Những nhịp cầu thiện nguyện, nối kết đôi bờ vui ở vùng nông thôn Sóc Trăng
Mỗi lần nhìn thấy cây cầu do chính công sức, tâm huyết của đội xây dựng nên, kết nối 2 bờ giúp bà con được qua sông an toàn, phục vụ tốt đời sống dân sinh, phát triển kinh tế của người dân, thượng tọa Thích Định Hương và đội xây dựng cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng lại cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào.
Với tâm niệm từ, bi của đạo Phật, cùng với phong trào thi đua yêu nước, thượng tọa Thích Định Hương, trụ trì chùa Vĩnh Phước (Sóc Trăng) đã khởi xướng công tác từ thiện xã hội này. Khoảng 10 năm qua, thượng tọa Thích Định Hương đã cùng đội xây dựng cầu từ thiện của chùa vận động xây dựng khoảng 150 cây cầu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Tỉnh Sóc Trăng thời gian qua triển khai nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội ý nghĩa, những địa chỉ nhân đạo này luôn là “cầu nối” hỗ trợ các hoàn cảnh, những nơi còn khó khăn trong xã hội, lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, sự sẻ chia, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Với tâm niệm từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật, tinh thần nhập thế của Phật giáo ngày nay, cùng với sự hưởng ứng từ phong trào thi đua yêu nước của Đảng, nhà nước của Giáo hội phật giáo Việt Nam về “lối sống Tốt đạo - Đẹp đời”, thượng tọa Thích Định Hương đã cùng đội xây dựng cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước đã cùng các nhà hảo tâm xây dựng gần 150 cây cầu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thượng tọa Thích Định Hương cho biết: “Sư phụ thường hay dặn, trong những công đức, thì công đức xây cầu, làm đường mang lại lợi ích lớn vì phục vụ cho số đông. Xuất phát từ tinh thần từ bi, rồi mình nhận thấy rằng, tỉnh Sóc Trăng nhiều địa phương có sông ngòi chằng chịt, người dân đi lại rất khó khăn, ban đầu thì mình vận động các nhà hảo tâm đóng góp một ít kết hợp cùng tích quỹ của nhà chùa để xây dựng được vài cầu nông thôn. Chùa sẽ mua vật liệu xây dựng, đối với chính quyền địa phương thì hỗ trợ các vật liệu bổ trợ, như tràm, cốp pha để xây cầu và cùng tham gia thi công với đội của mình”.
Không phải là những kỹ sư cầu đường, những công nhân xây dựng mà đội xây dựng cầu của chùa Vĩnh Phước đều là những nông dân chất phát, phật tử tại địa phương, dù rất bận rộn với công việc đồng áng, nhưng mọi người đều tranh thủ, tự nguyện tham gia bởi họ thấy rằng, lợi ích của việc xây dựng cầu, đó là công tác phúc lợi xã hội, giúp đỡ những vùng nông thôn khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Thế là khoảng 10 năm nay, hình ảnh của những người nông dân vác đá, trộn xi măng, đổ móng cầu, cắt sắt… kết nối hàng trăm đôi bờ đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân vùng sông nước ở tỉnh Sóc Trăng.
Ông Vi Văn Thiểu, năm nay đã 63 tuổi ở ấp 21, xã Thạnh Tân,huyện Thạnh Trị, thành viên đội xây cầu chia sẻ, “Tôi đi theo thầy năm nay cũng là mười mấy năm rồi, gia đình tôi cũng làm ruộng, rồi thấy thầy Định Hương về nhận chức ở chùa Vĩnh Phước, ấp 21 này, thấy thầy đi làm từ thiện, đi bắt cầu nông thôn cho bà con người dân đi, tôi thấy rất là tốt đẹp. Trước khi đi làm tôi cũng lo công chuyện gia đình xong rồi tôi mới đi theo thầy làm từ thiện. Trước thì bà con phải qua cầu tre, cầu ván rất khó khăn được thầy Định Hương bắt cầu bê tông cốt thép thì bà con mình rất phấn khởi”.
