả năng cạnh tranh toàn cầu; công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo; cam kết đối với các mục tiêu toàn cầu, trong đó có các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Vì vậy, ASEAN sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ các giá trị và nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và các văn kiện quan trọng khác của ASEAN, đồng thời đề cao luật pháp quốc tế.
ASEAN nỗ lực vì một tương lai tươi sáng hơn
Trên hành trình hướng tới tương lai, ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. ASEAN sẽ nỗ lực khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu gắn kết với nhau, đóng góp có ý nghĩa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Thế giới đang trải qua những biến chuyển mạnh mẽ, đối mặt với nhiều nguy cơ và ngày càng gia tăng, như được đề cập trong Hiệp ước vì Tương lai thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, một nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm khôi phục hợp tác đa phương, mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh của chúng ta. Những đổ vỡ và khủng hoảng kéo dài có thể tránh được bằng cam kết và hành động tập thể của các quốc gia.
Vào thời điểm lịch sử khi ASEAN chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo hướng tới năm 2045, kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ASEAN năm 2025, với cả thách thức và cơ hội từ các xu thế lớn toàn cầu, đã đến lúc ASEAN phải tham gia vào nỗ lực nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới và cho khu vực.
Sẵn sàng cho cơ hội và thách thức
Ý tưởng về Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) đã được hình thành trong bối cảnh cần có một diễn đàn chuyên về thảo luận chương trình nghị sự tương lai của ASEAN, với sự tham gia của nhiều bên liên quan trong và ngoài khu vực để hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách của các nhà lãnh đạo và quan chức ASEAN, kết nối ASEAN với những nỗ lực định hướng tương lai toàn cầu.
Sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm 2023, là đóng góp của Việt Nam nhằm hỗ trợ việc định hình và hiện thực hóa tương lai của ASEAN.
Diễn đàn Tương lai ASEAN đầu tiên tổ chức ngày 23/4/2024 với chủ đề “Hướng tới Tăng trưởng nhanh và Bền vững của Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm” đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Chủ tịch ASEAN 2024, đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
Diễn đàn cũng nhận được nhiều thông điệp quan trọng từ lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN và Liên hợp quốc, quan chức cấp cao, chuyên gia uy tín từ các nước thành viên ASEAN, đối tác bên ngoài của ASEAN và từ đại diện thanh niên, những chủ nhân tương lai của ASEAN.
Các vấn đề được thảo luận bao gồm những chủ đề được quan tâm như cơ hội và thách thức đối với ASEAN, con đường phát triển của ASEAN, phát triển bền vững của ASEAN, an ninh toàn diện và vai trò trung tâm của ASEAN. Những cuộc thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề được tiến hành một cách mang tính xây dựng và cân bằng, đáp ứng được lợi ích và mối quan tâm của đại biểu tham gia.
Các khuyến nghị của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đã được trình lên Hội đồng Điều phối ASEAN để tham khảo và ghi nhận, đề xuất khuyến nghị chính sách khả thi, phù hợp với khát vọng tương lai của ASEAN và bổ sung cho quy trình hoạch định chính sách chính thức. Những nội dung quan trọng từ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 cũng đã được truyền tải tới Hội nghị thượng đỉnh Tương lai do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2024.
Những đóng góp của Diễn đàn Tương lai 2024 đã được ghi nhận tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54 (tháng 7/2024) và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 (tháng 10/2024).
Diễn đàn Tương lai ASEAN được tổ chức thường niên. Diễn đàn tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25-26/2 tới. Với mục đích hỗ trợ các ưu tiên và kết quả đạt được của Chủ tịch ASEAN mỗi năm, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 có chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. (Ảnh: Tuấn Anh)
Được tổ chức trong một năm kỷ niệm đặc biệt đối với ASEAN, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 được kỳ vọng sẽ phản ánh chặng đường đã qua của ASEAN, nhìn lại các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đánh giá các xu hướng lớn ảnh hưởng đến thế giới và ASEAN, từ đó định hình ASEAN và thế giới trong tương lai trong ngắn và trung hạn, chuẩn bị cho ASEAN sẵn sàng tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức. Đối với Việt Nam, năm 2025 đặc biệt có ý nghĩa vì là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Kiên định với mục tiêu và mục đích ban đầu, Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ là vườn ươm tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân ASEAN cũng như các đối tác và bạn bè của ASEAN, nhằm định hình một tương lai tươi sáng, khả thi hơn cho một ASEAN năng động và tự cường trong liên kết với cộng đồng toàn cầu, thể hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ của ASEAN.
Một ASEAN sẵn sàng cho tương lai là điều mà Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 hướng tới và cũng là mục tiêu của Diễn đàn Tương lai ASEAN.
Khi ASEAN tiến lên phía trước, Diễn đàn Tương lai ASEAN được kỳ vọng sẽ là diễn đàn hữu ích do ASEAN xây dựng để đối thoại toàn diện về các vấn đề ảnh hưởng đến tương lai của ASEAN, là cầu nối gắn kết tất cả các bên liên quan nhằm hỗ trợ xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN, trong đó có Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.