Những người mẹ đặc biệt của trẻ sinh non xuyên Tết

Xuyên Tết nguyên đán, nhiều trẻ sinh non duy trì sự sống trong lồng ấp. Những bác sĩ, điều dưỡng đơn vị sơ sinh trở thành những người mẹ đặc biệt với các sinh linh bé bỏng.

Điều dưỡng Phương chăm sóc trẻ sinh non.

Điều dưỡng Phương chăm sóc trẻ sinh non.

Bé Lucky, sinh cực non ở tuần thai 25 chào đời cuối tháng 11/2024 là một trong những trường hợp nặng đang được điều trị và chăm sóc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Khi chào đời, bé chỉ nặng 650gr, tím tái, được các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh nhanh chóng áp dụng phác đồ giờ vàng – tổng thể các kỹ thuật cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời ngay tại phòng sinh. Bé được đặt nội khí quản, thở máy, chuyển đến Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non, được truyền dịch nuôi ăn đường tĩnh mạch, truyền kháng sinh trị nhiễm khuẩn huyết…

Trong khoảnh khắc giao thừa, bé Lucky ngủ không yên giấc. Cậu bé được bác sĩ và điều dưỡng thay phiên điều chỉnh tư thế nằm, vỗ về, chuyện trò…

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày đầu bé không dung nạp đường, đường huyết tăng liên tục phải truyền insulin. Trong tuần đầu bé không ăn được.

Nhờ các phương pháp can thiệp sớm, tích cực điều trị và chăm sóc, bé vượt qua được những thời điểm nguy kịch, thành công cai máy thở sau 9 ngày, rút nội khí quản, chuyển sang thở máy không xâm lấn, ăn được bằng đường miệng, mọi chỉ số sức khỏe cải thiện tốt.

Gần 2 tháng qua, mỗi ngày điều dưỡng Phạm Thị Hoài Phương, trưởng tua trực cùng các đồng nghiệp trực tiếp chăm sóc bé Lucky, tường tận từng tính tình của bệnh nhi. Chị không thể quên những ngày đầu bé đỏ hỏn, lọt thỏm trong lòng bàn tay, sự sống cực kỳ mong manh.

“Những thời điểm bé cai được máy thở, ăn được sữa qua ống sonde dạ dày từ 0.5ml dần tăng lên 1ml, 2ml… hồi phục sức khỏe và cân nặng cải thiện khiến bác sĩ và điều dưỡng đều vui mừng, thêm động lực cố gắng”, chị Phương nhớ lại.

Đây là trường hợp trẻ nhẹ cân và tuổi thai nhỏ nhất được cứu sống tại Trung tâm. Bằng những nỗ lực chăm sóc, điều trị, cân nặng của bé tăng từ 650gr lên 1,3kg, dự kiến bé được tiếp tục nuôi dưỡng thêm khoảng hơn một tháng, cân nặng đạt ít nhất 2,5kg mới được xuất viện về nhà.

Trẻ sinh non được các y, bác sĩ tận tâm chăm sóc.

Trẻ sinh non được các y, bác sĩ tận tâm chăm sóc.

Theo điều dưỡng Phương, những trẻ sinh non và cực non được điều trị trong lồng ấp cần sự chăm sóc hoàn toàn từ các bác sĩ và điều dưỡng. Mỗi ngày, người thân của bệnh nhi được vào thăm, chuyện trò trong khoảng một giờ đồng hồ. Những ngày Tết, nhiều bố mẹ của các bệnh nhi tìm đến thuê trọ ở gần bệnh viện để có thể gần con mọi lúc, nhưng những khoảng thời gian đoàn tụ đó dường như vẫn ngắn ngủi.

Chị Phương đã trải qua hai lần sinh nở và nuôi con, ngày thường đã coi những bệnh nhi bé bỏng như khúc ruột của mình, ân cần chăm sóc. Ngày Tết đặc biệt hơn, ngoài chăm sóc y tế, vệ sinh, giấc ngủ, chị và đồng nghiệp nỗ lực dành thật nhiều thời gian để vỗ về, chuyện trò cùng các bé. Họ mong mỏi truyền thêm chút hơi ấm tinh thần cho những bệnh nhi tí hon, bù đắp cho những thiệt thòi khi không có bố mẹ bên cạnh trong cái Tết đầu đời.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trên thế giới, hàng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, hay cứ 10 trẻ ra đời thì có một trẻ sinh non. Tại Việt Nam, hàng năm có 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh. Chủ động các phương pháp điều trị và chăm sóc ngay sau chào đời đóng vai trò rất quan trọng giúp tăng cơ hội sống sót, giảm biến chứng và di chứng cho trẻ.

Bác sĩ Hạnh cho biết, trước đây những trẻ sinh non và cực non ở tuần thai 24- 25 có khả năng nuôi sống rất thấp. Nhờ các phương pháp hiện đại, phác đồ giờ vàng, máy móc cao cấp, hàng trăm trẻ sinh non và cực non đã được chủ động can thiệp sớm, tránh những xâm lấn quá mức, hỗ trợ hô hấp kịp thời giúp trẻ không tử vong do suy hô hấp, không bị di chứng sau quá trình điều trị, chất lượng cuộc sống tốt sau khi xuất viện.

Trẻ sinh non và cực non có thể trạng đặc biệt yếu bởi mọi cơ quan còn non nớt như hệ hô hấp, da mỏng manh dễ chảy máu… Trung bình, mỗi trẻ sinh non và cực non cần được chăm sóc y tế, nuôi dưỡng tại bệnh viện khoảng 3 tháng. Quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng đòi hỏi bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm, tận tâm và tỉ mỉ.

Bác sĩ Hạnh tâm huyết nói, tại Trung tâm, những trẻ sinh non và cực non sau quá trình điều trị hầu như không trường hợp nào phải mang oxy về nhà, hồi sinh kỳ diệu mà không bị di chứng.

HẢI NGÔ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-me-dac-biet-cua-tre-sinh-non-xuyen-tet-post858355.html
Zalo