Những nhà báo Việt Nam đầu tiên đến Cuba
Theo chỉ đạo của đơn vị, ông Vũ Văn Âu cùng các cán bộ khác đã đặt chân đến Cuba và bắt đầu học tập từ những năm 1960.
Vào năm 1961, khi Chính phủ Việt Nam cử đoàn đại biểu sang thăm Cuba với đại diện là ông Hoàng Minh Giám (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Văn hóa), lãnh tụ Fidel Castro đã đặt vấn đề về việc đào tạo cán bộ Việt Nam biết tiếng Tây Ban Nha.
Nhà báo Vũ Văn Âu nhớ lại: “Lúc đó, ông Fidel Castro ngạc nhiên khi biết chúng ta không có ai nói được tiếng Tây Ban Nha. Ông đề nghị Việt Nam gửi các bạn trẻ sang học tại Cuba”. Ý tưởng này nhanh chóng được thực hiện. Hai mươi ba cán bộ Việt Nam, trong đó có ông Vũ Văn Âu, được cử đi học tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Havana.
Ông Vũ Văn Âu chia sẻ: “Khi đó, tôi thuộc biên chế Thông tấn xã Việt Nam, được giao nhiệm vụ vừa học, vừa chuẩn bị để mở phân xã tại Cuba. Cuộc sống ở thành phố Habana lúc đó tuy khó khăn nhưng chính sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía bạn bè Cuba đã giúp chúng tôi vượt qua mọi thử thách". Sau bốn năm học tập, ông là người đầu tiên lập phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Cuba vào năm 1966.
Phân xã tại Cuba không chỉ là nơi tiếp nhận và truyền tải thông tin, mà còn trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Nhà báo Vũ Văn Âu kể: “Có lúc chúng tôi đông tới hơn chục người tại phân xã, nhưng phía Cuba luôn tạo điều kiện, từ chỗ ở đến phương tiện làm việc. Họ xem chúng tôi như những người bạn thực sự.”
Bên cạnh ông Vũ Văn Âu, bà Nguyễn Thị Chinh, một cán bộ trẻ khác, cũng tiếp bước sang Cuba học tập và làm việc. Tốt nghiệp năm 1971, bà được giữ lại làm việc tại phân xã, tiếp tục nhiệm vụ kết nối thông tin giữa hai nước.
“Cuba là nơi tôi học được rất nhiều về sự lạc quan và ý chí cách mạng. Tình yêu dành cho đất nước này bắt đầu từ những điều giản dị, như những buổi chiều trò chuyện với người dân địa phương hay ngắm nhìn những cánh đồng mía bạt ngàn”, bà Nguyễn Thị Chinh viết trong cuốn sách Không gì là quá muộn mới ra mắt.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, được xây dựng từ những năm tháng gian khó, đã tạo nên nhiều dấu ấn sâu đậm. Nhà báo Vũ Văn Âu kể lại: “Nếu không có sự hợp tác của Cuba, đặc biệt là việc họ đào tạo cán bộ tiếng Tây Ban Nha, chúng ta khó có thể triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao và thông tin tại khu vực Mỹ Latinh”.
Ông cũng không quên nhắc tới những lần Cuba, dù trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn tiếp tục tiếp nhận cán bộ Việt Nam sang học tập, duy trì mối quan hệ khăng khít này.
Đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành một trong những cơ quan báo chí có đội ngũ cán bộ mạnh về ngôn ngữ Tây Ban Nha. Hàng năm, các bản tin tiếng Tây Ban Nha từ Việt Nam vẫn đều đặn được phát hành, góp phần đưa tiếng nói Việt Nam tới các quốc gia Mỹ Latinh.
Nhìn lại hành trình của mình, nhà báo Vũ Văn Âu xúc động chia sẻ: “Cuộc đời tôi gắn bó với Cuba từ những ngày đầu. Từ một sinh viên học tiếng Tây Ban Nha, đến khi lập phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Havana, tôi luôn cảm nhận được sự giúp đỡ chân thành từ phía bạn bè Cuba. Đó là mối quan hệ không chỉ dựa trên lợi ích mà còn xuất phát từ trái tim".