Những người nào nên hạn chế uống nước lá tía tô?

Nhiều người vẫn thường có thói quen nấu nước lá tía tô để uống hàng ngày, nhưng có một số nhóm người được khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng loại nước này.

Tác dụng của lá tía tô với sức khỏe

Giúp cải thiện tâm trạng:Báo Thanh Niên dẫn nguồn nghiên cứu trên chuyên san Frontiers in Pharmacology cho biết, lá lá tía tô có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu và căng thẳng mà không gây tác dụng phụ.

Giúp dễ ngủ:Một số sản phẩm bổ sung hỗ trợ giấc ngủ chứa cả axit gamma-aminobutyric (GABA). Não thường tiết ra chất dẫn truyền thần kinh GABA để giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ. Lá tía tô là thực phẩm giàu GABA, giúp tăng mức GABA trong não. Do đó, dùng lá tía tô sẽ giúp dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

Giảm triệu chứng trầm cảm: Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy tía tô chứa các chất có tác dụng cải thiện triệu chứng trầm cảm. Báo Thanh Niên dẫn nguồn một nghiên cứu công bố trên chuyên san Frontiers in Bioscience phát hiện chất a-xít phenolic và các hợp chất khác trong lá tía tô đất không chỉ chống viêm, chống ô xy hóa mà còn làm dịu hệ thần kinh. Chính nhờ công dụng này mà lá tía tô có thể được dùng để điều trị lo âu, tăng huyết áp và chứng mất trí.

Điều trị gout và tốt cho tiêu hóa: Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, 4 hoạt chất trong lá tía tô có thể làm giảm enzym xanthin oxidase - tác nhân làm hình thành axit uric gây ra bệnh gout. Lý giải về lá tía tô có tác dụng gì qua các thử nghiệm đã được thực hiện cho thấy rằng, việc hàng ngày sử dụng chiết xuất từ lá tía tô sẽ cải thiện triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bệnh trào ngược dạ dày và chứng táo bón nhẹ ở hội chứng ruột kích thích.

Hỗ trợ giảm cân:Nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.

Những người nào nên hạn chế uống nước lá tía tô?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y Thị xã Thái Hòa - Nghệ An cho biết, bên cạnh những tác dụng có lợi của lá tía tô một số những trường hợp sau đây không nên uống tía tô dài ngày và những lưu ý khi dùng tía tô để uống.

Phụ nữ đang mang thai: Theo kinh nghiệm của người xưa thì khuyên uống nhiều nước lá tía tô để quá trình sinh sản dễ dàng hơn. Tuy nhiên theo những nghiên cứu gần đây thì các bác sĩ đã cảnh báo vì chưa nghiên cứu nào chứng minh nước lá tía tô giúp phụ nữ dễ sinh hơn, thậm chí điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Cơ thể phụ nữ mang thai vốn nóng hơn người bình thường, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Hơn nữa, việc lạm dụng lá tía tô có thể khiến cho phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ. Phụ nữ mang thai có thể uống nước lá tía tô để hỗ trợ trị cảm cúm, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng sử dụng.

Người đang bị cảm nóng:Theo y học cổ truyền, lá tía tô vị cay tính ấm. Do đó những người đang bị cảm nóng cần sử dụng thận trọng hơn vì dùng tía tô khiến cho cơ thể thêm bức bối, khó chịu.

Lá tía tô rất tốt cho sức khỏe

Lá tía tô rất tốt cho sức khỏe

Người bị dị ứng với tía tô:Có một số trường hợp bị dị ứng với lá tía tô mà không hề biết. Do đó cần phải cận thận khi dùng tía tô. Ngoài ra, cần đảm bảo mua được loại tía tô sạch, không có hóa chất để giữ an toàn cho sức khỏe.

Bệnh nhân cao huyết áp: Không lạm dụng lá tía tô vì có thể gây tăng cao huyết áp, tổn hại hệ tim mạch. Ngoài ra, uống nhiều nước tía tô cũng khiến cơ thể bị đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ khác. Vì vậy nên uống liều lượng vừa phải.

Lưu ý: Không đun sôi lá tía tô quá 15 phút, vì các tinh dầu trong lá, cành cây sẽ bị bốc hơi làm giảm tác dụng của nước lá tía tô.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nao-nen-han-che-uong-nuoc-la-tia-to-ar896638.html
Zalo