Những người thách thức Taliban

Mùa xuân là mùa của chiến tranh ở Afghanistan. Taliban luôn mở đợt tổng tiến công mới khi tuyết trên những đỉnh núi tan ra. Mùa xuân 2023 cũng không phải ngoại lệ, chỉ khác một điều là lần này Taliban không phải bên phát động tấn công. Họ bị đặt vào thế phòng thủ trước những đợt đột kích của các lực lượng du kích chống Taliban. Những người lính đang chống lại Taliban là ai?

Từ tro tàn

Akmal Amir (33 tuổi) sinh ra trong một gia đình ở đông bắc Afghanistan. Năm Amir 18 tuổi, anh đỗ vào đại học xây dựng nhưng lại chọn theo học trường sỹ quan. Nhờ khả năng giao tiếp và chỉ huy mà Amir nhanh chóng leo lên hàm trung úy chỉ huy trung đội lính đặc công. Đơn vị của anh chiến đấu tại Helmand, mảnh đất đẫm máu của binh lính chính phủ lẫn Taliban. Khi Kabul thất thủ, Amir trở lại quê nhà ở tỉnh Panjshir để lãnh đạo dân quân chiến đấu. Phải đến khi Panjshir mất vào tay Taliban thì Amir mới chịu rút lui sang Iran. Tại đây Amir tiếp tục tập hợp các cựu binh Afghanistan khác đang sống lưu vong thành quân du kích chống Taliban.

Tướng Mohammad Yasin Zia (giữa).

Tướng Mohammad Yasin Zia (giữa).

Câu chuyện nói trên không chỉ của một mình Akmal Amir. Hàng trăm cựu binh, quan chức chính phủ Afghanistan cũ hiện là nòng cốt trong các lực lượng chống Taliban. Họ chiến đấu với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó toàn dân Afghanistan sẽ nổi dậy bởi sự đàn áp và chia rẽ do Taliban gây ra. Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Afghanistan trả lời hãng tin AP: “Chẳng có gì ở đất nước này tốt lên sau khi Taliban lên nắm quyền. Tôi tin rằng chẳng sớm thì muộn cũng sẽ có cách mạng ở Afghanistan”.

Hai lực lượng chống Taliban lớn nhất vào thời điểm hiện tại là Mặt trận Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF) và Mặt trận Tự do Afghanistan (AFF). NRF nhận được sự chú ý nhiều hơn một phần do được dẫn dắt bởi Ahmad Massoud, con trai cố chỉ huy của Liên minh Phương bắc Ahmad Shah Massoud. Shah Massoud từng là một trong những lãnh đạo quan trọng trong phong trào kháng chiến chống quân đội Liên Xô (cũ). Sau đó ông tiếp tục chiến đấu chống quân Taliban khi đó đang làm chủ Afghanistan. Ông Shah Massoud bị Al-Qaeda ám sát chỉ hai ngày trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001. Bây giờ lại đến lượt con trai ông chống lại Taliban.

Ahmad Massoud nói với phóng viên nước ngoài: “NRF có khoảng 5.000 thành viên bao gồm cả binh lính và những người làm hậu cần, tình báo, v.v... NRF bắt đầu hoạt động ở Kabul rồi mở rộng địa bàn ra miền bắc và trung Afghanistan. Chúng tôi đang lớn mạnh lên theo từng ngày”.

Cuộc phỏng vấn nói trên xảy ra trước khi Ahmad Massoud và nguyên phó tổng thống Amrullah Saleh (một lãnh đạo NRF khác) chạy sang Tajikistan để sống lưu vong. Những thành viên NRF vẫn còn hoạt động tại Afghanistan thường xuyên phàn nàn về việc thiếu vũ khí và nhu yếu phẩm, hoặc là không được trả đủ lương để nuôi sống gia đình. Nhiều thanh thiếu niên muốn gia nhập NRF cũng bị từ chối do lực lượng thiếu súng ống. Chưa hết, binh lính NRF còn cáo buộc những chỉ huy như Ahmad Massoud bòn rút quỹ kháng chiến.

Sau khi nghe những câu chuyện kể trên về NRF, Akmal Amir và các đồng đội cũ bèn gia nhập AFF. Binh lính AFF được trang bị đầy đủ hơn và nhận lương 100 USD/tháng, vừa đủ để họ yên lòng ở nơi chiến tuyến mà không phải lo nghĩ cái ăn cho vợ con. Họ vượt biên từ Iran sang Afghanistan lúc giữa đêm, ai ai cũng để râu tóc dài đến vai để Taliban không nhận ra danh tính. Họ được phái đến đóng tại hẻm Salang, một vị trí chiến lược trên tuyến đường nối Kabul với miền bắc Afghanistan. Ngoài trách nhiệm chỉ huy, Amir còn đóng vai trò “cầu nối” giữa AFF và các nhóm nổi dậy địa phương. AFF muốn phối hợp với các nhóm dân quân khác để đồng loạt tấn công Taliban khi mùa xuân đến.