Cùng với ông Thiểu còn có hơn 10 người khác tự nguyện tham gia đi xây cầu nông thôn cùng thượng tọa Thích Định Hương.
Một buổi trưa trung tuần tháng 11, hơn 20 người vẫn đang đội nắng để đổ mặt cầu bê tông tại xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm. Ông Nguyễn Sáu, năm nay đã ngoài 70 tuổi, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt rám năng, da ngâm cùng đôi bàn tay chai sạn từ việc lao động đồng áng và cả xây cầu hơn 10 năm nay chia sẻ, ngoài đội xây cầu của chùa Vĩnh Phước còn có khoảng chục người người dân địa phương các thanh niên là dân quân tự vệ cùng đến góp sức. Mọi người ai cũng cố gắng hết, vì công việc này mang lại lợi ích cho cộng đồng.
“Đi tới chỗ thì thấy việc đi lại bức xúc mà mình bắt cầu được thì giúp cuộc sống dân sinh của bà con sung túc lên, chứ cầu khỉ này kia thì học sinh đi lại cũng khó, đi làm nông nghiệp cũng khó, nói chung khó khăn đủ thứ, thầy Định Hương bắt được cây cầu như vậy là người dân phấn khởi, bà con đi lại mần ăn dễ dàng, rồi cũng không bức xúc cho học sinh đi lại”, ông Sáu tâm sự.
Như ông Sáu chia sẻ, sự khó khăn khi qua sông của bà con càng làm cho các thành viên trong đội thêm quyết tâm sớm hoàn thành những cây cầu nông thôn. Tùy theo con sông rạch mà chiều dài của các cây cầu có từ 10m, 20m rồi 30m. Để người dân không chỉ an toàn đi lại, đội còn thiết kế mặt cầu rộng từ 3,5m-4m để bà con thuận lợi vận chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Vĩnh Thanh là ấp vùng sâu vùng xa của xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, nơi đây có hệ thống sông ngòi, thủy lợi chằng chịt nên việc qua sông của người dân ở đây nhiều nơi vẫn phải sử dụng xuồng, ghe hay những cây cầu khỉ, cầu ván nên rất khó khăn.
Nhìn cây cầu có tên cầu Hướng Dương vừa mới hoàn thành, trưởng Ban Nhân dân ấp Vĩnh Thanh ông Huỳnh Sơn Tùng cho biết trong niềm vui, “Đường đi qua lại rất là khó khăn, nhất là mấy em học sinh đi học rất là khó, bà con đồng bào phật tử đi chùa cũng rất là khó khăn. Được sư Thích Định Hương quan tâm giúp đỡ cho địa phương, thay mặt địa phương rất là cảm ơn sư thầy đã hỗ trợ cho ấp Mỹ Thanh được cây cầu mới như ngày hôm nay. Bà con ở đây rất phấn khởi và cùng tham gia làm để cây cầu sớm hoàn thành”.
Lộ nông thôn đã được nhà nước quan tâm đầu tư khang trang, bà con trong ấp Vĩnh Thanh mong muốn có thêm cây cầu qua sông để thuận lợi hơn trong đi lại, thế là thư ngỏ của ấp và UBND xã đã truyền tải niềm mong muốn có một cây cầu qua sông được gửi đến chùa Vĩnh Phước. Sự khó khăn mỗi lần qua sông của bà con được sư trụ trì chùa kết nối với các nhà từ thiện thay dần những cây cầu gỗ chông chênh thành những cây cầu bê tông vững chắc.
Đứng trên cây cầu bê tông mới xây, dài 15m, rộng 3,5m, ông Lưu Văn Nhanh, người dân ấp Vĩnh Thanh tâm sự, nghe thượng tọa Thích Định Hương tài trợ xây cho cây cầu, người dân đã rất vui mừng. Nhiều bà con đã xúm lại chung tay, góp sức. Người thì đóng góp công, người thì hỗ trợ cơm nước cho đội xây cầu… thế là không đầy 1 tháng, cây cầu đã hoàn thành, người dân không còn lo lắng mỗi lần qua sông như trước đây nữa.
