Những người Xơ Đăng 'giữ lửa' nghề đan lát, dệt thổ cẩm

Dưới mái nhà sàn ở xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), những người phụ nữ miệt mài bên khung dệt thổ cẩm, còn đàn ông chăm chỉ vót tre đan gùi. Tuy thu nhập từ các sản phẩm này không cao nhưng bà con đồng bào Xơ Đăng vẫn 'giữ lửa' nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Già A Ren, ông A Hải là những người đang cần mẫn giữ lại nghề đan lát truyền thống của người Xơ Đăng. (Ảnh Trọng Triển)

Già A Ren, ông A Hải là những người đang cần mẫn giữ lại nghề đan lát truyền thống của người Xơ Đăng. (Ảnh Trọng Triển)

Cần mẫn giữ nghề đan lát

Vào những ngày cuối năm 2024, chúng tôi đến tìm gặp nghệ nhân A Ren, một trong những người đan lát có tiếng nhất trong xã Đăk Pxi (thôn Đăk Kơ Đương, huyện Đăk Hà, Kon Tum). Già A Ren cùng ông A Hải đang hoàn thành những chiếc gùi còn dang dở.

Già A Ren tâm sự: “Mình đã làm nghề đan lát này được hơn 80 mùa rẫy rồi. Từ xưa, bà con Xơ Đăng lên rừng, lên rẫy thì phải có cái gùi đựng cơm, cái dao đi phát cây. Ấy vậy mà, giới trẻ giờ lên rẫy cũng chỉ mang cái túi vải. Mình đan gùi giờ chỉ bán cho ít người trong làng hoặc mang đi đổi công”.

Theo già A Ren, năm lên 10 tuổi, trong khi bố mẹ lên nương rẫy, A Ren ở nhà thường ngồi đan gùi, mẹt, làm nỏ săn. Thấy con đam mê nghề đan lát nên cha A Ren đã dẫn lên rừng để chỉ cách chọn lồ ô, tre, nứa, rồi vót nan.

“Khi ấy, mình làm chưa quen nên hay bị rộp da và hay đứt tay lắm. Sau dần, tay vót nan nhanh hơn và đan gùi đều, hoa văn đẹp. Mọi người thấy mình đan đẹp nên thường đặt trước tiền để làm cho kịp mùa lúa”, già A Ren bộc bạch.

Ông A Hải (54 tuổi) cũng nổi tiếng là người đa tài. Ông luôn phụ trách mọi việc quan trọng trong làng như: dựng nhà rông, đục, chạm, xây nhà, dạy đánh cồng chiêng. Lúc mưa gió, ông A Hải lại mang lồ ô sang cùng ông A Ren ngồi đan gùi, mẹt.

Theo ông A Hải, ông học đan gùi từ năm 12 tuổi. Khi thấy ông chăm chú nhìn người trong thôn đan, cha của ông đã quyết định truyền lại nghề đan gùi. Muốn chiếc gùi đẹp, bền thì khâu quan trọng nhất là chọn cây săm lũ, cây lồ xô vừa tầm khoảng 2 năm tuổi. Để chiếc gùi được bắt mắt, người thợ thường phối các nan, dây để tạo ra những hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc bản địa.

Mỗi tuần, ông Hải, ông A Ren đan được khoảng từ 3 đến 5 chiếc gùi và một số cái nia lớn. Giá bán dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm gùi và 200.000 đồng mỗi cái nia.

“Thanh niên bây giờ không thích dùng mang gùi hay dùng đồ mây tre đan nữa. Tôi luôn truyền nghề cho những bạn trẻ có tâm huyết, muốn học học để cải tiến chiếc đan, nia cho phù hợp với thị trường hiện nay và vẫn giữ được bản sắc văn hóa”, ông A Hải trải lòng.

Bà Y Rua khéo léo se từng sợi thổ cẩm trên khung dệt . (Trọng Triển)

Bà Y Rua khéo léo se từng sợi thổ cẩm trên khung dệt . (Trọng Triển)

Nỗi lo mai một nghề truyền thống

Tỉ mỉ se từng sợi thổ cẩm mềm mịn trên khung dệt, Bà Y Rua (66 tuổi, thôn Đăk Vek, xã Đăk Pxi) tâm sự: “Tận dụng những lúc trời mưa hay xong việc đồng áng, tôi lại đưa sợi ra dệt, phục vụ cho dân làng làm khăn địu con, quần áo... Nghề dệt thổ cẩm này lắm công phu và cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên khó có người theo lắm”.

Theo Y Rua, từ xưa, bà con Xơ Đăng thường rủ nhau lên rừng tìm hái quả bông gòn nở bung mang về nhà. Người thì gánh nước, số còn lại thì ngồi tách hạt bông rồi đem phơi khô để quay thành sợi. Chọn các loại lá, hoa rừng, rau, củ đem giã rồi ngâm với sợi trong chum để tạo màu. Khi sợi đã nhuốm màu thì đem phơi nắng để tạo hương thơm và độ bền.

Hiện nay, quần áo, khăn tay đa sắc màu với nhiều họa tiết bắt mắt được bày bán khắp nơi nên giới trẻ cũng không còn sử dụng đồ thổ cẩm nhiều. Vì vậy, số người còn gắn bó với nghề truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

“Tôi may mắn cũng có 2 người cháu đang tuổi đôi mươi vì yêu thích nên thường ra nhờ chỉ dạy dệt thổ cẩm. Tôi mong sẽ xây dựng được những lớp học dệt thổ cẩm, đan lát trong làng nhằm gìn giữ những bản sắc dân tộc, tránh sự mai một với thời gian”, bà Y Rua trải lòng.

Ông U Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, đan lát, dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời và gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt, lao động của người Xơ Đăng trên địa bàn xã. Trước khi do giao thông đi lại khó khăn, người dân thường có nhu cầu lớn mua đồ đan lát, vải thổ cẩm về sử dụng. Những năm gần đây thuận lợi về giao thông và hàng hóa buôn bán về xã nhiều nên bà con có giảm do người dân không mặn mà với những đồ dùng truyền thống.

Lãnh đạo xã Đăk Pxi cho biết, địa phương đang tích cực quảng bá nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mỹ nghệ đan lát, thổ cẩm. Đồng thời, địa phương cũng tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề đan lát truyền thống để bảo tồn bản sắc dân tộc, có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Khuyến khích người dân đưa các sản phẩm văn hóa đi giới thiệu, trưng bày để tìm kiếm đầu ra.

Trọng Triển

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-xo-dang-giu-lua-nghe-dan-lat-det-tho-cam-post536421.html
Zalo