Đơn vị của Akmal Amir mới đóng quân được vỏn vẹn mấy tuần thì căn cứ đã bị bại lộ. Taliban bắt được hai người đàn ông chuyên bí mật giao thực phẩm và thông tin cho AFF, rồi bắt họ khai ra nơi lính nổi dậy đang trốn. Amir nhận ra ngay có chuyện chẳng lành vì không có chuyến tiếp tế như thường lệ nên lập tức rút quân đến nơi trú ẩn mới, nhưng Taliban vẫn lần dấu theo được. Hơn 35 chiếc xe chở hàng trăm lính Taliban đồng loạt tấn công vào căn cứ AFF lúc 23 giờ đêm. Cuộc đấu súng kéo dài đến tận sáng sớm hôm sau. Cả 11 tay súng AFF, trong đó có Akmal Amir, đều bị giết.

Akmal Amir chỉ là một trong số hàng chục thủ lĩnh kháng chiến khác bị Taliban tiêu diệt. Có thể kể đến Malik Khan, một lãnh đạo quan trọng của NRF tử trận tại quận Dara, tỉnh Panjshir; Sohail Zmarai, cháu trai của cựu Thống đốc Atta Muhammad Nur (một trong những lãnh chúa quyền lực nhất Afghanistan) và là chỉ huy của phong trào kháng chiến tại tỉnh Balkh. Như con rắn đã mất đầu, NRF buộc phải từ bỏ các căn cứ tại khu vực thung lũng Panjshir để rút lui lên những ngọn núi xa xôi nhất trên dãy Hindu-Kush.

Phát ngôn viên viên của NRF, Ali Maisam Nazary, tuyên bố với các phóng viên nước ngoài: “Chúng tôi đang thực hiện chiến tranh du kích, vì vậy mục tiêu chính của chúng tôi không phải là giải phóng và kiểm soát lâu dài từng địa phương một. Chúng tôi muốn khiến Taliban kiệt sức trên cả mặt trận quân sự lẫn tuyên truyền, đồng thời bổ sung lực lượng để chờ ngày tiến đến đến giải phóng Afghanistan”.

Hiện nay NRF và AFF vẫn mở những đợt tấn công lẻ tẻ vào Taliban ở khu vực miền bắc Afghanistan. Đặc biệt có một đơn vị được cựu Bộ trưởng Nội vụ Masud Andrai chỉ huy đã tiêu diệt khoảng 50 tay súng Taliban. Đơn vị này đang kiểm soát vùng thung lũng Andrab ở tỉnh Baghlan.

Binh lính Taliban diễu binh nhân kỷ niệm 2 năm Mỹ rút quân.

Binh lính Taliban diễu binh nhân kỷ niệm 2 năm Mỹ rút quân.

Ở các tỉnh khác như Kapisa, Parwan và Badakhshan cũng đã có một số cuộc tấn công du kích khác do những nhóm nổi dậy địa phương thực hiện. Tại Kandahar, có dấu hiệu cho thấy binh lính cũ của cố Giám đốc Cảnh sát tỉnh Abdul Raziq Achakzai chuẩn bị nổi dậy hàng loạt. Abdul Raziq Achakzai từng có thời được coi là “người hùng” Afghanistan do sống sót qua không dưới 8 lần ám sát khác nhau. Taliban chỉ giết được Achakzai khi ông ta đang ngồi trên xe rời khỏi cuộc họp với tướng Mỹ Austin S. Miller. Hiện nay em trai Tadeen Khan của Achakzai đang lãnh đạo những người vẫn còn trung thành với anh mình. Tuy nhiên có nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về sự thiếu kinh nghiệm trận mạc của Tadeen Khan.

Ahmad Massoud tuyên bố trong một đoạn video được tung lên mạng vào tháng 7 vừa qua: “Taliban cho chúng ta hai con đường: đầu hàng hay là chết. Chúng không biết rằng chúng càng cứng rắn thì lại càng khiến nhiều người đứng lên chống lại chúng. Các nhóm chống Taliban đang xuất hiện trên khắp Afghanistan. Họ đang chờ đợi xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu dưới thời Taliban”.