Thượng tọa Thích Định Hương cùng với đội xây dựng cầu từ thiện chùa Vĩnh Phước luôn có tâm niệm, tâm đức cùng Đảng, Nhà nước góp ít công sức, tiền, ngày công lao động và vận động các nhà hảo tâm đóng góp vào các lĩnh vực từ thiện xã hội, nhằm từng bước xóa cầu khỉ bằng cầu bê tông cốt thép, để giúp đỡ những nơi khó khăn trong việc đi lại như: giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường dễ dàng hơn.
Ông Vi Văn Thiểu cho biết thêm: “Đi xây cầu, tới địa phương nào bà con cũng đều mừng rỡ. Thầy thì tài trợ sắt đá, xi măng… rồi bà con và địa phương thì hỗ trợ cây chống đỡ, ván, cốp pha... Như cây cầu này thì cây tràm này địa phương lo cho chúng tôi, riêng xi măng, sắt, đá thì thầy Thích Định Hương tài trợ”.
Thượng tọa Thích Định Hương tâm sự, khi nhận được thư ngỏ, chùa sẽ đi khảo sát theo địa chỉ, sau đó sẽ gửi thư ngỏ đến các nhà hảo tâm. Nhà hảo tâm nào có duyên, sẽ kết hợp chùa và chính quyền địa phương tiến hành các phần việc để xây dựng cầu.
“Khi mình giới thiệu chương trình đến các nhà hảo tâm thì họ rất là đồng tình. Đây là chương trình từ thiện xã hội, kinh phí từ nguồn xã hội hóa nên các nhà hảo tâm rất hoan hỉ đóng góp. Mỗi cây cầu hoàn thành, những lần các đoàn về khánh thành cây cầu mới, thấy người dân địa phương rất phấn khởi, người này giới thiệu người kia thì chương trình cũng từng bước lan tỏa. Đến nay đã xây dựng được hơn 140 cây cầu nông thôn ở vùng sâu, vùng xa”, Thượng tọa Thích Định Hương chia sẻ.
Đội xây dựng cầu đi tới địa phương nào đều được người dân ca tụng và khen ngợi bởi họ đã cùng với Thượng tọa Thích Định Hương mang đến niềm vui cho bà con ở đôi bờ. Với lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội của việc xây cầu, mọi người cứ theo làm, xong cây cầu này đến cây cầu khác, dù trời có mưa gió hay nắng gắt, các thành viên đều không ngần ngại, tranh thủ đi làm để cây cầu sớm hoàn thành phục vụ bà con. Giờ đây, những cây cầu từ thiện do chính đội xây nên đã hiện diện ở khắp tỉnh Sóc Trăng.
Chia sẻ những việc đã làm Thượng tọa Thích Định Hương cho rằng niềm vui của bà con khi có cây cầu là nguồn động lực giúp thượng tọa, đội xây dựng cầu cùng các nhà hảo tâm tiếp tục xây dựng các cây cầu yêu thương. “Mỗi cây cầu xây dựng xong thấy bà con qua lại thuận tiện, trong ngày khánh thành thấy nụ cười vui tươi của bà con là tinh thần của mình thấy phấn khởi. Đây cũng là động lực để mình tiếp tục cùng các nhà hảo tâm để xây dựng thêm nhiều cây cầu yêu thương ở vùng nông thôn khó khăn trong đi lại đang cần sự giúp đỡ...”.
Tiếng lành đồn xa, thư ngỏ của những nơi có cầu hư, cầu tạm hay có nhu cầu xây cầu bắt cầu qua sông, thông qua Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên khắp tỉnh Sóc Trăng lần lượt gửi đến chùa Vĩnh Phước để xin kết nối hỗ trợ xây cầu đã được nhà chùa và những tấm lòng hảo tâm của mạnh thường quân đồng ý tiếp nhận.
Và từ đây, những nhịp cầu nông thôn dần được hình thành đã mang lại niềm vui kết nối đôi bờ nơi bà con vùng sâu được thụ hưởng. Và niềm vui ấy không ngừng lan tỏa trong từng tấm lòng người dân rộng ra đến từng địa phương có địa bàn sông nước vùng sâu, vùng xa.