Những nhịp cầu thắp sáng hành trình kết nối

Mỗi cây cầu bắc qua dòng sông là bắc thêm một nhịp ước mơ và khát vọng đổi thay. Từ cầu Hòa Sơn đến cầu Xuân Cẩm, mỗi cây cầu là một bước tiến mới, xóa đi khoảng cách địa lý, mở ra không gian phát triển. Với Bắc Giang, những nhịp cầu ấy đã góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch, đưa vùng đất này hòa mình mạnh mẽ vào dòng chảy phát triển của khu vực và cả nước.

Cây cầu trong mơ

Dù đã nhiều ngày trôi qua, chị Phạm Thị Yên ở xã Sơn Thịnh (Hiệp Hòa) vẫn không giấu được niềm vui khi nhắc đến cây cầu Hòa Sơn nối liền hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên, chính thức thông xe từ tháng 11/2024. Dẫn chúng tôi bước trên cây cầu mơ ước, chị bồi hồi kể lại: "Trước đây, sông Cầu như một ranh giới chia cắt xã Sơn Thịnh với TP Phổ Yên (Thái Nguyên). Người dân muốn sang Thái Nguyên làm ăn, buôn bán đều phải qua đò, rất bất tiện. Những năm gần đây, nhu cầu di chuyển càng tăng khi nhiều người trong xã làm công nhân tại Công ty Samsung Thái Nguyên. Cây cầu vì thế trở thành mong mỏi lớn nhất của cả cộng đồng".

 Cầu Xuân Cẩm kết nối tỉnh Bắc Giang với TP Hà Nội. Ảnh: Việt Hưng.

Cầu Xuân Cẩm kết nối tỉnh Bắc Giang với TP Hà Nội. Ảnh: Việt Hưng.

Đáp ứng mong mỏi đó, mới đây, cầu Hòa Sơn đã hoàn thành và thông xe, nối hai tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, giúp người dân nhiều xã ở huyện Hiệp Hòa, trong đó có xã Sơn Thịnh đi lại thuận tiện. Việc làm ăn kinh tế của người dân hai bờ sông cũng dễ dàng hơn trước. Người dân xã Sơn Thịnh đi sang tỉnh Thái Nguyên làm việc ở Công ty Samsung chỉ mất vài phút, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. “Ngày cầu Hòa Sơn thông xe, tôi và nhiều người dân trong xã vẫn bảo là cây cầu trong mơ. Nhiều năm qua, chúng tôi mong mỏi có cây cầu và con đường nối với tỉnh Thái Nguyên nay đã trở thành hiện thực”, chị Yên tâm sự.

Nhắc đến chuyện thông xe cầu Hòa Sơn, đồng chí Hoàng Xuân Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh mừng ra mặt. Đồng chí Thật chia sẻ, địa phương hai đầu cầu Hòa Sơn mong mỏi thông xe từ lâu. Từ nhiều năm nay, sông Cầu là nút thắt giao thông nối xã Sơn Thịnh với TP Phổ Yên. Cầu Hòa Sơn đã cởi nút thắt giao thông, mở cửa thông thương và địa phương hai bên cầu giao lưu về mọi mặt, bởi vậy bà con trong xã mừng lắm.

Tháng 4/2024, cầu Xuân Cẩm thông xe nối tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội. Tháng 11/2024, cầu Hòa Sơn vượt sông Cầu thông xe kết nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên. Hiện đường dẫn và cầu Hà Bắc 2 đã hoàn thành phía tỉnh Bắc Giang, đang đợi đường dẫn bên tỉnh Bắc Ninh (dự kiến 30/4/2025 cơ bản hoàn thành toàn tuyến). Cầu Đồng Việt nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Hải Dương cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2024.

Chung cảm giác hân hoan khi giao thông được kết nối, anh Vũ Văn Trình ở xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) không thể quên một ngày tháng 4/2024 khi cầu Xuân Cẩm thông xe, kết nối tỉnh Bắc Giang với TP Hà Nội. Được biết, anh Trình làm nghề lái xe nên thường xuyên di chuyển đến nhiều tỉnh và TP Hà Nội. Khi chưa có cầu Xuân Cẩm, xã Xuân Cẩm bị chia cách với huyện Sóc Sơn bởi sông Cầu nên việc đi lại, làm ăn của người dân gặp trở ngại, khó khăn. Ngày thông xe cầu Xuân Cẩm, hàng trăm người dân ở xã Xuân Cẩm đã nô nức kéo nhau đi trên cầu mơ ước.