Phát ngôn trên được đưa ra sau khi cuộc điều đình giữa NRF và Taliban đổ bể sau nhiều tháng giậm chân tại chỗ. Ahmad Massoud còn cho biết sắp có một hội nghị giữa lãnh đạo những nhóm nổi dậy khác nhau nhằm thống nhất họ lại. Cuộc họp sẽ diễn ra tại Châu Âu. Câu hỏi hiện nay là liệu lãnh đạo các phong trào chống Taliban khác nhau có thống nhất được với nhau không? Ngay dưới thời chính phủ Kabul thân Mỹ còn tồn tại, đất nước của họ cũng bị chia cắt bởi những thế lực địa phương khác nhau. Họ tấn công lẫn nhau cũng thường xuyên như họ tấn công Taliban vậy. Thật khó để tưởng tượng rằng những thù hằn trước kia sẽ được các bên gạt sang hẳn một bên để cùng nhau chống lại Taliban.

Trông chờ vào Mỹ

Cho dù là NRF, AFF hay nhóm nổi dậy nào đi nữa, ai thuộc phe chống Taliban cũng kêu gọi phía Mỹ viện trợ cho họ. Về phần mình thì Washington không ủng hộ một cuộc chiến kéo dài với Afghanistan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời phóng viên tờ Task & Purplose: “Afghanistan đã trải qua chiến tranh trong suốt 44 năm liền. Chúng tôi không muốn thấy quốc gia này lại một lần nữa rơi vào xung đột, và dân chúng Afghanistan cũng từng nói với chúng tôi là họ không muốn chiến tranh”.

Bà Kate Clark, giám đốc tổ chức Mạng lưới Phân tích Afghanistan, nhận xét trên đài truyền hình CNBC: “Quả thật là vẫn có những người đang thách thức quân sự Taliban, nhưng vẫn chưa rõ liệu sẽ có nổi dậy quy mô lớn ở Afghanistan không... Taliban đã mất gần mười năm để xây dựng lại lực lượng sau khi rút lui khỏi Kabul vào năm 2001. Các nhóm nổi dậy chống Taliban còn yếu hơn Taliban thời điểm đó. Họ không kiểm soát bất kỳ đường biên giới nào và cũng không có quốc gia láng giềng hay thế lực quốc tế nào hỗ trợ như Taliban”.

Bà Clark còn chỉ ra một số khó khăn khác của phe nổi dậy: “NRF và AFF có nhiều lãnh đạo là quan chức, tướng lĩnh trong chính quyền cũ. Người dân Afghanistan căm ghét những nhân vật này vì tham nhũng và sự bất tài của họ. Ngay cả người Mỹ cũng không muốn hỗ trợ những đồng minh cũ... Họ không có đường dây liên lạc hữu hiệu nối giữa các cấp chỉ huy ở Iran, Tajikistan,... với binh lính đóng tại Afghanistan. Nhiều du kích đã bị Taliban bắt và xử bắn khi đang vượt biên hay đi cứu viện ở địa phương khác”.

Bà Clark kết luận: “Taliban quen với việc đánh nhau hơn là điều hành nhà nước. Các nhóm nổi dậy có khi lại là điều tốt với họ. Họ có thể dùng quân nổi dậy nhằm “thử lửa” binh lính, đồng thời có lý do để biện minh cho những sai lầm chính sách của mình”.

Nhà báo, nhà phân tích chính trị Natiq Malikzada chia sẻ quan điểm tương tự: “Lực lượng kháng chiến chống Taliban thiếu tiền và vũ khí phần lớn do không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu có đầy đủ nguồn lực thì họ hoàn toàn có thể thu hút được những cộng đồng dân cư thiểu số vào liên minh của mình. Người Uzbek, người Hazara, v.v... không ưa gì Taliban, nhưng họ cũng không muốn tham chiến bên phe kẻ thua”.

Taliban không coi các nhóm nổi dậy là mối lo hàng đầu của họ. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói: “Afghanistan vừa mới trải qua hơn 40 năm chiến tranh. Ở đâu trên đất nước này cũng tìm ra vũ khí, cho nên không lạ gì khi xuất hiện những nhóm vũ trang chống chính phủ. Taliban tự tin vào khả năng đối đầu trực tiếp với các nhóm nổi dậy. Không có sự hỗ trợ của nước ngoài, họ không thể nào nghiêm túc thách thức chính phủ được”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-nguoi-thach-thuc-taliban-i706856/
Zalo