Những người lưu giữ nét đẹp dân tộc

ĐBP - Nghệ nhân có vai trò, đóng góp quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Tại Điện Biên, nhiều năm qua, các nghệ nhân đã và đang phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, dẫn dắt cộng đồng dân cư gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nghệ nhân Giàng Thị Mảy, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) giới thiệu các sản phẩm nghề thêu dệt truyền thống của dân tộc Mông tới du khách tại Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Nghệ nhân Giàng Thị Mảy, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) giới thiệu các sản phẩm nghề thêu dệt truyền thống của dân tộc Mông tới du khách tại Lễ hội Hoa Ban năm 2024.

Nhắc đến nghề thêu dệt truyền thống và vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục đồng bào Mông ở Điện Biên, không thể không nhắc tới nghệ nhân Giàng Thị Mảy, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa). Dù tuổi đã cao, nhưng bà Mảy vẫn luôn đam mê với nghề thêu dệt thổ cẩm của dân tộc.
Nghề thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa có từ rất lâu. Bản thân bà Mảy được trao truyền từ khi còn nhỏ. Nhờ chăm chỉ học tập, đến năm 16 tuổi bà đã thành thạo đường kim, mũi chỉ, thuần thục cách tạo hình, trang trí hoa văn và dần điêu luyện trong kỹ thuật triết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt.
Bằng những kiến thức có được, những năm gần đây, nghệ nhân Giàng Thị Mảy tham gia nhiều chương trình, sự kiện như: Lễ hội Hoa Ban, Ngày hội Văn hóa các dân tộc, Chương trình trình diễn kỹ năng thêu truyền thống và vẽ sáp ong của dân tộc Mông Hoa tại Thủ đô Hà Nội... Đây không chỉ là dịp để quảng bá nghề thủ công của dân tộc mà còn để các nghệ nhân có cơ hội giao lưu văn hóa, từ đó, tiếp thêm nghị lực “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Quàng Văn Cá, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) trình diễn nhạc cụ dân tộc Khơ Mú.

Nghệ nhân Quàng Văn Cá, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) trình diễn nhạc cụ dân tộc Khơ Mú.

Là người dân tộc Khơ Mú, sinh ra, lớn lên ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng), nghệ nhân Quàng Văn Cá không chỉ được biết đến là người nắm giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình (lễ hội xên bản, lễ hội cầu mưa, lễ hội cầu mùa...), mà ông còn trao truyền những nét đẹp đó cho hàng trăm bạn trẻ trên địa bàn. Ông Cá chia sẻ: “Ngày nhỏ tôi thường theo gia đình đi xem các lễ hội. Với bản tính tò mò, tôi thường tới chỗ các thầy cúng ngồi khấn để nghe và xem làm lý. Sau mỗi buổi lễ, tôi cùng các bạn trong bản làm theo, dần dần các nghi thức lễ hội, các câu ca, điệu múa truyền thống của người Khơ Mú được tôi ghi nhớ và thực hành cho tới bây giờ”.
Ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng, năm 2022, ông Quàng Văn Cá đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
19 dân tộc anh em đã tạo nên một Điện Biên đa sắc màu về bản sắc văn hóa dân tộc, sự phong phú về các loại hình di sản văn hóa với sự đóng góp của đội ngũ nghệ nhân để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cho đời sau.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/nhung-nguoi-luu-giu-net-dep-dan-toc
Zalo