Tại buổi lễ thông xe cầu Xuân Cẩm, đồng chí Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa to lớn, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai huyện Hiệp Hòa, Sóc Sơn nói riêng và tỉnh Bắc Giang, TP Hà Nội nói chung. Cầu Xuân Cẩm đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang.

Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường kết nối các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại Hà Nội và Vĩnh Phúc theo trục đường Vành đai 4; góp phần phát huy hiệu quả các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Mở ra không gian phát triển

Ông Nguyễn Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, có 3 “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ để phát triển kinh tế của tỉnh đó là hạ tầng giao thông, thể chế và nguồn nhân lực. Thời gian qua, riêng “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông đã được tỉnh tích cực tháo gỡ bằng việc xây dựng các tuyến đường, cây cầu kết nối với các tỉnh lân cận.

 Hệ thống giao thông kết nối giúp thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản. Trong ảnh: Vận chuyển rau cần đi tiêu thụ tại xã Toàn Thắng (Hiệp Hòa). Ảnh: Hương Giang.

Hệ thống giao thông kết nối giúp thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản. Trong ảnh: Vận chuyển rau cần đi tiêu thụ tại xã Toàn Thắng (Hiệp Hòa). Ảnh: Hương Giang.

Tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý rất thuận lợi, đặc biệt có 3 con sông là sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam tạo kết nối giao thông đường thủy rất tốt. Tuy nhiên, 3 con sông này cũng tạo sự ngăn cách giữa tỉnh với một số trung tâm phát triển kinh tế trong vùng. Trong đó sông Cầu và sông Lục Nam tạo ngăn cách Bắc Giang với tam giác phát triển kinh tế khu vực Bắc Bộ là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bởi vậy, Bắc Giang rất khó kết nối với trung tâm phát triển kinh tế với cảng biển và sân bay. Sông Thương ngăn cách các huyện, thành phố trong nội tỉnh Bắc Giang. Do vậy, để tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển KT- XH, tỉnh phải kết nối với các trung tâm phát triển công nghiệp lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Chính vì lý do đó, thời gian qua, Bắc Giang đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều cây cầu và tuyến đường kết nối vùng và với Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương. Từ nhiều năm trước, Bắc Giang đã xây dựng một số cây cầu để kết nối vùng như cầu Yên Dũng để thông với tỉnh Bắc Ninh. Gần đây, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) kết nối các khu công nghiệp của tỉnh, cầu Hòa Sơn nối với tỉnh Thái Nguyên có khu công nghiệp của Tập đoàn Samsung, tiếp tục xây dựng cầu Hà Bắc 1 và 2 để thông với Bắc Ninh. Đặc biệt, tỉnh xây cầu Đồng Việt kết nối tỉnh Hải Dương.

Tìm hiểu được biết, trong thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục xây dựng các tuyến đường kết nối giao thông với các tỉnh từ những cây cầu trên. Điều này giúp tỉnh không chỉ kết nối với các tỉnh lân cận mà còn kết nối với Lạng Sơn và các tỉnh có cảng biển, sân bay. Đây là những tuyến đường đối ngoại, mở rộng và đi lại thuận lợi, giúp các trung tâm công nghiệp và logistics ở tỉnh Bắc Giang tỏa đi các nơi, đến các trung tâm kinh tế trong vùng và cả nước, tạo nên sức hấp dẫn của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh vai trò thúc đẩy giao thương, những cây cầu và tuyến đường kết nối Bắc Giang với các tỉnh lân cận còn mở ra không gian mới để phát triển các khu công nghiệp và đô thị, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Không chỉ dừng lại ở kinh tế, những nhịp cầu còn là sợi dây liên kết văn hóa, du lịch, mang đến cơ hội thiết kế các tuyến du lịch hấp dẫn giữa Bắc Giang và các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương. Giao thông thuận lợi giúp vùng đất này hòa mình vào dòng chảy du lịch khu vực, tạo nên sự phát triển bền vững và phù hợp với quy hoạch của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Những cây cầu bắc qua sông chính là bắc nhịp tương lai, thắp sáng hành trình kết nối, đưa Bắc Giang ngày càng tiến gần hơn đến sự giàu mạnh, văn minh.

Nguyễn Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-nhip-cau-thap-sang-hanh-trinh-ket-noi-postid411298.bbg
Zalo